Thoái vốn tại Khách sạn Hà Nội Fortuna: 16 triệu USD hay mất trắng?
Hiện có hai kịch bản được đưa ra, hoặc không chuyển nhượng, hoặc chuyển nhượng 30% vốn của bên Việt Nam cho bên nước ngoài. <br><a href='http://dantri.com.vn/kinh-doanh/thua-lo-ban-dut-khach-san-ha-noi-fortuna-949601.htm'><b> >> Thua lỗ, bán đứt khách sạn Hà Nội Fortuna</b></a>
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Phương án chuyển nhượng vốn góp tại Công ty Liên doanh Khách sạn Hà Nội Fortuna đã được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam giao Ban Kinh tế và Đầu tư xây dựng. Trên cơ sở thực tiễn hoạt động của Công ty trong thời gian qua, Ban Kinh tế và Đầu tư đã đưa ra 2 kịch bản.
Sẽ mất sạch nếu không chuyển nhượng
Phương án thứ nhất được đưa ra là không chuyển nhượng vốn góp và những thỏa thuận, cam kết hỗ trợ của thỏa thuận ngày 1/6/2006 sẽ không còn hiệu lực.
Theo đó, tổng số nợ gốc, tiền lãi vay và lãi phát sinh tiếp theo mà liên doanh phải trả cho Hornblower tính từ năm 2002 đến ngày 31/12/2013 là hơn 13,171 triệu USD (chưa gồm tiền lãi tính trên số vốn của Hornblower chuyển thành vốn góp vào liên doanh 6,3 triệu USD theo tính toán là 4,852 triệu USD).
Bên cạnh đó, nếu tính cả khoản 2,7 triệu USD mà Hornblower hỗ trợ số vốn còn thiếu của phía Việt Nam trong quá trình Công ty Liên doanh Khách sạn Hà Nội Fortuna tăng vốn năm 2006 và lãi vay phát sinh từ tháng 7/2006 đến 31/12/2014, thì phía Việt Nam sẽ phải trả Hornblower 5,788 triệu USD.
Như vậy, nếu không chuyển nhượng phần vốn góp, tính đến ngày 31/12/2013, Công ty Liên doanh Khách sạn Hà Nội Fortuna sẽ phải trả cho Hornblower hơn 18,959 triệu USD. Trong đó, Công ty Chng Holdings PTE. Ltd sẽ phải trả hơn 13,171 triệu USD và bên Việt Nam là 5,788 triệu USD và cũng sẽ không được nhận lãi chia hàng năm mà còn phải trả lãi vay.
Chuyển nhượng sẽ thu về số tiền lớn
Phương án thứ hai là chuyển nhượng 30% vốn của bên Việt Nam cho bên nước ngoài. Khi đó, vấn đề đầu tiên được bảo lưu là điều kiện chuyển giao không bồi hoàn, nghĩa là bên Việt Nam chỉ chuyển giao 30% vốn trong 20 năm còn lại (thời hạn hoạt động của liên doanh là 40 năm, đến nay đã được 20 năm) và đến năm 2035, Khách sạn Hà Nội Fortuna sẽ chuyển giao không bồi hoàn lại cho phía Việt Nam khai thác, sử dụng.
Bên cạnh đó, dưới góc độ tài chính, nếu thực hiện phương án chuyển nhượng 30% vốn, bên Việt Nam không phải trả cho Hornblower khoản hỗ trợ và lãi vay là 5,788 triệu USD. Mặt khác, bên Việt Nam sẽ được tính và chia lãi từ liên doanh từ thời điểm chuyển nhượng vốn.
Chưa hết, theo Chứng thư thẩm định giá vào năm 2014 (thời điểm thẩm định 31/12/2013), thì giá thị trường của vốn chủ sở hữu của liên doanh tính theo phương pháp tài sản là hơn 36,666 triệu USD, giá trị vốn góp của phía Việt Nam sẽ là 11 triệu USD. Tổng cộng, phía Việt Nam, khi chuyển nhượng vốn, sẽ thu cả tiền vốn chuyển nhượng và chia lãi là hơn 16 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Hải Giang, Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, kiêm Tổng giám đốc Công ty Thắng Lợi, nếu tính bài toán kinh tế, thì rõ ràng, việc chuyển nhượng sẽ có lợi rất lớn cho bên Việt Nam.
Hơn nữa, từ khi tham gia liên doanh, trên thực tế, bên Việt Nam chỉ góp vốn bằng quyền sử dụng 3.482 m2 đất ở 6B - Láng Hạ, số vốn còn lại để xây dựng, kinh doanh đều từ bên nước ngoài. Nếu chuyển nhượng, không những bên Việt Nam có được khoản tài chính hơn 16 triệu USD, mà sau 20 năm nữa sẽ được nhận nguyên Khách sạn Hà Nội Fortuna để khai thác, kinh doanh.
Theo lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nếu chuyển nhượng được phần vốn góp của Công ty Thắng Lợi trong liên doanh, thì Liên minh sẽ chủ động tài chính để thực hiện những dự án khác (hiện Liên minh có nhiều quỹ đất rất lớn tại Mỹ Đình, Giảng Võ…, nhưng đang gặp khó khăn về vốn triển khai dự án), mang lại hiệu quả kinh doanh cao hơn, góp phần thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tập thể, thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Liên minh.
Bên cạnh đó, thực tế tham gia liên doanh thời gian qua cho thấy, do phần góp vốn của bên Việt Nam chỉ chiếm 30%, nên chỉ tham gia HĐQT với phần biểu quyết không cao. Bên Việt Nam cũng không tham gia trực tiếp vào quản lý điều hành, nên rất khó để biết được tình hình hoạt động thực chất của liên doanh.
Hơn nữa, trong trường hợp bên nước ngoài quyết định tăng vốn theo quyền biểu quyết quá bán, mà bên Việt Nam không có thêm tiền góp vốn, thì tỷ lệ vốn góp của bên Việt Nam trong liên doanh sẽ bị giảm, dẫn đến nguy cơ mất vốn.
Có được phép chuyển nhượng?
Liên quan đến yêu cầu của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận Thanh tra số 1937 KL-TTCP-V.II 2/7/2010 (đã được đề cập ở kỳ trước), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có các văn bản hướng dẫn việc chuyển nhượng phần vốn của Công ty Thắng Lợi trong liên doanh.
Ngày 11/8/2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 2953/BTNMT-TCQLĐĐ đề nghị Liên minh Hợp tác xã Việt Nam liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để được hướng dẫn cụ thể. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hướng dẫn: “Sau khi được UBND Thành phố cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho Công ty Liên doanh, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ hướng dẫn lập hồ sơ xin thuê đất theo quy định”.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng đã tiếp tục gửi công văn tới Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỏi về thủ tục chuyển nhượng tại liên doanh. Các bộ này cho biết, vấn đề này đã được họ phúc đáp bằng văn bản từ năm 2008, 2010, thời điểm Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần đầu có chủ trương chuyển nhượng vốn và các văn bản đó hiện vẫn còn hiệu lực.
Theo đó, tại Công văn số 2288/BKH-PC ngày 2/4/2008, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Công ty Thắng Lợi có thể chuyển nhượng phần vốn góp của mình trong liên doanh cho đối tác nước ngoài, khi đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 65, Nghị định 108/2006/NĐCP.
“Mọi hoạt động của Công ty sau khi nhận chuyển nhượng phải đảm bảo các mục tiêu và điều kiện được quy định trong Giấy phép đầu tư bao gồm cả các nội dung chuyển giao không bồi hoàn và phải được quy định cụ thể trong Giấy chứng nhận điều chỉnh Giấy phép đầu tư”, Công văn số 2288/BKH-PC khẳng định.
Sau đó, ngày 27/4/2010, Bộ Tài chính có Công văn số 5292/BTC/TCDN về việc chuyển nhượng vốn góp liên doanh của doanh nghiệp, khẳng định: “Công ty Thắng Lợi có thể được chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại Công ty TNHH Khách sạn Hà Nội Fotuna theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Đầu tư 2005 và Nghị định 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ”.
Có thể thấy, phương án chuyển nhượng 30% vốn của bên Việt Nam trong Công ty Liên doanh Khách sạn Hà Nội Fortuna (không bao gồm điều kiện chuyển giao không bồi hoàn) là phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam, đã được các bên liên doanh đồng thuận. Trong bối cảnh cả hai bên đang gặp nhiều khó khăn, thì đây chính là phương án “giải thoát” cho cả hai bên.
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 23/9, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã có cuộc họp thống nhất chủ trương chuyển nhượng 30% vốn cho đối tác nước ngoài.
Theo Hữu Tuấn