TPHCM:

Thói quen mua sắm đẩy giá mặt bằng bán lẻ

(Dân trí) - Thời gian gần đây, thói quen mua sắm của người dân thay đổi rõ rệt theo chiều hướng ưa chuộng các loại hình bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại… Điều này đã khiến mặt bằng bán lẻ ngày càng khan hiếm và giá tăng vùn vụt.

Thói quen mua sắm đẩy giá mặt bằng bán lẻ - 1
Các khu dân cư mới như Phú Mỹ Hưng là địa điểm tiềm năng để ngành bán lẻ hiện đại phát triển
 
Giá tăng chóng mặt
 
Trong bối cảnh chung, doanh số bán lẻ và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2010 của TPHCM tăng mạnh. Doanh số cụ thể ước đạt hơn 175.000 tỷ đồng, tăng hơn 33,1% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố biến động giá thì tăng 21,3%.
 
Riêng ở các kênh bán lẻ hiện đại, theo Sở Công Thương thì trong 6 tháng đầu năm 2010, nhu cầu mua sắm ở các siêu thị, trung tâm thương mại của người dân TP tăng đến 40% so với cùng kỳ.
 
Đây là một xu thế tất yếu ở một thành phố năng động và hiện đại như TPHCM. Người dân TP ngày càng có thói quen đến siêu thị và trung tâm thương mại mua sắm thay cho các chợ và cửa hàng bán lẻ truyền thống.
 
Bởi tại đây, khách hàng được hưởng thụ cung cách phục vụ chuyên nghiệp, an tâm về chất lượng và giá cả. Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ và rộng khắp của các cơ sở bán lẻ hiện đại cũng giúp người tiêu dùng mua sắm thuận tiện hơn.
 
Nhưng cũng chính sự thay đổi thói quen mua sắm này mà các trung tâm bán lẻ hiện đại đang có dấu hiệu quá tải, mặt bằng bán lẻ mới được đưa vào thị trường không đáp ứng đủ nhu cầu thuê. Chính điều này đã đẩy giá mặt bằng bán lẻ tại TPHCM lên cao chót vót trong thời gian gần đây.
 
Theo báo cáo của Công ty TNHH CB Richard Ellis Việt Nam (CBRE Việt Nam), giá thuê trung bình tại các trung tâm bán lẻ hiện đại nằm ở khu vực trung tâm TP trong quý II/2010 đã đạt mức 120,9 USD/m2/tháng. Một số vị trí đắc địa còn có mức giá thuê lên đến 231 USD/m2/tháng.
 
Tuy giá cao đến thế nhưng các trung tâm bán lẻ vẫn đạt tỷ lệ diện tích trống mà các loại hình bất động sản cho thuê khác mơ ước: 5,6%. Có thể chắc chắn là càng về cuối năm, tỷ lệ trống sẽ càng thấp hơn nhiều.
 
Tương lai là ở ngoại vi khu trung tâm
 
Hai đặc điểm nổi bật của thị trường mặt bằng bán lẻ thời gian qua là: sự cạnh tranh gay gắt của các thương hiệu lớn ở khu trung tâm khiến giá mặt bằng tăng chóng mặt và sự phát triển mạnh mẽ của các trung tâm bán lẻ ở khu vực ngoại vi khu trung tâm với giả cả dễ chấp nhận.
 
Theo ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam thì các thương hiệu thời trang thời thượng và ẩm thực tiếp tục dẫn đầu trong các giao dịch thuê mặt bằng bán lẻ với 46.255 m2 diện tích thuê mới. Nhu cầu đặc biệt cao tại các vị trí trọng điểm ở khu trung tâm.
 
Ông Marc Townsend cho là nhu cầu thuê mặt bằng tại khu vực này sẽ tiếp tục tăng cao do nhiều nhà bán lẻ quốc tế mong muốn thâm nhập thị trường TPHCM (quý II/2010 đã xuất hiện nhiều thương hiệu quốc tế mới như Just Cavalli, Jimmy Choo…), các nhà bán lẻ hiện hữu cũng muốn mở rộng mạng lưới cửa hàng của mình… Vì vậy đã tạo thành phản ứng cạnh tranh giá cả gay gắt, đẩy giá thuê lên cao chóng mặt.
 
Trong khi đó, nhu cầu mua sắm ở các trung tâm bán lẻ tại khu vực ngoại vi trung tâm TP cũng tăng cao nhưng giá cho thuê mặt bằng lại đang có xu hướng giảm. Có điều này là do khu vực ngoại vi trung tâm thời gian qua được đầu tư phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại mạnh mẽ. Trong quý II/2010, TP có thêm 4 trung tâm bán lẻ thì đến 3 là nằm tại khu vực ngoại vi trung tâm.
 
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, chiến lược phát triển ngành bán lẻ trong thời gian tới là phát triển các khu mua sắm tập trung đạt chuẩn quốc tế, chủ yếu là tại các khu đô thị mới như Nam Sài Gòn, Thủ Thiêm, Phú Mỹ Hưng…
 
Ông Marc Townsend cũng cho là quận 7 và quận 2 sẽ sớm thành những khu vực ưa chuộng của các nhà bán lẻ nhờ sự phát triển của các khu dân cư mới. Do vậy, tương lai phát triển của ngành bán lẻ là ở đây.

Hạ Nguyên