Thông thái trước “trò chơi” tin đồn

Những tin đồn dạng như "có đỉa trong sữa", hay snack ngâm nước nở thành sinh vật lạ đã có lúc gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Ngoài những động thái kịp thời của các cơ quan chức năng và nhà sản xuất, bản thân người tiêu dùng cũng cần đến sự thông thái của mình để “tăng sức đề kháng” trước “bão” tin đồn.
 
Người tiêu dùng cần tỉnh táo và có đủ kiến thức để nhận biết đúng - sai giữa biển thông tin
Người tiêu dùng cần tỉnh táo và có đủ kiến thức để nhận biết đúng - sai giữa "biển" thông tin
 
Mới đây nhất, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế đã lên tiếng bác bỏ thông tin có sinh vật lạ trong bánh snack (bim bim) nhãn Yoyo của một công ty ở Hoài Đức (Hà Nội).

Trước đó, "nghi án sinh vật lạ" được xới lên khi một số người dân ở Thừa Thiên - Huế sau khi nghe tin đồn rằng có loại snack nhập ngoại chứa trứng đỉa, đã mua một gói snack Yoyo về ngâm vào nước một đêm và sáng ra phát hiện có nhiều "sinh vật lạ" màu trắng mà họ nghi là đỉa con.

Sau khi báo chí thông tin về sự việc, mặc dù đa phần gọi đó là "nghi án", song tin đồn "snack có đỉa" không ngừng loang đi.

Thông tin nóng hổi này khiến các cơ quan chức năng ngành y tế Thừa Thiên - Huế lập tức tìm hiểu. Họ đã cho lấy mẫu, ngâm thử vào nước theo đúng phương pháp mà người dân thử nghiệm. Kết quả cho thấy sau khi ngâm vào nước 2 ngày đêm, chẳng có "sinh vật lạ" nào được tìm thấy trong kết quả xét nghiệm mẫu bánh và mẫu nước.

Ngoài công ty sản xuất snack Yoyo, một đơn vị khác cũng bị "tai bay vạ gió" trong câu chuyện ì xèo này, đó là Liwayway, công ty sản xuất bánh snack mang nhãn hiệu Oishi. Không cần nói lại là công ty này không có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến câu chuyện "snack có sinh vật lạ", Liwayway bị kéo vào nghi án chỉ vì cách gọi chung bánh snack là "oishi" hay "oshi".

Cũng giống như một bộ phận không nhỏ người dân phía Nam gọi xe gắn máy, mô-tô là "xe Honda", danh từ "oishi" hay "oshi" được dùng khá phổ biến trong phương ngữ miền Trung để chỉ snack. Có lẽ là vì nguyên nhân các sản phẩm này đã quá nổi tiếng trong ngành hàng của mình, nhưng như trong trường hợp này thì sự nổi tiếng đó đang “bỗng dưng” làm khổ nhà sản xuất.

Trong thông báo của mình, Cục ATVSTP cũng nễu rất rõ: “Sản phẩm snack yoyo của Công ty cổ phẩn thực phẩm sạch HTT Hà Nội không phải là sản phẩm snack Oishi của Công ty cổ phần Liwayway Việt Nam”, để tránh những hiểu lầm đáng tiếc tiệp tục xảy ra.

Trước nghi án "snack có sinh vật lạ", dư luận cũng rộ lên thông tin "sữa có đỉa". Thông tin này xuất hiện cùng thời điểm với việc các thương lái Trung Quốc tăng cường gom mua đỉa khiến người tiêu dùng phát hoảng.

Một lần nữa, Cục ATVSTP lại phải lên tiếng trấn an. Thông báo của Cục này cho biết, với quy trình nghiêm ngặt, khép kín, các sản phẩm sữa được xử lý ở nhiệt độ trên 140 độ C sẽ không có sinh vật tồn tại, bao gồm cả đỉa, côn trùng, ký sinh trùng.

Thông báo của Cục cũng đưa ra giả thiết Trường hợp sản xuất, bảo quản, vận chuyển không đúng quy trình hoặc tiêu dùng không đúng hướng dẫn hoặc sản xuất, bảo quản, vận chuyển đã thực hiện đúng quy trình nhưng tiêu dùng và bảo quản trong quá trình tiêu dùng không đúng hướng dẫn sẽ có thể có sản phẩm bị vỡ, thủng tạo môi trường cho vi sinh vật thâm nhập, phát triển gây ảnh hưởng đến chất lượng vệ sinh an toàn của sản phẩm.

Qua các sự việc về sữa và snack, có thể thấy tin đồn về thực phẩm luôn có độ “nhạy cảm” cao vì đánh thẳng vào sự lo ngại về sức khỏe của người tiêu dùng.

Vì thế, khi đối mặt với một tin nóng sốt, người tiêu dùng nên tỉnh táo tự kiếm chứng bằng cách quan sát xem tin đó có được khẳng định bởi nhà chức trách hay cơ quan nhà nước hay không, lắng nghe ý kiến nhà sản xuất và sử dụng kiến thức về khoa học cũng và an toàn vệ sinh thực phẩm của mình để phán xét đúng, sai. Một người tiêu dùng thông thái sẽ luông vững vàng trước các tin đồn vô căn cứ.

H.S