Thực hư thu nhập nhân viên Manulife Việt Nam
(Dân trí) - Chi phí lương nhân viên của Manulife Việt Nam năm 2024 là hơn 1.314 tỷ đồng, giảm 42 tỷ đồng so với năm 2023 trong bối cảnh lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp chỉ tăng 2%.
Báo cáo tài chính của Manulife Việt Nam mới đây đã được công bố. Mức thu nhập của nhân viên bảo hiểm tại đây gây bất ngờ do mức chi trả lương của doanh nghiệp bảo hiểm này thuộc nhóm cao so với mặt bằng chung của thị trường lao động.
Theo báo cáo của Manulife Việt Nam, chi phí lương nhân viên năm 2024 là hơn 1.314 tỷ đồng, giảm 42 tỷ đồng so với năm 2023. Tương ứng với chi phí giảm, số nhân viên của công ty này cũng giảm từ 1.153 người còn 997 người vào cuối năm 2024, tức giảm 156 người.
Chi phí này bao gồm chi trả cho cả đội ngũ nhân viên chính thức lẫn nhân viên thu phí, nhân viên thời vụ, nhân viên thuê ngoài. Ngoài lương cơ bản, chi phí này còn bao gồm kinh phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm thất nghiệp, các chương trình gắn kết nhân viên và các khoản hỗ trợ khác.
Hiện tại, giá bán vàng miếng SJC dao động khoảng 106-107 triệu đồng/lượng. Như vậy, bình quân nhân viên tại đây có thu nhập tương đương hơn một cây vàng mỗi tháng.
Mức thu nhập bình quân này vượt trội hơn so với nhân viên ngành ngân hàng. Theo thống kê từ báo cáo tài chính các ngân hàng, HSBC hiện tại là ngân hàng trả lương bình quân cho nhân viên cao nhất, lên tới 72 triệu đồng/tháng, theo sau là Techcombank trả trung bình 48 triệu đồng/tháng, VietinBank trả 45 triệu đồng/tháng hay nhân viên tại MB bình quân mỗi tháng nhận 44,7 triệu đồng…

Bình quân thu nhập nhân viên Manulife Việt Nam năm qua lên tới gần 110 triệu đồng/tháng (Ảnh: Tiến Tuấn).
Về kết quả kinh doanh, năm ngoái, Manulife Việt Nam ghi nhận lợi nhuận sau thuế 3.334 tỷ đồng, chỉ tăng 2% so với năm 2023.
Theo báo cáo, ở hoạt động cốt lõi, doanh thu phí bảo hiểm năm 2024 đạt 17.810 tỷ đồng, giảm 17,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí bồi thường và trả tiền bảo hiểm là 7.900 tỷ đồng, giảm 740 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh bảo hiểm ghi nhận lỗ tới 2.170 tỷ đồng trong khi hạng mục này ghi nhận khoản lãi lên tới 2.175 tỷ đồng năm 2023. Nguyên nhân chính là chi phí dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm gốc tăng mạnh, từ hơn 8.900 tỷ đồng lên 10.663 tỷ đồng.
Tổng chi phí cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm lên tới hơn 19.200 tỷ đồng, cao hơn doanh thu, dẫn đến việc thua lỗ hơn 2.100 tỷ đồng từ kinh doanh bảo hiểm.
Manulife ghi nhận doanh thu tài chính gần 7.550 tỷ đồng trong năm, tăng 2.000 tỷ đồng so với năm 2023. Trong đó, lãi từ tiền gửi ngân hàng đạt 1.033 tỷ đồng, tăng 121 tỷ đồng; lãi từ đầu tư trái phiếu đạt 3.179 tỷ đồng, tăng 110 tỷ đồng; lãi từ hoạt động mua bán cổ phiếu đạt 1.726 tỷ đồng, cao hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Manulife Việt Nam đầu tư một lượng tiền lớn vào thị trường tài chính. Trong đó, công ty đầu tư 12.800 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp (gồm 2.124 tỷ đồng ngắn hạn và 10.700 tỷ đồng dài hạn).
Công ty cũng nắm giữ 61.300 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và chính quyền địa phương. Song song đó, doanh nghiệp bảo hiểm có 23.535 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn và 1.300 tỷ đồng tiền gửi dài hạn.
Manulife cũng dành 9.978 tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu, tăng 112 tỷ đồng so với đầu năm 2024, chủ yếu là mua cổ phiếu niêm yết và một số ít cổ phiếu trên thị trường UPCoM.
Tổng thu nhập khác trong năm 2024 của Manulife Việt Nam đạt 4.935 tỷ đồng, tăng mạnh 1.775 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, có khoảng 4.000 tỷ đồng đến từ khoản lãi phân bổ vào thu nhập khác trích từ giá trị tài khoản hợp đồng bảo hiểm.
Đặc biệt, khoản mục "thu khác" đạt 928 tỷ đồng, tăng đột biến so với mức gần 5,5 tỷ đồng trong năm trước. Theo thuyết minh từ Manulife Việt Nam, phần lớn khoản thu khác này đến từ việc chấm dứt thỏa thuận hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền giữa Manulife và Techcombank. Sự kiện diễn ra vào giữa năm 2023 và hoàn tất vào năm 2024.
Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của công ty đạt 137.049 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn điều lệ đến cuối năm 2024 là 22.220 tỷ đồng. Nợ phải trả của Manulife Việt Nam là 113.558 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ dài hạn. Năm ngoái, doanh nghiệp chi trả 7.884 tỷ đồng cho các yêu cầu bồi thường và thanh toán quyền lợi bảo hiểm của khách hàng.