Thống đốc: "Chúng tôi không đề nghị miễn trừ trách nhiệm với cá nhân có vi phạm"
(Dân trí) - Trước lo ngại sử dụng ngân sách để xử lý ngân hàng yếu kém, Thống đốc khẳng định, cơ quan quản lý đã có nhiều biện pháp xử lý ngân hàng bắt buộc và các biện pháp này không sử dụng trực tiếp ngân sách Nhà nước.
Là tư lệnh ngành thứ 2 trả lời chất vấn Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nhận được nhiều câu hỏi về việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu.
Theo đại biểu Tô Văn Tám, quá trình tái cơ cấu cũng như xử lý nợ xấu chưa đạt kết quả như mong muốn. Nợ xấu dưới 3% nhưng vẫn cao. Ông cũng đề nghị Thống đốc cho biết nguyên nhân của vấn đề này và đặt câu hỏi về việc đến năm 2020 căn bản xử lý xong nợ xấu và các tổ chức tín dụng có làm được không.
Một số đại biểu cũng đặt câu hỏi về ngân hàng 0 đồng, và lo ngại Nhà nước có phải chi ngân sách cho phục hồi hoạt động của những ngân hàng này.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết, các ngân hàng 0 đồng sau khi mua bắt buộc vẫn còn thua lỗ.
Theo Thống đốc, trong điều kiện đặc thù Việt Nam, phát triển thị trường vốn chưa có bước tiến mạnh, vì thế vốn nền kinh tế dựa nhiều vào ngân hàng, nên quá trình cơ cấu lại các ngân hàng chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu chậm còn do năng lực quản trị điều hành các tổ chức tín dụng còn hạn chế.
"Trong đề án tái cơ cấu ngân hàng tới đây sẽ đưa ra 6 nhóm giải pháp, trong đó tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý; tăng cường thanh tra giám sát, cảnh báo sớm... Những giải pháp này sẽ giúp quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng nhanh hơn, xử lý nợ xấu tốt hơn", ông nói.
Tuy nhiên, Thống đốc khẳng định: "Điều quan trọng nhất là đã ổn định tâm lý người gửi tiền, tránh rút tiền hàng loạt, lây lan sang hệ thống".
Theo ông, việc xây dựng phương án để xử lý triệt để các ngân hàng này cần thời gian, Ngân hàng Nhà nước đã đưa cán bộ từ Vietcombank, VietinBank sang kiện toàn, tăng cường hoạt động đảm bảo an toàn, đẩy mạnh tiết giảm chi phí để giảm lỗ.
"Cơ bản hoạt động các ngân hàng này đã ổn định, lỗ lũy kế giảm dần", ông Hưng nói.
Thống đốc cho biết, một trong những khó khăn khi xử lý ngân hàng yếu kém là hiện vẫn chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ.
Trước lo ngại sử dụng ngân sách để xử lý ngân hàng yếu kém, Thống đốc khẳng định, cơ quan quản lý đã có nhiều biện pháp xử lý ngân hàng bắt buộc và các biện pháp này không sử dụng trực tiếp ngân sách Nhà nước và đã được quy định cụ thể tại Luật sửa đổi các tổ chức tín dụng. NHNN đã và sẽ thực hiện nhiều giải pháp, một trong số đó được ông Hưng nhấn mạnh vẫn là hoàn thiện khung khổ pháp lý.
"Việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi các tổ chức tín dụng sẽ giúp NHNN có cơ sở xử lý vấn đề này tốt hơn", ông nói.
Cũng tại phiên chất vấn, trả lời câu hỏi NHNN có đủ công cụ để không “đổ vỡ ngân hàng” hay không, Thống đốc khẳng định: “NHNN có nhiều công cụ khác nhau để kiểm soát tình hình, đảm bảo không có hoạt động nào ngoài tầm kiểm soát”.
Về trách nhiệm của cán bộ vi phạm trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng cho biết: “Chúng tôi không đề nghị miễn trừ trách nhiệm với cá nhân có vi phạm, chỉ yêu cầu tạo điều kiện cho các cán bộ có năng lực được cử sang cơ cấu lại ngân hàng yếu kém để họ yên tâm công tác. Đây cũng là thông lệ của các nước".
Phương Dung