Thời của báo in sẽ qua mau!
Internet đã làm thay đổi tận gốc nhiều ngành công nghiệp như du lịch, viễn thông, âm nhạc, điện ảnh... và bây giờ đến lượt báo chí cũng cảm thấy sức ép.
Ngày 13/3 vừa qua, Knight-Ridder, tập đoàn báo chí lớn thứ hai ở Mỹ, sở hữu hơn 30 tờ nhật báo nổi tiếng, đã chấp nhận bán mình cho đối thủ bé hơn là McClatchy với giá 4,5 tỉ USD.
Thương vụ này phản ánh những khó khăn của ngành báo in do doanh số liên tục suy giảm. Mức giá mà McClatchy phải trả cho thương vụ này chỉ bằng 9,4 lần lợi nhuận năm 2005 của Knight-Ridder dù theo các công ty chứng khoán, doanh nghiệp báo chí thường có giá trị bằng 12 hoặc 13 lần lợi nhuận hàng năm của nó.
Suy giảm doanh số chỉ là một khía cạnh trong quá trình suy giảm toàn diện ảnh hưởng của báo in trong đời sống xã hội. Báo in không còn độc quyền phổ biến những thông tin như giá cổ phiếu và rao vặt. Từ ngày 13/3 vừa qua, báo The New York Times đã cắt bỏ phần thông tin biểu giá cổ phiếu trên các ấn bản của mình vì người đọc đang có xu hướng chuyển sang tìm các thông tin đó trên Internet.
Báo in cũng không còn độc quyền đưa các thông tin sốt dẻo, kịp thời về mọi sự kiện xảy ra trong đời sống vì sự cạnh tranh mạnh mẽ của truyền hình, truyền thanh và nhất là Internet.
Quảng cáo là nguồn doanh thu chủ yếu của báo in trên khắp thế giới. Nhưng theo Công ty Đầu tư truyền thông Veronis Suhler Stevenson, doanh số quảng cáo trên báo in chỉ tăng 3% mỗi năm, trong khi quảng cáo trực tuyến trên Internet tăng khoảng 25%, đạt mức 16 tỉ USD trong năm ngoái. Dự báo, ba năm tới quảng cáo trực tuyến sẽ tăng hơn 20% mỗi năm, tạo ra một thị trường trị giá khoảng 25 tỉ USD.
Muốn chia phần bánh quảng cáo với doanh nghiệp Internet, các tờ báo đã lần lượt xuất hiện trên mạng. Tuy nhiên, không phải cứ chuyển tin, bài lên web, tạo ra một tờ “báo điện tử” song song với “báo giấy” là có thể giải quyết được vấn đề.
Knight-Ridder là tập đoàn báo chí đầu tiên xuất bản báo điện tử với bản online của báo San Jose Mercury News, đồng thời đầu tư nhiều trang web về mua sắm, rao vặt thu hút khoảng 9,7 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Tuy nhiên, doanh số quảng cáo trực tuyến của họ trong năm ngoái chỉ đạt 164,5 triệu USD, chiếm một phần rất nhỏ trong tổng doanh số 3 tỉ USD của cả tập đoàn.
Điều đó không có gì lạ vì “báo điện tử”chưa cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp chuyên hoạt động trên Internet như như Google, Yahoo!, Craigslist, eBay... Mỗi tháng trang tin Yahoo! News có khoảng 27 triệu người đọc; Google thì có quy mô vốn liếng khoảng 101,7 tỉ đô la, gấp hơn 20 lần so với Knight-Ridder.
Các trang tin điện tử như Google News, Yahoo! News không chỉ cung cấp thông tin kịp thời, đa dạng mà còn giúp người đọc truy xuất, tổ chức các thông tin cùng chủ đề từ nhiều nguồn khác nhau, một tiện ích mà báo in không có được.
Ưu thế của báo in là chất lượng nội dung nhưng cần tạo ra những “điểm đến trực tuyến” chứ không đơn giản là đặt nội dung tin, bài lên trang web. Báo in cần cung cấp cho người đọc những loại tin bài mới, những con đường để tìm kiếm thông tin, tổ chức nội dung và cả những cách thức giao tiếp, chia sẻ ý tưởng với các độc giả khác.
Nhiều tờ báo đến nay vẫn e ngại việc để cho người đọc nhận xét về tin bài của mình. Báo in truyền thống thường giống như một cuộc đối thoại chỉ một bên phát biểu, bạn đọc ít có cơ hội bày tỏ quan điểm với tòa soạn. Nhưng với Internet thì mọi chuyện hoàn toàn khác. Bạn đọc không chỉ chia sẻ ý kiến với tòa soạn mà cả với đông đảo bạn đọc khác và tờ báo phải làm cho điều này diễn ra dễ dàng, thuận lợi.
Trang web của BBC là một thí dụ: họ dành chỗ cho người đọc bình luận về phần lớn tin tức mà họ vừa phổ biến. Báo chí cần phải chấp nhận rằng người khác sẽ viết những ý kiến khác về bài báo mà họ đã viết và họ cần liên kết với những ý kiến đó để trình bày vấn đề một cách đầy đủ và phong phú hơn, đó chính là văn hóa của Internet.
Nếu muốn giữ bạn đọc thì các tờ báo phải học cách làm thông tin trong thời đại tin học bên cạnh việc cung cấp những bài tường thuật và phân tích chất lượng cao. Nói cách khác, báo in và các phương tiện truyền thông truyền thống khác phải tích hợp nhiều tính năng mà các cổng thông tin điện tử (portal) cung ứng nhưng không hy sinh chất lượng nội dung gắn liền với tên tuổi của mình.
Trong tương lai, tờ báo nào không cung cấp được thông tin chất lượng cao hoặc thiếu các công cụ truy xuất, tổ chức và phổ biến thông tin như một cổng thông tin điện tử thực thụ thì sẽ sớm nhường độc giả cho các đối thủ được tổ chức tốt hơn và có nguồn thông tin quan trọng hơn.
Khi băng thông rộng nảy nở với tốc độ chóng mặt trên khắp thế giới thì Internet không chỉ có chữ và ảnh chụp mà có rất nhiều thứ khác. Công nghệ web 2.0 sẽ còn mang lại nhiều điều kỳ diệu hơn nữa trong lĩnh vực phổ biến và lưu trữ thông tin.
Điều đáng tiếc là các chủ báo thường ít quan tâm tới những thay đổi như vũ bão ấy nói gì đến chuyện tích hợp chúng vào kế hoạch kinh doanh của mình. Công nghiệp báo chí đang đối mặt với những thay đổi sâu sắc nhưng không phải không vượt qua được.
Công chúng vẫn muốn đọc tin và vẫn cần thông tin, song để đáp ứng nhu cầu ấy thì báo chí cần suy nghĩ nghiêm túc về các hoạt động trực tuyến chứ không thể xem đó chỉ là một dịch vụ phụ trội, một cái bóng của báo in truyền thống.
Theo TB Kinh tế Sài Gòn