Thống đốc Bình: Lãi suất có thể giảm tiếp
(Dân trí) - Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, sau đợt điều chỉnh vừa qua, mặt bằng lãi suất có nhiều khả năng sẽ ở mức như hiện nay, nhưng nếu có điều kiện thì các ngân hàng sẽ giảm thêm từ 1 - 2%.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi làm việc giữa Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình với tỉnh Anh Giang vào chiều 21/3.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Theo nhận định của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, lạm phát năm 2014 sẽ vào khoảng 6%; mặt bằng lãi suất có nhiều khả năng sẽ ở mức như hiện nay. Tuy nhiên, nếu có điều kiện thì các tổ chức tín dụng sẽ giảm tiếp, nhưng có lẽ chỉ giảm thêm 1 - 2%.
Thông tin vị tổng tư lệnh ngành ngân hàng đưa ra trong bối cảnh NHNN vừa cắt giảm một loạt lãi suất chủ chốt. Trong đó, trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng cũng được giảm từ 1,2% xuống 1%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm.
Đáng nhớ, trước khi NHNN có đợt cắt giảm trên, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã có khá nhiều đợt điều chỉnh giảm lãi suất, đặc biệt là lãi suất huy động.
Theo đánh giá của HSBC, việc giảm lãi suất huy động tiền đồng và giảm lãi suất tái cấp vốn là những nỗ lực của NHNN để hỗ trợ nền kinh tế đang bị bủa vây. Nhưng việc giảm trần lãi suất huy động sẽ có nhiều khả năng khiến cho người dân gửi tiết kiệm theo đuổi các hình thức đầu tư tài sản khác với lãi suất cao hơn, thay vì thúc đẩy các hoạt động của nền kinh tế.
“Chúng tôi cho rằng cắt giảm lãi suất sẽ không có ảnh hưởng lớn đến việc tăng trưởng cho vay. Một khi các khoản nợ xấu vẫn còn chưa được giải quyết, ngân hàng sẽ khó có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay được. Điều đó có nghĩa rằng, nhu cầu nội địa ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục trì trệ khiến cho tăng trưởng sẽ vẫn nằm dưới mức khuynh hướng chỉ khoảng 5,6% trong năm 2014”, HSBC nhấn mạnh.
Còn theo nhận định từ Chứng khoán Vietcombank (VCBS), hiện tại động lực để các ngân hàng cắt giảm thêm lãi suất cho vay là không nhiều. Việc các ngân hàng “bí” đầu ra chủ yếu là do vấn đề nợ xấu cũng như sức khỏe và khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp nói chung chứ không phải là do lãi suất chưa hợp lý.
Hơn thế nữa, theo nguồn tin riêng của VCBS, đa số các doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ngân hàng trong thời gian qua, yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, phần nhiều được vay với lãi suất khá ưu đãi khoảng 7%-8%, theo đó dư địa để có thể giảm thêm từ mức này là rất ít.
Như vậy, nếu việc giải quyết nỡ xấu không có những chuyển biến rõ rệt thì việc giảm lãi suất cho vay, nếu có, sẽ chủ yếu đến từ các khoản vay cũ.