Thống nhất nội dung xử lý 12 dự án yếu kém của ngành công thương
(Dân trí) - Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương vừa thống nhất các nội dung liên quan đến xử lý các dự án.
Năm 2017, Bộ Chính trị đã có kết luận tại Thông báo 43-TB/VPTW. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ kém hiệu quả thuộc ngành công thương (Đề án 1468).
Sau hơn 3 năm triển khai, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cùng các bộ, ngành tập trung tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc về pháp luật, cơ chế chính sách tài chính, tín dụng, thị trường… thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý Nhà nước.
Các bộ ngành cũng đã yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty chủ động và chịu trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng. Việc phối hợp nhằm triển khai quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp, cắt giảm chi phí để cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh, xây dựng phương án cơ cấu lại từng dự án, doanh nghiệp theo các mục tiêu, quan điểm đề ra tại Đề án 1468.
Tuy nhiên, tính đến nay, mới có một doanh nghiệp dự án DAP-1 Hải Phòng thuộc Tập đoàn Hóa chất cơ bản khắc phục các tồn tại yếu kém, sản xuất kinh doanh có lãi từ năm 2017.
Bên cạnh đó, 4 dự án, doanh nghiệp khác thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ) cơ bản không còn vướng mắc về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của cơ quan Nhà nước.
Tại phiên họp ngày 4/11, dựa theo cam kết và đề xuất của hai tập đoàn trên cùng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Ban Chỉ đạo đã giao Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sử dụng nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp để hoàn thiện và triển khai phương án xử lý đối với 5 dự án, doanh nghiệp trên. Việc thực hiện dựa trên nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật.
Song phương án xử lý phải bảo đảm hạn chế tối đa tổn thất về vốn, tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp, phù hợp với quan điểm chỉ đạo tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017. Hội đồng thành viên các tập đoàn chịu trách nhiệm toàn diện về việc xử lý các dự án, doanh nghiệp này.
Đồng thời, Ban chỉ đạo giao Ủy ban Quản lý vốn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Kế hoạch cụ thể để xử lý 5 dự án, doanh nghiệp cần được tập trung xây dựng cụ thể. Đồng thời, các cá nhân, đơn vị được giao nhiệm vụ cần theo dõi, đôn đốc, tổng hợp cập nhật tình hình, tiến độ xử lý các dự án, doanh nghiệp theo kế hoạch, báo cáo cấp có thẩm quyền khi được yêu cầu.
Riêng với 7 dự án, doanh nghiệp còn lại, Ban Chỉ đạo giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện, triển khai phương án xử lý theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật. Qua đó đề xuất Ban Chỉ đạo để báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc về cơ chế, chính sách vượt thẩm quyền, quyết tâm hoàn thành xử lý các dự án, doanh nghiệp còn lại trong thời gian sớm nhất.