Thống đốc Bình: Tránh tín dụng đen bằng cho vay tiêu dùng...lãi cao

(Dân trí) - Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, do tính chất rủi ro của khu vực cho vay tiêu dùng nên lãi suất áp dụng ở mức cao (từ 13%). Tuy nhiên, nhờ vậy mà nền kinh tế tránh được cho vay nặng lãi.

 

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình.

 

Dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, vượt 35 tỷ USD

 

Đưa ra thông điệp tới cộng đồng các doanh nghiệp tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2014 diễn ra sáng ngày 28/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, trong thời gian tới (trong năm nay, và có thể trong các năm sau), tình hình kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tình hình thị trường tiền tệ sẽ tiếp tục ổn định.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Bất động sản vùng trung tâm sẽ hút nhà đầu tư nước ngoài

 

Cụ thể, mặt bằng lãi suất về cơ bản sẽ ổn định, nếu có điều kiện sẽ tiếp tục giảm hơn nữa. Từ đầu năm đến nay, tùy từng lĩnh vực khác nhau, lãi suất đã giảm 0,5-2% và sẽ tiếp tục giảm thêm để cả năm biên độ giảm đạt 1,5-2% mặt bằng lãi suất các loại kỳ hạn.

 

Theo Thống đốc, tỷ giá cũng sẽ ổn định từ này đến cuối năm. Từ đầu năm, NHNN đã cam kết, nếu điều chỉnh cũng sẽ chỉ điều chỉnh không quá 2%. "Sau 4 tháng, có thể khẳng định, từ giờ đến cuối năm, tỷ giá tiếp tục ổn định, và nếu có phải điều chỉnh cũng chỉ điều chỉnh 1%" - người đứng đầu NHNN tuyên bố.

 

Và để các doanh nghiệp yên tâm, Thống đốc thông báo, thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện tại đang rất lớn, không những đáp ứng đủ vốn cho nền kinh tế, mà hiện nay còn dự trữ vốn để đề phòng bất kể lúc nào cầu của nền kinh tế khởi sắc thì sẵn sàng có vốn để đưa cung ứng ra ngay mà không ảnh hưởng đến lạm phát.

 

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng cũng hỗ trợ đắc lực cho phát hành trái phiếu Chính phủ để có thêm nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước đảm bảo chương trình phát hành trái phiếu Chính phủ đã được Quốc hội phê chuẩn năm nay.

 

Về ngoại hối, theo khẳng định của Thống đốc, quy mô kho dự trữ của Việt Nam đã ở mức cao nhất, đạt trên 35 tỷ USD, không những phục vụ tốt cho nền kinh tế mà còn tạo ra vị thế và tiềm năng đối ngoại của đồng VND nói riêng và nền kinh tế nói chung trên thế giới.

 

 

Kho dự trữ ngoại hối của Việt Nam vượt 35 tỷ USD.
Kho dự trữ ngoại hối của Việt Nam vượt 35 tỷ USD.

 

Cho vay lãi suất cao nằm ngoài khu vực sản xuất

 

"Đến ngày hôm nay, lãi suất trên 13% của toàn hệ thống chỉ chiếm 16% tổng dư nợ, còn các khoản vay có lãi suất trên 15% chỉ còn 5%. Chỉ cách đây 2 năm (năm 2012), tổng các khoản vay có lãi suất trên 15% chiếm đến 70% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Qua đó, cho thấy bức tranh cơ cấu lãi suất đã có sự thay đổi rất rõ rệt", Thống đốc nói.

 

Theo tổng hợp của NHNN, các khoản vay có lãi suất trên 13% chủ yếu rơi vào 3 lĩnh vực là cho vay tiêu dùng, bất động sản và các khoản nợ quá hạn.

 

Về cho vay tiêu dùng, lĩnh vực này theo thông lệ quốc tế thường bị các tổ chức tín dụng tính lãi suất cao do mức độ rủi ro của khoản cho vay. Theo nhận định của Thống đốc, chính điều này giúp cho nền kinh tế tránh được cho vay nặng lãi.

 

"Nếu cứ ép các tổ chức tín dụng phải đưa lãi suất cho vay tiêu dùng xuống thật thấp thì họ sẽ không thể cho vay ra được. Nếu không cho vay ra được thì đây chính là môi trường để cho vay nặng lãi phát triển. Do vậy, mặc dù cho vay tiêu dùng còn có lãi suất cao nhưng bên cạnh đó cũng có yếu tố tích cực", theo Thống đốc.

 

Lĩnh vực thứ hai đang phải chịu mức lãi suất cho vay cao trên 13% là bất động sản. Trong bất động sản chia thành 2 khu vực. Khu vực thứ nhất là những dự án bất động sản đang được triển khai. Doanh nghiệp sẵn sàng vay với lãi suất 14-15% vì những doanh nghiệp này có mức lợi nhuận cao hơn rất nhiều, sẵn sàng chi trả miễn là có đủ nguồn vốn kịp thời và trong trung và dài hạn để đủ nguồn lực triển khai dự án. Khu vực thứ hai là nhóm các doanh nghiệp bất động sản, mà phải thừa nhận là trên thực tế, đã chết rồi. "Đã chết rồi thì chẳng ai cơ cấu lại nữa, cứ để thế thôi".

 

Khoản thứ 3 là các khoản nợ quá hạn, chưa đến mức nợ xấu. Các ngân hàng áp dụng lãi suất phạt, thông thường khoảng 150%. Tuy nhiên, nhìn chung khi làm việc với các NHTM, Thống độc cho biết, nhiều TCTD nói rằng, đối với các doanh nghiệp không còn khả năng tồn tại thì chỉ để đó thôi, thậm chí doanh nghiệp chỉ cần trả được một phần nợ thì đã xóa toàn bộ gốc lẫn lãi. Do không trả được đồng nào nên mới để hồ sơ như thế. Còn lãi suất phạt thì các TCTD cũng chỉ gây áp lực cho DN, và chi mong DN có thể trả được đúng khoản vay với lãi suất gốc.

 

Như vậy, 16% các khoản vay có lãi suất trên 13% này hầu như không rơi vào các lĩnh vực sản xuất. "Nói như vậy nhưng chúng tôi sẽ cùng với các TCTD thông qua đối thoại trực tuyến, kết nối ngân hàng và doanh nghiệp ở các cấp để hai bên hiểu biết về nhau hơn", Thống đốc cho biết..


Bích Diệp
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước