Thời của những doanh nhân “gàn dở”

Vào năm 1956, trong cuốn sách “The Organisation Man” (tạm dịch: “Người có tổ chức”), tác giả William Whyte lập luận: các doanh nghiệp ở thời đó thích dùng những con người toàn diện đến nỗi, họ thẳng tay gạt phắt những thiên tài nhưng bị xếp vào hàng “có tật”.

Tỷ phú Mark Zuckerberg (Ảnh: Getty Images)
Tỷ phú Mark Zuckerberg (Ảnh: Getty Images)
 
Ngày ngay thì khác. Các hãng phần mềm tranh nhau tuyển những người đam mê máy tính nhưng thờ ơ với xã hội bên ngoài, trong khi các quỹ đầu cơ hút sạch những nhân vật có đầu óc về toán học và cổ phiếu nhưng bị xem là lập dị. Kinh đô điện ảnh Hollywood chuộng những người bốc đồng nhưng đầy khả năng sáng tạo, các nhà hoạch định chính sách cũng muốn nhờ đến các doanh nhân thích phá vỡ quy tắc để tạo thêm việc làm.

Không giống như trong trường học, thị trường giờ đang hết sức cởi mở với những con người trong nhiều trường hợp bị đánh giá là “gàn”. Không ít nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ, tài chính… mắc những chứng bệnh như rối loạn phát triển, tự kỷ, khó đọc,…

Các nhà tuyển dụng đã để ý và phát hiện ra rằng, các đặc tính tâm thần quyết định một nhà lập trình máy tính giỏi cũng giống như đặc tính tâm thần của một người mắc hội chứng Asperger, một dạng rối loạn phát triển kiểu tự kỷ dạng nhẹ, trong đó người mắc có mối quan tâm tới mức ám ảnh về những chủ đề nhỏ hẹp; đặc biệt yêu thích những con số, biểu đồ và máy móc; “nghiện” những công việc lặp đi lặp lại; và thiếu sự nhạy cảm về mặt xã hội. Ở Silicon Valley, một vài người nói vui rằng, Internet được tạo ra bởi và dành cho những người thờ ơ với xã hội, vì khi lên mạng, người ta có thể giao tiếp mà không cần phải gặp gỡ trực tiếp.

Tạp chí công nghệ Wired từng có lần gọi Internet là “hội chứng nghiện máy tính”. Phát biểu về những công ty Internet được thành lập trong thập kỷ qua, Peter Thiel - một nhà đầu tư vào mạng Facebook từ những ngày đầu - nói trên tờ New Yorker rằng: “Những người điều hành công ty này thuộc diện bị tự kỷ”. Yishan Wong, một cựu nhân viên Facebook, viết về ông chủ cũ Mark Zuckerberg rằng, nhà sáng lập này “chớm mắc chứng Asperger. Anh ấy không hay tích cực phản hồi hay xác nhận về việc anh ấy đang nghe người khác nói”. Craig Newmark, người sáng lập trang Craigslist thì cho biết, ông thấy những triệu chứng của bệnh Asperger “rất quen thuộc” với mình.

Trong lĩnh vực tài chính cũng đang diễn ra những câu chuyện tương tự. Những người nghiện các con số và tính toán dễ dàng nổi bật so với đám đông những nhà phân tích giống nhau khác. “Người hùng” Michael Burry được miêu tả trong cuốn sách “The Big Short” của Michael Lewis là một nhà quản lý quỹ thích sự đơn độc, có sở thích viết blog về thị trường chứng khoán trong thời gian còn học nghề y.

Các nhà quản lý quỹ đã chú ý nhiều tới Burry đến nỗi, ông quyết bỏ trường y và mở một quỹ đầu cơ riêng có tên Scion Capital. Sau khi phát hiện thấy có điều gì đó bất thường với thị trường cho vay thế chấp nhà của Mỹ, Burry đặt cược là thị trường này sẽ sụp đổ. “Người duy nhất mà tôi tin tưởng trong cuộc khủng hoảng này, chính là Burry - người mắc chức Asperger và luôn đeo kính”, Lewis phát biểu trên đài NPR.

Trong số các doanh nhân nói chung, tỷ lệ người có vấn đề về tâm thần cũng cao tới mức bất ngờ. Julie Login, một chuyên gia đến từ trường kinh doanh Cass Business School, đã nghiên cứu một nhóm doanh nhân và phát hiện ra rằng 35% trong số họ mắc chứng khó đọc (dyslexia), so với tỷ lệ 10% trên dân số Mỹ nói chung và 1% trong số các nhà quản lý chuyên nghiệp. Những người mắc chứng khó đọc nhưng gặt hái thành công đáng nể phải kể tới các nhà sáng lập hãng xe Ford; công nghiệp General Electric (GE); máy tính IBM hay nội thất IKEA; chưa kể tới những gương mặt trẻ hơn như Charles Schwab (nhà sáng lập một công ty môi giới chứng khoán); tỷ phú Richard Branson người Anh - nhà sáng lập tập đoàn Virgin Group; John Chambers của hãng công nghệ Cisco hay huyền thoại công nghệ Steve Jobs của Apple.

Có nhiều cách giải thích về thực tế này. Người mắc chứng khó đọc học được cách triển khai công việc sớm (chẳng hạn khiến người khác làm bài tập ở nhà cho mình). Họ thường nghiêng về những công việc không mấy đòi hỏi bằng cấp chính thức và cũng không cần phải đọc, viết nhiều.

Hội chứng tăng động giảm chú ý (ADD) là một “bạn đồng hành” phiền toái khác của nhiều doanh nhân. Những người mắc ADD không thể tập trung lâu vào một việc. Điều này khiến họ trở thành “thảm họa” đối với cấp trên, nhưng lại là nguồn cung cấp nhiều ý tưởng mới. Một số nghiên cứu cho rằng, người mắc ADD có khả năng lập được công ty riêng cao gấp 6 lần so với người bình thường.

Ông David Neeleman, nhà sáng lập hãng hàng không giá rẻ JetBlue, cho biết: “Bộ não bị ADD của tôi, theo một cách tự nhiên, tìm kiếm được những cách thức tốt hơn để giải quyết công việc. Với tất cả những phiền phức của ADD như sự vô tổ chức, chần chừ, khó tập trung… bệnh này cũng đem đến sự sáng tạo và năng lực chấp nhận rủi ro”, ông Neeleman phát biểu.

Ông Paul Orfalea, người sáng lập công ty Kinko cùng một loạt doanh nghiệp khác, bị mắc cả ADD lẫn chứng khó đọc. “Tôi rất dễ bị buồn chán, nhưng đó lại là một động lực lớn. Tôi cho rằng, ai cũng nên bị ADD và chứng khó đọc”, ông Orfalea có lần nói.

Với sự “lên ngôi” của những thiên tài “có tật”, những người xuất chúng kiểu cổ điển sẽ đi về đâu? Tất nhiên họ vẫn sẽ ổn.

Một khi các công ty gia tăng sử dụng thiên tài “bất trị”, họ càng cần những nhà quản lý nhạy cảm để giữ công ty trong trật tự. Cần phải có những người đảm bảo các nhiệm vụ được hoàn tất, thu hút khách hàng… Những nhiệm vụ như thế được đảm nhiệm tốt nhất bởi những người không tạo ra ấn tượng rằng họ nghĩ người khác là ngu ngốc - điều mà những thiên tài “lập dị” dễ mắc phải. Chẳng hạn, Sheryl Sandberg, “cánh tay phải” của Mark Zuckerberg, làm khá tốt công việc này ở Facebook. Trên thực tế, nhiều công ty mới khởi nghiệp chỉ thoát khỏi “thảm họa” khi thay thế nhà sáng lập giỏi giang bằng nhà quản lý chuyên nghiệp. Dĩ nhiên, các nhà quản lý này cần học cách làm việc với người “gàn”.

Sự tập trung của những người có đầu óc “bất bình thường” đang gây ra những vấn đề mới. Những người làm việc trong các công ty đòi hỏi trí tuệ cao thường kết hôn với những người thông minh. Chuyên gia Simon Baron-Cohen từ Đại học Cambridge cho rằng, khi hai con người có đầu óc siêu phàm kết hôn, khả năng sinh ra những đứa trẻ bị Asperger hoặc tự kỷ là cao hơn bình thường. Chuyên gia này đã chỉ ra, những đứa trẻ sinh ra ở Eindhoven, một trung tâm công nghệ ở Hà Lan, có tỷ lệ bị tự kỷ cao hơn từ 2-4 lần so với trẻ em ở các thị trấn Hà Lan có quy mô tương tự khác. Ông cũng chỉ ra rằng, sinh viên theo học các ngành toán học, vật lý và kỹ thuật ở Đại học Cambridge có xu hướng có nhiều họ hàng bị bệnh tự kỷ hơn sinh viên học ngành văn học Anh.

Hầu hết các nhà tuyển dụng đều ngại tuyển những người bị tự kỷ nặng, nhưng không phải là tất cả. Một công ty Đan Mạch có tên Specialist People rất chuộng tuyển người tự kỷ để làm những công việc đòi hỏi trí nhớ tốt hoặc có mức độ lặp đi lặp lại cao.

Nói rộng hơn, việc dùng người “có tổ chức” để thay thế người “vô tổ chức” đang khiến cán cân quyền lực thay đổi. Những thiên tài mắc các chứng bệnh về tâm thần có thể bị giễu cợt ở trường học hay bị bỏ rơi trong những bữa tiệc, nhưng ngày nay, rất nhiều công ty đang cần đến họ để phát triển. Anh Kiran Malhotra, một người làm về mạng ở Silicon Valley, nhận xét: “Thật tuyệt khi là một kẻ gàn!”
 
Theo An Huy
VnEconomy