Thời của tàu hàng khổng lồ từ Việt Nam sang Mỹ
(Dân trí) - Từ sau khi hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) đi vào hoạt động, ngày càng có nhiều hãng vận tải tàu biển quốc tế đưa những con tàu khổng lồ đến đây thành lập các tuyến tàu hàng trực tiếp từ Việt Nam sang Mỹ.
Trước năm 2009, hàng hóa từ Việt Nam muốn sang Mỹ phải chuyển vận qua cảng Hồng Kông hoặc 1 số cảng quốc tế khác trong khu vực. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tốn kém thêm chi phí chuyển vận, thời gian vận chuyển hàng dài ngày…
Đây là điều bất khả kháng vì trước đây, khi hoạt động vận tải biển chủ yếu phải thông qua hệ thống cảng nằm sâu trong đất liền ở TPHCM thì việc đưa các tàu có tải trọng lớn vào hoạt động rất khó khăn, chi phí vận tải còn cao hơn là phương thức chuyển vận qua các cảng quốc tế ở nước khác.
Nhưng từ giữa năm 2009, khi những cảng quốc tế được thành lập trong hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, nhiều hãng tàu biển đã thành lập các tuyến vận tải biển trực tiếp từ đây sang Mỹ. Cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải được chọn lựa vì luồng tàu tại đây rất sâu, thích hợp cho các tàu biển trọng tải lớn đi vào.
Đầu tiên phải kể đến tuyến vận tải biển trực tiếp sang Mỹ của hãng APL. Ngày 3/6/2009 có thể nói là ngày lịch sử của ngành hàng hải Việt Nam khi hãng APL đưa vào hoạt động tuyến vận tải biển trực tiếp từ Cái Mép - Thị Vải sang Mỹ đầu tiên bằng tàu vận tải siêu hạng, sức chở lên đến 4.250 teus (1 teus = 1 container 20 feet).
Ngay sau đó, các hãng tàu biển quốc tế khác lập tức có động thái hưởng ứng, liên tiếp thành lập các tuyến tàu biển trực tiếp vận tải hàng từ Cái Mép - Thị Vải sang cả bờ Đông lẫn bờ Tây nước Mỹ.
Chẳng hạn như hãng tàu K Line (Nhật Bản) và 7 tàu thành viên khác nằm trong liên minh CKYH (gồm các hãng tàu Coscon, K Line, Yang Ming và Hanjin), Hanjin (Hàn Quốc), MOL (Nhật)...
Song song đó, tàu biển các hãng đưa vào cảng hoạt động có trọng tải ngày càng cao. Nổi bật là liên minh Grand Alliance đưa vào 10 tàu có sức chở lên đến 5.500 teus vào ngày 9/1 vừa qua.
Nhưng đó chưa phải là mức tối đa mà hệ thống cảng nước sâu này có thể tiếp nhận. Vì trong ngày 3/6/2009, cảng từng tiếp đón con tàu có sức chở lớn nhất từ trước đến nay là tàu MOL Premium, thuộc hãng tàu Mitsui O.S.K Line, với sức chở lên đến 6.350 teus.
Đó cũng chưa phải là kỷ lục vì theo hãng tàu biển Maersk Line (Đan Mạch), ngày 12/5 tới họ sẽ mở thêm một tuyến vận tải trực tiếp từ Cái Mép - Thị Vải đến bờ Tây nước Mỹ (Los Angeles, California) bằng con tàu siêu trọng Mathilde Maersk với sức chở hơn 9.000 teus, một con số kỷ lục chưa từng có trong lịch sử hàng hải Việt Nam. Với tải trọng lớn như vậy, đội tàu này mang tính ổn định rất cao, thời gian vận chuyển chỉ có 18 ngày.
Ông Bill Woodhour, Giám đốc kinh doanh khu vực Bắc Mỹ của Maersk Line cho biết: “Đưa tàu lớn ghé trực tiếp vào cảng Việt Nam cũng chính là yêu cầu của các khách hàng Mỹ, và đây cũng là thời điểm thích hợp nhất để chúng tôi giới thiệu dịch vụ này”.
Sự phát triển nhanh chóng của các tuyến vận tải hàng hóa đường biển trực tiếp từ Việt Nam sang Mỹ cũng thể hiện sự đánh giá rất tốt của các nhà kinh doanh Mỹ đối với sự phát triển mậu dịch Việt - Mỹ. Và trên hết, nó cho thấy “thời” của những chuyến tàu hàng khổng lồ từ Việt Nam sang Mỹ đã đến.
Tùng Nguyên