1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thông tư 13: Chỉnh sửa nhưng không giảm chuẩn

Thông tư 13 quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động các tổ chức tín dụng vẫn không lùi thời điểm áp dụng (từ 1/10), song có thể được sửa đổi một số nội dung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng.

Các ngân hàng một mặt gấp rút chuẩn bị triển khai quy chuẩn mới, song một số đơn vị vẫn thấp thỏm hướng về NHNN với kỳ vọng được nới lỏng thời gian hoặc điều kiện áp dụng.

50% đã sẵn sàng

Thông tư 13: Chỉnh sửa nhưng không giảm chuẩn - 1
Khoảng 50% ngân hàng thương mại trong hệ thống đã tương đối sẵn sàng với quy chuẩn an toàn mới.
 
“Về cơ bản, chúng tôi đã chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để triển khai thông tư 13”, phó tổng giám đốc ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) Nguyễn Thanh Toại nói.

Để nâng tỷ lệ an toàn vốn từ 8% lên 9%/năm theo quy định mới, ACB đã thông qua phương án tăng vốn, phát hành trái phiếu. Nguồn cung vốn có thể bị co hẹp lại do quy định tín dụng không vượt quá 80% nguồn vốn huy động, song theo ông Toại cũng không đến mức đáng lo ngại.

Khoảng 50% ngân hàng thương mại trong hệ thống đã tương đối sẵn sàng với quy chuẩn an toàn mới – theo đánh giá của hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.

“Chỉ khoảng 5 – 7 tổ chức tín dụng có thể gặp khó khăn trong thực hiện thông tư 13 – do một số điều kiện chưa đạt. Các đơn vị còn lại rơi vào trường hợp: có thể triển khai, song cần được tạo điều kiện, hỗ trợ”, ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên hội đồng phân tích.

Thành viên HĐQT một ngân hàng TMCP tại Hà Nội chia sẻ thêm, các ngân hàng đã có một thời gian khá dài để chuẩn bị (thông tư 13 ban hành tháng 5, hiệu lực thi hành từ 1/10/2010, chưa kể thời gian lấy ý kiến các đơn vị trước đó), do vậy không cần thiết phải lùi thời gian thực hiện.

Cũng theo ông này, không hẳn khó khăn rơi vào các ngân hàng quy mô nhỏ mà ngược lại, một số “ông lớn” mới chật vật bởi “càng cồng kềnh, đi càng khó nhanh”!

Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đồng thuận quan điểm, thông tư 13 sẽ không lùi thời hạn triển khai, không hạ chuẩn an toàn, như một số kiến nghị trước đó.

“Uỷ ban Basel về giám sát ngân hàng thuộc ngân hàng thanh toán quốc tế vừa dự thảo, hệ số an toàn vốn sẽ phải nâng từ 8% hiện nay lên 16%. Khi đó, mức 9% của chúng ta trở nên rất thấp”, ông Cao Sỹ Kiêm lưu ý.

Tuy nhiên, cơ quan tư vấn này cho ý kiến, cần xem xét lại quy định không tính tiền gửi không kỳ hạn vào cơ cấu vốn huy động, bởi sẽ khiến dòng vốn đổ vào nền kinh tế càng co lại. Cùng với đó, cần có sự điều chỉnh linh hoạt với từng trường hợp cụ thể, nhất là với những trường hợp gặp khó khăn do yếu tố khách quan, bất khả kháng.

“Chẳng hạn như với ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép tăng thêm 33% vốn điều lệ trong năm 2010, từ nguồn thặng dư bán cổ phần phát hành lần đầu. Với mức vốn điều lệ mới hơn 17.000 tỉ đồng, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của Vietcombank sẽ vượt 9% thay vì ở mức 8,45% như hiện nay”, ông Cao Sỹ Kiêm dẫn giải.

Không hồi tố?

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, NHNN đã giao cho đơn vị chức năng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung thông tư này, theo hướng rà soát kỹ các khái niệm, trong đó có vấn đề dư luận băn khoăn vừa qua. Hiện đơn vị chức năng tiếp tục tập hợp báo cáo, đề xuất mới nhất của các ngân hàng thương mại và sẽ sớm có hướng dẫn để triển khai hiệu quả.

“Những vấn đề bổ sung chủ yếu mang tính kỹ thuật, còn định hướng, mục tiêu của NHNN đã rất rõ ràng. Thông tư 13 cũng chỉ là một bước trong lộ trình nâng cao chuẩn mực, hiệu quả và an toàn của hệ thống ngân hàng. Tôi cho rằng, một số ý kiến đã lo lắng thái quá về chuẩn mực mới này”, Thống đốc nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Đình Triển, trưởng văn phòng luật sư Vì Dân, người đã nhiều năm ở vị trí trưởng ban pháp luật và nghiệp vụ, hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, góp ý, một số chỉ tiêu mới chỉ nên tính từ thời điểm thông tư có hiệu lực mà không nên hồi tố, bởi còn liên quan đến nhiều hợp đồng, khách hàng vay vốn trước đó.

“Nếu NHNN ép bằng được, cả về thời gian, liều lượng như quy định trong thông tư 13, sẽ dễ dẫn tới tình trạng: một số ngân hàng hoặc không thực hiện nổi; hoặc vi phạm hợp đồng cho vay với khách hàng, hoặc báo cáo không trung thực”, ông Triển nói.

Theo Thảo Nguyễn
SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm