Thu nhập bình quân đầu người ở thành thị gần 6,7 triệu đồng/tháng
(Dân trí) - So với năm 2023, thu nhập bình quân đầu người một tháng đã tăng 7,8%, đạt 5,4 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mức tăng thu nhập năm 2023 so với 2022 (tăng 6,2%).
Tình hình đời sống dân cư trong 9 tháng năm nay được cải thiện hơn, theo Tổng cục Thống kê.
Kết quả sơ bộ Khảo sát mức sống dân cư cho thấy, thu nhập bình quân đầu người một tháng trong kỳ 9 tháng năm nay ước đạt gần 5,4 triệu đồng/người/tháng, trong đó thành thị đạt gần 6,7 triệu đồng/người/tháng và nông thôn là gần 4,7 triệu đồng/người/tháng.
So với năm 2023, thu nhập bình quân đầu người một tháng đã tăng 7,8%, cao hơn mức tăng thu nhập năm 2023 so với 2022 (tăng 6,2%).
Theo khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư, tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng 9 không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm trước là 96,2% (tăng 0,1 điểm phần trăm so với kỳ báo cáo tháng 8 và tăng 2,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước); tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập giảm và không biết so với tháng cùng kỳ năm 2023 là 3,8%.
Trong quý III, tình hình đời sống dân cư vẫn được duy trì ổn định, tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập các tháng của quý III tăng lên là 33,1% (tăng 2,1 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 5,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).
Đồng thời, tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập không thay đổi là 63% (giảm 1,1 điểm phần trăm và giảm 4 điểm phần trăm); tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập giảm và không biết là 3,9% (giảm 1 điểm phần trăm và giảm 1,8 điểm phần trăm).
Các hộ có thu nhập trong quý III giảm so với cùng kỳ năm trước nhận định nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thành viên hộ mất việc làm hoặc tạm nghỉ việc (chiếm tỷ lệ 43,6%); do quy mô các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ giảm (27,9%); do chi phí đầu vào cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ tăng (24,6%); do giá bán các sản phẩm từ các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ giảm (19,5%).
Trong 9 tháng, có 30,8% hộ cho biết có trải qua ít nhất một sự kiện gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống gia đình, tỷ lệ này tương đương so với kỳ báo cáo tháng 8 và giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Trong số các hộ chịu ảnh hưởng tiêu cực của các sự kiện có 30% hộ đang phải chịu những ảnh hưởng do giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao; 2,5% hộ gia đình chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh đối với con người và 1,9% hộ gia đình chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh đối với vật nuôi, cây trồng.
Đồng thời, có 12,5% hộ gia đình được phỏng vấn nhận được sự trợ giúp từ các nguồn hỗ trợ khác nhau. Trong đó, tỷ lệ hộ nhận được trợ giúp từ họ hàng, người thân là 8,5%; từ các chương trình, chính sách của địa phương là 4,5%; từ các chương trình, chính sách chung của quốc gia là 4,2%; từ các hoạt động từ thiện của các tổ chức và cá nhân khác là 1,6% và 0,02% từ các nguồn khác.