1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thời của ngân hàng ngoại đã đến

Không chờ đến các cam kết có hiệu lực, ngay từ lúc này, thị phần của các ngân hàng quốc doanh, cổ phần đã đứng trước sự chia sẻ lớn, khi thời của ngân hàng ngoại đã đến.

Câu chuyện cuối năm 2006 với ông Quán Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Tài chính cá nhân, Ngân hàng HSBC tại Việt Nam, chỉ xoay quanh một câu hỏi nhỏ: Bây giờ người dân vay tiền tại HSBC có khó khăn không?

Hỏi như vậy vì trước đây, trong quan niệm của nhiều người dân và doanh nghiệp, việc vay vốn tại các ngân hàng nước ngoài thường khó khăn hơn rất nhiều so với cửa của các ngân hàng nội.

Với HSBC, trong những năm trước, các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng cá nhân đã lần lượt được giới thiệu tại TPHCM và Hà Nội. Nhưng để tiếp cận, người vay phải đáp ứng được những điều kiện cao hơn nhiều so với các ngân hàng trong nước.

Còn nay, ông Tuấn cho biết, thủ tục và điều kiện đã đại chúng hơn. Người dân có thể vay tiêu dùng tại HSBC với hạn mức có thể lên tới 200 triệu đồng với điều kiện khá cởi mở như chỉ cần chứng minh thu nhập ổn định, bảng lương trong ba tháng gần nhất và có thể vay tín chấp…

“Chúng tôi muốn chứng minh với khách hàng rằng chúng tôi không phải là một địa chỉ xa lạ, chỉ dành riêng cho người nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài, mà là một địa chỉ gần gũi như các ngân hàng trong nước”, ông Tuấn nói.

Cũng như HSBC, các ngân hàng nước ngoài khác hoạt động tại Việt Nam đang trở nên đại chúng hơn. Không chờ đến ngày 1/4/2007, các cam kết hội nhập về ngân hàng bắt đầu có hiệu lực, mà ngay lúc này ảnh hưởng của họ trên thị trường đã thực sự bộc lộ.

Những con số cơn bản về kết quả hoạt động của các ngân hàng nước ngoài năm 2006 tại Việt Nam bắt đầu được công bố. Đó là những con số mà các ngân hàng nội địa phải lo ngại.

Theo ông Kiều Hữu Dũng, Vụ trưởng Vụ các ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), đến cuối năm 2006, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đã đạt khoảng 60.000 tỷ đồng, chiếm tới 14% thị phần, tăng 5% so với năm trước.

Sự gia tăng trên có thể giải thích từ một phần “lơ là” của các ngân hàng nội, khi có sự chuyển dịch rõ rệt từ hoạt cho vay sang hoạt động đầu tư trên thị trường vốn. Nhưng, mức tăng thị phần nói của ngân hàng ngoại là một thực tế mà ngân hàng nội phải xem xét.

Về tăng trưởng huy động vốn, ước tính trong năm 2006, tỷ lệ mà các ngân hàng nước ngoài đạt được ít nhất là 20%. Và nếu trong tương lai, việc cho phép các ngân hàng nước ngoài được mở rộng huy động nội tệ, các ngân hàng nội sẽ phải chịu một sự chia sẻ lớn hơn nhiều.

Ông Hàn Ngọc Vũ, nguyên là một cán bộ nòng cốt của Citibank tại Việt Nam, cũng thừa nhận thời của các ngân hàng ngoại đã đến, đặc biệt là lộ trình hội nhập đã rất gần. Lợi thế về tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản trị và công nghệ của họ sẽ là một áp lực lớn đối với các ngân hàng trong nước.

Với nhiều người dân tại TPHCM và Hà Nội, gần gũi và đơn giản nhất là sự xuất hiện của những chiếc máy ATM mới của HSBC hay ANZ, thay vì chỉ tìm thấy trong phạm vi trụ sở trước đây. Hoặc như để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong Tết này, họ có thể đến gõ cửa các ngân hàng ngoại một cách tự tin hơn như câu trả lời của ông Tuấn nói trên.

Còn trên bàn của Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm này đã có ít nhất 10 bộ hồ sơ mới xin cấp phép lập chi nhánh và ngân hàng con 100% vốn nước ngoài. Nếu con số đó được thông qua, thị phần của các khối ngân hàng sẽ có chuyển động lớn và nhanh trong thời gian tới.

Hiện Việt Nam có 35 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động; trong đó có 2 chi nhánh vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp phép trong năm 2006 (Mizuho Corporate Bank và Hua Nan Bank).

Theo Đăng Long
VnEconomy