Thống đốc: Tín dụng cho nông nghiệp tăng nhanh

(Dân trí) - Sáng nay 20/11, báo cáo trước Quốc hội về tín dụng ngân hàng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: Thời gian qua, tín dụng ngân hàng phục vụ nông nghiệp tăng nhanh.

Theo Thống đốc, trong 5 năm qua, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực này tăng 2,2 lần, chiếm 22% tổng số dư nợ nền kinh tế, tương xứng tỷ trọng đóng góp của nông nghiệp vào GDP của đất nước. Hiện tại, hệ thống ngân hàng đang tập trung để sửa đổi chính sách trong hoạt động tín dụng ngân hàng, nhằm phục vụ tốt cho các mục tiêu quốc gia.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Đánh giá về phần báo cáo, giải trình của vị tổng tư lệnh ngành ngân hàng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Thống đốc Bình nói rõ hơn về hỗ trợ vốn của ngành ngân hàng đối với việc xây nhà chống lũ; triển khai cánh đồng mẫu lớn, mô hình rất mới, liên kết giữa ngân hàng - doanh nghiệp - nông dân ra sao?; với một số sản phẩm quốc gia về nông nghiệp, có biện pháp gì để hỗ trợ, nâng cao giá trị xuất khẩu, cạnh tranh?

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Sau yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội, Thống đốc Bình đã có phần giải trình nói rõ hơn về tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực nông nghiệp. Theo khẳng định cả vị tổng tư lệnh ngành, ngành ngân hàng đã “cung cấp đầy đủ vốn không thiếu một đồng và không chậm một ngày” cho tạm trữ lúa gạo.

Cùng với đó, những đặc sản, sản phẩm chủ lực của nông nghiệp như cá tra, ba sa đã được cung cấp lượng vốn lớn, hiện dư nợ khoảng 25.000 tỷ. “Vừa qua, chúng tôi đã đến các địa phương và thấy được khó khăn của người nuôi cá tra, ba sa và người nuôi tôm đã có đề xuất; những gì trong thẩm quyền của mình chúng tôi đã giải quyết (như cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi…). Còn những nội dung vượt thẩm quyền thì đã báo cáo Thủ tướng để phối hợp với các Bộ, ngành để giải quyết. Chúng tôi mong rằng, thời gian tới với những hỗ trợ này những người sản xuất cá tra, ba sa có thể vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì sản xuất”, Thống đốc cho biết.

Đề cập đến vốn cho cây cà phê, theo khẳng định của Thống đốc Bình, đến nay dư nợ hệ thống ngân hàng đáp ứng đầy đủ vốn. Hoạt động xuất khẩu cà phê do giá giảm mạnh nên đã có đề xuất Chính phủ cho tiến hành cơ chế tạm trữ cà phê và ngân hàng đã đáp ứng vốn cho việc này.

“Mặc dù Chính phủ chưa có chủ trương chính thức về việc tái canh cây cà phê nhưng chúng tôi thấy việc này là cần thiết, vì phải mất 3 - 5 năm mới có thể cho thu hoạch. Do vậy, ngành ngân hàng đã dành 12.000 tỷ đồng tái canh, riêng với Lâm Đông là 2.000 tỷ. Thời gian qua, với sự chủ trì của Ngân hàng Nông nghiệp, chúng tôi đã đi 5 tỉnh Tây Nguyên triển khai nhiệm vụ này. Tuy nhiên, để tái canh cây cà phê thì vốn chỉ là một yếu tố, còn vấn đề giống, qui hoạch mới là quan trọng. Do đó, chúng tôi phối hợp với Bộ Nông nghiệp, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cùng địa phương các cấp để có qui hoạch, giống tốt”, Thống đốc nhấn mạnh.

Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng đã cho vay đối với người nghèo với tổng dư nợ lên đến 118.000 tỷ. “Thời gian qua, dù khó khăn tăng trưởng, thì tín dụng cho người nghèo vẫn đạt bình quân 7-10%, trong khi đó, dư nợ xấu lĩnh vực này rất thấp, chưa đến 1%. Điều này đã đảm bảo nguồn vốn quay vòng cho người nghèo thời gian qua”, Thống đốc nhấn mạnh thêm.

Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ để có cơ chế cho vay đối với các hộ cận nghèo và cũng đang trình Chính phủ cơ chế giúp người dân đã thoát nghèo sẽ thoát nghèo bền vững.

Dài hơi hơn, Ngân hàng Nhà nước sẽ có chương trình phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để có cơ chế tín dụng mới phục vụ cho việc liên kết giữa các nhà, phục vụ cho sản xuất không phải của hộ nông dân mà là liên kết các hộ nông dân trong các mô hình hợp tác xã mới. Ngân hàng Nhà nước sẽ xin Chính phủ cơ chế bão lãnh cho ngành nông nghiệp và theo khẳng định của Thống đốc, “dù khó khăn đến mấy chúng ta cũng phải bảo đảm cơ chế bảo hiểm cho nông nghiệp”.

Được biết, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ và đã được thông qua cơ chế sửa đổi cho vay hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch cho người nông dân. Đến nay, chính phủ đã cho phép các máy móc thiết bị phục vụ cho hoạt động này không nhất thiết phải có 60% tỷ lệ nội địa hóa và tất cả các ngân hàng đều có thể thực hiện được…

Ghi nhận những nỗ lực và kết quả mà hệ thống ngân hàng đã đạt được, nhưng theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để giải quyết những vấn đề chính sách tín dụng.

“Tôi rất lo lắng về tốc độ tăng trưởng nông nghiệp giảm, cùng với đó là đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn cũng giảm. Chỗ này Bộ trưởng Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư xem xét tính toán thêm. Theo tinh thần nghị quyết Tam nông thì, đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn năm sau phải cao hơn năm trước và 5 năm phải tăng gấp đôi, có nghĩa tăng trưởng mỗi năm phải 20%. Ngoài đầu tư từ tín dụng thì còn đầu tư từ tài chính ngân sách, kế hoạch, đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Nguyễn Hiền
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước