Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ:

“Thông qua PNTR cả Mỹ và Việt Nam đều có lợi”

(Dân trí) - Chiều 8/9, sau cuộc họp thông báo kết quả của Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 13, ông Henry Paulson - Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, đã có buổi nói chuyện thân mật với hàng ngàn sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

Hàng chục câu hỏi của các nhà quản trị kinh tế tương lai xoay quanh vấn đề thông qua PNTR cho Việt Nam, quá trình đàm phán vào WTO… khiến cho hội trường hơn 1.000 chỗ của trường ĐH Kinh tế Quốc dân vốn đã chật ních người càng nóng thêm.

 

Câu chuyện xoay quanh chủ đề về việc trao Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam, tiến trình Việt Nam gia nhập WTO, các cơ hội và thách thức của Việt Nam và Mỹ… đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của nhà lãnh đạo kinh tế nước Mỹ.

 

“Tôi đến Việt Nam lần này có nhiều lý do và những câu hỏi của các bạn sinh viên đặt ra cũng là một trong những mối quan tâm của chúng tôi” - ông Paulson nói.

 

Trả lời câu hỏi của các sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân về việc Mỹ chưa thông qua Quy chế PNTR cho Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ cho biết, vào thời điểm này việc xem xét thông qua quy chế PNTR cho Việt Nam đang khá “nhạy cảm”: “Nước Mỹ đang chuẩn bị cho các cuộc vận động bầu cử nên việc thông qua quy chế PNTR cho Việt Nam lúc này gặp không ít khó khăn”.

 

“Thông qua PNTR cả Mỹ và Việt Nam đều có lợi” - 1

Quá tải chỗ ngồi, nhiều sinh viên phải dùng chung heardphone để nghe phiên dịch.

Tuy nhiên, ông Henry Paulson tỏ ra rất lạc quan vì việc thông qua Quy chế này chủ yếu phải chờ vào thời gian và thời điểm thích hợp. Ông Paulson tin tưởng sau khi Mỹ thông qua Quy chế PNTR đối với Việt Nam, sự hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trên cơ sở hợp tác giữa hai nước sẽ có những bước tiến mới.

 

“Việc Hoa Kỳ sẽ thông qua Quy chế PNTR cho Việt Nam và việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ ảnh hưởng tích cực không chỉ với Việt Nam mà chính chúng tôi cũng có lợi từ các chính sách tự do hóa thương mại. Vì vậy, quá trình đàm phán thương mại giữa 2 nước và giữa Việt Nam và các nước khác sẽ có ý nghĩa rất lớn, tuy nhiên cũng cần phải có thời gian”.

 

Ông Paulson cũng đánh giá cao thị trường lao động giá rẻ của Việt Nam và triển vọng đầu tư vào thị trường này trong tương lai sẽ rất lớn đối với các nhà kinh tế Mỹ. Vấn đề cốt lõi đối với Việt Nam hiện nay là phải có những cải cách về thị trường vốn.

 

Đối với các sinh viên Việt Nam, ông Henry Paulson đã đưa ra 4 lời khuyên: không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức, không ngại thay đổi và cải cách để thành đạt trong cuộc sống, luôn luôn đề cao lòng tự trọng và liêm khiết, và cuối cùng là biết cân bằng giữa đời sống và công việc.

 

Ông Henry Paulson được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Tài chính Mỹ  từ tháng 7/2006, trở thành Bộ trưởng Tài chính thứ 74 của nước Mỹ. Trước khi nhậm chức Bộ trưởng Tài chính, ông là Tổng giám đốc tập đoàn tài chính số 1 Hoa Kỳ Goldman Sachs. Tên tuổi của ông cũng rất nổi tiếng trong giới tài chính quốc tế.

 

Ngoài ra, ông Paulson còn là một triệu phú giàu có. Tổng thu nhập của ông trong năm 2005 là 38 triệu USD. Đầu năm 2006, ông đã tặng món quà trị giá 100 triệu USD bằng cổ phiếu của Goldman để bảo vệ môi trường.

 

Trần Đức