Thổ Nhĩ Kỳ có thể thiệt hại 2% GDP sau trận động đất mạnh nhất thế kỷ
(Dân trí) - Thị trường chứng khoán lao dốc, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ chạm mức thấp kỷ lục trong phiên hôm qua khi một trận động đất mạnh nhất trong một thập kỷ xảy ra làm hơn 3.800 người thiệt mạng.
Trận động đất với cường độ 7,8 độ richter xảy ra hôm qua (6/2) được cho là trận động đất mạnh nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939.
Theo giáo sư Paul Martin Mai, chuyên gia về động đất đến từ khoa Khoa học và Kỹ thuật Trái đất của Đại học Khoa học và Công nghệ King Abdullah ở Saudi Arabia, cho biết, dữ liệu dư chấn ban đầu cho thấy trận động đất có chiều dài đứt gãy hơn 300km.
"Với chiều dài 300km, nhiều làng mạc, thị trấn bị phá hủy, nền kinh tế bị ảnh hưởng, hệ thống cơ sở hạ tầng như khí đốt, điện, đường ống dẫn nước sẽ bị gián đoạn", học giả này nói.
Theo ông, động đất ảnh hưởng đến một khu vực rộng lớn như vậy nên tác động đối với người dân và nền kinh tế nước này sẽ rất lớn. Ông cho biết cường độ của trận động đất này đã vượt qua cả trận động đất năm 1999 ở gần Istanbul khiến hơn 15.000 người thiệt mạng.
Mặc dù thiệt hại về kinh tế vẫn chưa được thống kê, nhưng cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ có thể thiệt hại khoảng 2% GDP.
Ngay trong ngày xảy ra thảm họa thiên nhiên này, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới 18,85, trước khi phục hồi trở lại. Chỉ số chính của chứng khoán nước này cũng giảm 4,6%.
Sở giao dịch chứng khoán Borsa Istanbul đã thông báo tạm ngừng giao dịch cổ phiếu của một số công ty trong vùng động đất.
Đồng nội tệ và thị trường chứng khoán của các thị trường mới nổi trên thế giới đang chịu áp lực do đồng USD mạnh lên sau báo cáo việc làm khả quan của Mỹ. Giới phân tích cho rằng, dữ liệu việc làm mạnh có thể giúp Fed duy trì quan điểm diều hâu lâu hơn.
Nhưng với Thổ Nhĩ Kỳ, áp lực có vẻ lớn hơn. Căng thẳng địa chính trị gia tăng trở lại trong thời gian gần đây với những dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ thúc đẩy một đường lối cứng rắn hơn trong việc thực thi các lệnh trừng phạt Nga, đồng thời gia tăng áp lực lên các thị trường của Thổ Nhĩ Kỳ. Gần đây Washington đã cảnh báo Ankara về việc xuất khẩu các mặt hàng hóa chất, vi mạch và các sản phẩm khác sang Nga.
Nhà phân tích Tata Ghose FX tại ngân hàng Commerzbank cũng cho hay, dữ liệu làm phát gần đây cũng gây lo ngại khi tăng ở mức 57,68% trong tháng 1, cao hơn nhiều so với dự báo.