Thịt ngoại “đè” thịt nội
Mở cửa cho nhập khẩu thịt là giải pháp tạm thời để bình ổn giá cả trong nước. Nhưng cái van này cũng là con dao 2 lưỡi, hiện đang làm khổ người chăn nuôi.
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, từ tháng 4/2001, ngành chăn nuôi đã gặp nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, lạm phát nên trì trệ và phục hồi khá chậm. Không bỏ lỡ cơ hội, thịt ngoại nhập đã tràn vào để thay thế.
Gà thịt ế nặng
Ngành chăn nuôi trong nước phục hồi chậm chạp, cùng với sự thao túng của giới thương lái trung gian đã tạo điều kiện cho thịt ngoại lấn sân và khiến người chăn nuôi trong nước lao đao.
Theo ghi nhận của chúng tôi, từ giữa tháng 8 cho đến nay, giá gà ta thịt trên thị trường Bình Định liên tục giảm đã làm người chăn nuôi lỗ nặng.
Ông Nguyễn Văn Bảy - Trưởng thôn Tân Mỹ (xã Phước Hòa, H.Tuy Phước, Bình Định) cho biết: “Từ giữa tháng 8 trở về trước, giá gà ta thịt bán 68.000 - 70.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi 20 - 25 triệu đồng/1.000 con nên cả thôn thi nhau mở gia trại nuôi gà. Cả thôn có tổng đàn gà ta thịt 30.000 con và hiện đều đã đạt trọng lượng xuất chuồng, nhưng kêu tư thương đến mua, họ không những trả giá thấp mà còn bắt số lượng nhỏ giọt”.
Anh Dương Văn Chín - chủ trại nuôi gà thịt lớn nhất ở thôn Tân Mỹ, bộc bạch: “Tôi nuôi gà ta thịt nhiều nhất thôn với 6.000 con tại trại và nuôi chung với anh em khác 4.000 con nữa. Liên lạc các bạn hàng trong tỉnh và ở TP.HCM, họ đều lắc đầu không mua. Mỗi ngày trại phải tiêu tốn thức ăn cho đàn gà trên 1 tấn cám thực phẩm, chi phí hơn 12 triệu đồng, chưa kể tiền thuốc thú y, tiền thuê công chăm sóc gà”. Không chỉ riêng Bình Định mà nhiều địa phương khác cũng lâm vào tình cảnh ứ đọng gia cầm vì không tiêu thụ được.
Chỉ trong vòng 2 tháng, giá gà giảm gần 50% nhưng không ai nhìn nhận thịt gà ngoại chính là yếu tố hàng đầu gây nên cảnh thua lỗ cho nông dân. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực thực phẩm tươi sống vẫn nỗ lực “tiếp thị” tại VN. Chỉ tính từ tháng 9 đến nay, VN đã đón tiếp hàng chục doanh nghiệp của Tổ chức các nhà sản xuất thịt châu Âu (UPEMI) và Hội đồng xuất khẩu gia cầm và trứng của Mỹ (USAPEEC) trực tiếp bay sang tận VN xúc tiến thương mại. Theo ông Phạm Đức Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi VN, ngành chăn nuôi gà của ta không có tính cạnh tranh nên dễ dàng bị gà ngoại lấn lướt. Nếu không có những thay đổi lớn, trước tiên là chăn nuôi gà trắng (gà công nghiệp) sẽ phải sớm đóng cửa”. Ông Bình cũng chỉ ra rằng, sở dĩ các công ty, tập đoàn chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh gia cầm lớn đều không dám đầu tư nhà máy giết mổ tại VN vì họ nhìn thấy sự thiếu bền vững trong hệ thống chăn nuôi của VN.
Không thiếu vẫn nhập
Chăn nuôi trong nước bấp bênh vì nhiều nguyên nhân, nhưng ở thời điểm hiện tại, thịt nhập khẩu chính là nguyên nhân quan trọng nhất.
Ông Đoàn Trọng Lý - Tổng giám đốc Công ty chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu Aprocimex nhận xét: “Lượng thịt nhập khẩu thời gian qua tuy không quá lớn, nhưng hệ quả của nó thì lại vô cùng ghê gớm, đó chính là ảnh hưởng tâm lý đến thị trường, và đặc biệt là người chăn nuôi. Hiện nay Bộ Công thương, Bộ Tài chính cứ hễ thấy thịt tăng giá là lập tức nhập khẩu để “hạ sốt” chứ không hề mảy may để ý gì tới hậu quả về lâu dài. Tôi đi cơ sở gặp người chăn nuôi, nghe họ chán ngán bảo rằng có tin Chính phủ cho nhập thịt, thế là họ thôi, không nuôi nữa”.
Đồng tình với quan điểm này, lãnh đạo Sở NN-PTNT Thanh Hóa cũng kiến nghị, hiện tại giá gia cầm trên thị trường tại miền Bắc đã tụt xuống mức rất thấp, có nơi chỉ còn 27.000 - 28.000 đồng/kg khiến nông dân đang lỗ rất nặng. Để đảm bảo nâng giá thịt trong các tháng cuối năm, Bộ NN-PTNT cần có giải pháp và hành động mạnh tay nhằm hạn chế việc nhập khẩu thịt, đặc biệt là thịt gia cầm.
Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi VN, lo lắng: “Nếu sắp tới giá lợn xuống dưới 50.000 đồng/kg, giá gà xuống 25.000 - 26.000 đồng/kg, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn trên 11.000 đồng/kg như hiện nay thì ngành chăn nuôi sớm muộn gì cũng sẽ bị xóa sổ”.
Chuyển hướng chăn nuôi
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần trong hội nghị tổ chức cuối tuần qua đề nghị các địa phương đẩy mạnh chuyển hướng chăn nuôi từ chiều rộng sang chiều sâu, không khuyến khích phát triển ồ ạt về số lượng đầu con, mà tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đối với các loại vật nuôi khác chỉ phát triển theo điều kiện của từng vùng sinh thái, từng địa phương và khả năng thị trường tiêu thụ... |
Theo Quang Thuần - Xuân Thức
Thanh Niên