Thời cơ mới, vận hội mới để Petrovietnam phát triển bền vững

Trường Thịnh

(Dân trí) - Trải qua 49 năm xây dựng và trưởng thành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đang đứng trước thời cơ mới, vận hội mới để thay đổi chính mình - trở thành tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia.

Nhìn lại chặng đường 49 năm xây dựng và phát triển, ngành dầu khí Việt Nam ngày càng khẳng định là ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, then chốt của đất nước, Petrovietnam giữ vai trò trụ cột, bảo đảm 4 chữ "An" quan trọng là an ninh năng lượng quốc gia, an ninh lương thực quốc gia, an ninh kinh tế đất nước, an ninh chủ quyền quốc gia trên biển.

Petrovietnam xây dựng hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao, hình thành nên đội ngũ gần 60.000 người lao động có năng lực chuyên môn cao, cùng tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật, sự chuyên nghiệp, sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ hiện đại, phức tạp của ngành và vươn ra thế giới.

Thời cơ mới, vận hội mới để Petrovietnam phát triển bền vững - 1

Đưa giàn tự nâng vào điểm khoan.

Với sự phát triển đồng bộ của chuỗi công nghiệp dầu khí, Petrovietnam đã trở thành nòng cốt, hạt nhân trong việc hình thành các khu công nghiệp tập trung tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai - Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất - Quảng Ngãi, Vũng Áng - Hà Tĩnh, Nghi Sơn - Thanh Hóa... Sự đầu tư đồng bộ này làm thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách quốc gia, cơ bản đáp ứng yêu cầu về năng lượng, phân bón của cả nước.

Các dự án như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau… đang hoạt động hiệu quả, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và từng vùng, địa phương nơi có dự án vận hành. Những dự án công trình mang tầm cỡ khu vực là minh chứng rõ nét cho trình độ, năng lực của cán bộ, kỹ sư dầu khí Việt Nam, là tiền đề quan trọng để Petrovietnam đẩy mạnh việc xuất khẩu dịch vụ dầu khí ra nước ngoài.

Trên phương diện tài chính, Petrovietnam có tài sản hợp nhất tại ngày 31/12/2023 hơn một triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 43 tỷ USD, vốn chủ sở hữu cùng thời điểm là 532.000 tỷ đồng, tương đương 22,6 tỷ USD. Từ năm 1986-2023, tổng doanh thu của toàn Petrovietnam đạt trên 524 tỷ USD, tương đương 10-13% GDP đất nước; nộp ngân sách toàn Petrovietnam trên 129 tỷ USD, đóng góp 9-30% tổng thu ngân sách cả nước.

Thời cơ mới, vận hội mới để Petrovietnam phát triển bền vững - 2

Kho xăng dầu PVOIL.

Là doanh nghiệp đầu tàu của nền kinh tế, giữ vai trò then chốt, nền tảng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế và an ninh chủ quyền quốc gia trên biển, Petrovietnam ý thức kết quả hoạt động của tập đoàn có ảnh hưởng trực tiếp, quan trọng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Vậy nên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn, thách thức đến đâu, tập thể lãnh đạo, người lao động dầu khí luôn giữ vững niềm tin, bình tĩnh vượt khó, chủ động xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp nhằm thực hiện tốt nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao phó. Việc Petrovietnam vững vàng vượt "khủng hoảng kép", lấy lại đà tăng trưởng, liên tiếp lập kỷ lục trong sản xuất kinh doanh giai đoạn 2020-2023 là minh chứng rõ nét cho điều đó.

Thời cơ mới, vận hội mới để Petrovietnam phát triển bền vững - 3

Cảng thi công chân đế điện gió ngoài khơi.

Trong khó khăn càng vững vàng, trước thử thách càng bản lĩnh, tăng trưởng là "mệnh lệnh sống còn của doanh nghiệp, là yêu cầu bắt buộc cho mục tiêu phát triển bền vững. Tại Petrovietnam, trong công tác quản trị, điều hành, quan điểm, tinh thần này luôn được Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh là không thể đi lùi, buộc phải đi ngang hoặc đi lên.

"So với các tập đoàn, công ty dầu khí quốc gia trong khu vực, Petrovietnam vẫn ở quy mô nhỏ, hiện vẫn còn dư địa, tiềm năng phát triển; vì vậy, đòi hỏi Petrovietnam cần chuyển dịch mô hình kinh doanh mạnh mẽ, đột phá hơn nữa để tiệm cận, bắt kịp các doanh nghiệp này, đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới", Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Chặng đường sắp tới, Petrovietnam đang hướng tới và quyết tâm xây dựng, phát triển thành tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia hàng đầu đất nước, có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế, giữ vai trò nòng cốt, chủ lực, đầu tàu, có tiềm lực mạnh về tài chính và trình độ khoa học tiên tiến, có sức cạnh tranh cao.

Để thực hiện mục tiêu đó, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết tập đoàn đã xây dựng Chương trình Kế hoạch hành động theo Kết luận số 76. Theo đó, để thực hiện tốt chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam, Petrovietnam phải nhận diện, xác định tác động từ môi trường thế giới và khu vực, những khó khăn, thách thức, đánh giá nguồn lực, từ đó, xác định mục tiêu phát triển, định hướng và giải pháp thực hiện.

Các nhóm giải pháp bao gồm: chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền để xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển nhanh và bền vững ngành dầu khí mà chủ lực là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; hoàn thiện hạ tầng ngành dầu khí theo hướng đồng bộ, thông minh, đạt trình độ tiên tiến khu vực ASEAN, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và xu thế chuyển dịch năng lượng; nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp toàn Petrovietnam; tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho phát triển, quản trị tốt danh mục dự án đầu tư.

Thời cơ mới, vận hội mới để Petrovietnam phát triển bền vững - 4

Người lao động PTSC trên công trường thi công công trình biển.

Đề án cơ cấu lại Petrovietnam cũng được xây dựng theo mô hình tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam, bảo đảm mục tiêu tiếp tục giữ vững thị phần lĩnh vực dầu khí truyền thống với chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, đồng thời mở rộng lĩnh vực hoạt động thông qua tham gia chuỗi giá trị năng lượng mới, năng lượng tái tạo;

Petrovietnam cũng sẽ thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại, bảo vệ tài nguyên, môi trường.