1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thời trang Việt: mở rộng và chiếm lĩnh thị trường

Theo nhận xét chung của nhiều người, các hãng thời trang công sở như Nem hay Eva de Eva... ngày càng có nhiều bạn gái trẻ tìm đến, đặc biệt là giới công sở bởi ưu điểm giá cả phù hợp, mẫu mã đa dạng...

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay, các hãng thời trang Việt Nam cũng giống như nhiều ngành nghề khác đang gặp nhiều khó khăn và thách thức lớn. Những thương hiệu đắt tiền nước ngoài cũng gặp không ít lao đao trong thời buổi khủng hoảng tín dụng.

Trong sự khó khăn chung ấy, nhiều hãng thời trang nội đã vươn lên và khẳng định được mình bởi giá cả, chất liệu phù hợp, mẫu mã đa dạng. Điều này dễ hiểu bởi trước đây, giới trẻ thường có tâm lý e ngại, không thích các sản phẩm may mặc trong nước vì "nghèo" mẫu mã và chất lượng khó cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập. Nhưng sự ra đời của nhiều hãng thời trang nội địa chất lượng cao gần đây đã làm thay đổi suy nghĩ ấy. Có thể kể đến các hãng thời trang như Nem, Eva de Eva, Chicland, Yoshino, N&M…
Thời trang Việt: mở rộng và chiếm lĩnh thị trường - 1

Trong vòng hơn 1 năm, Eva de Eva đã phát triển với 3 showroom lớn tại Hà Nội (Ảnh: Showroom ở VinCom)

Theo nhận xét chung của nhiều người, các hãng thời trang công sở như Nem hay Eva de Eva ngày càng có nhiều bạn gái trẻ tìm đến, đặc biệt là giới công sở. Bởi trang phục của các hãng này có nhiều nét duyên dáng, nhẹ nhàng mà vẫn qúy phái, thanh lịch, vừa có thể dùng đi làm, vừa có thể dùng đi chơi. Thời gian gần đây, Eva de Eva thường xuyên tổ chức khuyến mãi, giảm giá và tặng quà nhằm thu hút thêm khách hàng. Chị Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc Công ty Cổ phần truyền thông CBC tìm đến Eva de Eva bởi chị cho rằng nhiều mẫu thiết kế của hãng rất sang trọng, hợp với phong cách của doanh nhân của chị.

Còn một số hãng PT2000, HaGatini, Blue Exchange, AD... thì theo các mẫu sản phẩm khá trẻ trung, nhẹ nhàng dành cho lứa tuổi teen.

Với phương châm kinh doanh "Người Việt Nam hiểu người Việt Nam cần gì để đưa ra sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu", các thương hiệu trên đều có kế hoạch xây dựng thương hiệu lâu dài bằng chất lượng và khai thác lượng khách dồi dào của mình. Nhìn chung, người tiêu dùng ở phân khúc thị trường trang phục công sở tỏ ra trung thành với nhãn hiệu đang sử dụng, bằng chứng là 60% số người được hỏi cho biết không có ý định sử dụng nhãn hiệu mới trong tương lai.

Chị Trần Thị Quyên (Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) - nhân viên văn phòng tại một công ty bảo hiểm, tâm sự: “Lương nhân viên văn phòng bảo hiểm không cao, nhưng công việc vẫn đòi hỏi mình cần có những bộ trang phục sang trọng và lịch lãm. Qua một người bạn giới thiệu, mình tìm đến nhãn hiệu N&M. Tuy mới ra mắt trên thị trường nhưng thương hiệu này đã khẳng định được tính chuyên nghiệp, từ hệ thống showroom đến những mẫu mã, kiểu dáng, chất liệu sản phẩm...".

Còn với Nguyễn Mạnh Tuấn, sinh viên Học viện Ngân Hàng, thì hàng PT2000 lại rất hợp với Tuấn bởi Tuấn cho rằng áo sơ mi, cũng như quần bò ở đây giá cả phải chăng lại rất phong phú và thời trang.

Theo số liệu mới nhất đồng thời cũng là tín hiệu đáng mừng đối với thời trang công sở Việt Nam, gần 62% nữ giới công sở sử dụng nhãn hiệu trong nước. Sự nghiêng về hàng nội địa của nhiều người tiêu dùng hiện nay có thể thấy rõ tại Hội chợ Thời trang Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội vừa qua với 150 đơn vị tham gia hội chợ, trong đó chiếm 90% là các thương hiệu thời trang nội địa.

Mật độ xuất hiện dày đặc của các cửa hàng bán lẻ hàng hiệu nội tại Hà Nội cũng như thành phố Hồ Chí Minh thời gian gần đây cho thấy các nhãn hiệu trong nước đang mở rộng thị phần để chiếm lĩnh thị trường. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành thời trang Việt Nam trong xu thế hội nhập.
 
PV