Thu hút ODA: Điều quan trọng nhất là “tiêu hóa” vốn
(Dân trí) - “Điều lo lắng nhất bây giờ không phải là huy động vốn mà là "tiêu hoá" vốn. Vấn đề này hiện đang ở tình trạng rất khó khăn, vừa tiêu không hết tiền và tiêu rất không hiệu quả”.
TS. Trần Xuân Giá, nguyên Trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng bày tỏ với Dân trí như vậy khi nói về thu hút vốn ODA và khả năng giải ngân của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Việt Nam vừa tạo được một bước đột phá về thu hút vốn ODA với hơn 4,45 tỉ USD tại Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) lần thứ 14. Ông đánh giá như thế nào về những con số kỉ lục này?
Khi nói về ODA, điều đầu tiên mà chúng ta cần phải hiểu nó chỉ là cam kết của các nhà tài trợ cho Việt Nam để phát triển các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Với phần vốn hơn 4,45 tỉ USD mà chúng ta vừa thu được sẽ phải qua quá trình ký kết các hiệp định của Chính phủ rồi mới có lộ trình cụ thể để giải ngân.
Tuy nhiên, giải ngân của chúng ta quá chậm nên có những dự án cam kết bây giờ nhưng sau năm 2010 mới thực hiện được. Tính chung từ năm 1993 tới nay, chúng ta chưa giải ngân được 50% số cam kết của các nhà tài trợ.
Điều đáng mừng đây là kết quả của rất nhiều năm. Chẳng hạn như Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) mọi năm chỉ cam kết tài trợ 700 triệu USD thì tại Hội nghị CG vừa qua đã cam kết tài trợ lên tới 1,1 tỉ USD. Điều này chứng tỏ chúng ta phải chuẩn bị ít nhất từ 3-4 năm trước và bây giờ đã có dự án vì ADB thường chỉ cho vay theo các dự án.
Có ý kiến cho rằng, khả năng giải ngân của Việt Nam thấp cũng là một điều tốt, vì tính từ thời điểm giải ngân chúng ta mới thành con nợ chứ không phải tính từ thời điểm cam kết. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
Đó cũng là một ý kiến. Tuy nhiên, với tốc độ giải ngân bình quân của chúng ta đạt khoảng 14 -15%/năm như hiện tay thì, mỗi dự án kéo dài khoảng 6 năm. Theo tôi, tốc độ giải ngân như vậy là thấp.
Bởi chúng ta đi vay về để xây dựng các công trình lớn như đường xá, cầu cống, nhà máy điện..., nên việc giải ngân chậm có nghĩa tất cả các công trình đó đi vào hoạt động chậm, không phục vụ kịp thời và đúng lúc cho nhu cầu phát triển kinh tế.
Cái thiệt lớn nhất là việc vay về để làm con đường, nhưng 6 năm sau vẫn chưa có con đường thì trong toàn bộ việc phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo dựa trên con đường đó sẽ không đạt mục đích.
Bên cạnh đó, lợi thế về ưu đãi cũng mất dần. Ví dụ khoản vay 10 năm nhưng đến năm thứ 9 mới giải ngân thì chỉ được ưu đãi có 1 năm, thậm chí tới năm thứ 10 mới giải ngân thì không còn ưu đãi.
Vậy thì theo ông, đâu là hướng giải quyết khả thi nhất cho vấn đề này?
Bây giờ không còn con đường nào khác ngoài cải cách cả hành chính lẫn kinh tế, từ cơ chế đến thực thi phải nhanh. Chủ trương về phân cấp đầu tư hiện nay là hướng đi đúng nhưng phân cấp phải có sự chuẩn bị: phải có quy hoạch tốt (trong khi quy hoạch của chúng ta chưa tốt, hay thay đổi); phải có đội ngũ cán bộ biết làm, biết thẩm định, cân nhắc đầu tư… (nhưng hiện nay chúng ta vẫn chưa chuẩn bị kịp).
Nếu không chuẩn bị tốt những điều trên sẽ dẫn tới làm ẩu, phá vỡ cân đối chung của cả nước, đồng thời nếu quá thận trọng tới mức cái gì cũng hỏi cũng không được.
Đơn cử như những dự án nằm ngoài quy hoạch thì phải xin ý kiến về chủ trương, việc phân cấp sẽ khiến các Sở Kế hoạch - Đầu tư các tỉnh rất khó khăn trong việc hoàn tất thủ tục trước khi trình Thủ tướng xin ý kiến và thời gian sẽ bị kéo dài...
Nhân nói đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ông đánh giá thế nào về các chỉ tiêu kinh tế mà chúng ta đã đạt được trong năm qua?
Năm 2006, các chỉ tiêu kinh tế về cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra, tuy nhiên hai mặt còn lại là sự chuyển biến chưa mạnh, chuyển biến chưa như mong muốn. Nói cụ thể hơn, toàn bộ các câu chuyện liên quan đến khoảng 18-20 chỉ tiêu về mặt xã hội và cũng khoảng từng ấy các chỉ tiêu về môi trường vẫn chưa thực hiện được theo kế hoạch.
Qua đó, chúng ta phải lưu tâm tới sự kết hợp hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, xoá đói giảm nghèo và đặc biệt là giáo dục. So với các tiêu chuẩn chúng ta đã cam kết thì giáo dục đang rất "có chuyện"; mặc dù nói về giáo dục mà chỉ nói một năm là quá phiến diện nhưng nếu không có một năm thì không có nhiều năm.
- Xin cám ơn ông!
Nguyễn Hiền (thực hiện)