1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thịt lợn, rau tăng giá bất thường vì đâu?

(Dân trí) - Bộ NN&PTNT đã có cuộc họp khẩn ngày 12/7 để bàn các biện pháp thão gỡ tình trạng giá thực phẩm tăng đột biến trong thời gian qua.

Chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định việc giá tăng đột biến có tác động tiêu cực, cần được tháo gỡ, xử lý để hài hòa lợi ích giữa nông dân và người tiêu dùng.
 
Nhìn từ hai phía, Bộ trưởng cho rằng việc giá một số mặt hàng thực phẩm tăng có lợi cho người trồng trọt, chăn nuôi, nhưng tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân và chỉ tiêu lạm phát.
 
Thịt lợn, rau tăng giá bất thường vì đâu? - 1
Giá thịt lợn tăng cao, gây sức ép lên mục tiêu kiềm chế lạm phát (ảnh TX)
 
Trong số các mặt hàng thực phẩm, tăng cao nhất là thịt và rau xanh. Theo Cục Chăn nuôi: tính bình quân chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2011 tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2010, nhưng trong đó giá thịt lợn tăng tới 70% so với tháng 12/2010, dẫn đầu trong các nhóm hàng; còn thịt gia cầm cũng tăng tới 40 - 60% tùy loại. Mức giá thịt gia súc, gia cầm ở Việt Nam nhìn chung cao hơn các nước lân cận.

Cục Chăn nuôi thừa nhận, giá thịt lợn trong nước có mức tăng bất thường. Nguyên nhân, theo Cục này, do chi phí đầu vào như thức ăn gia súc, giống... đều tăng mạnh, thêm vào đó chi phí đầu tư chăn nuôi bị hạn chế vì lãi suất ngân hàng quá cao. Theo Cục Chăn nuôi, chi phí đầu vào và lãi suất đã khiến nhiều hộ gia đình không dám nuôi lợn vì không có lãi, dẫn đến cung-cầu bị ảnh hưởng.

Ngoài vấn đề "nóng" giá thịt, rau xanh cũng tăng vọt giá, lập mặt bằng giá mới chỉ trong thời gian ngắn gần đây, cao hơn mức cũ từ 1.000 - 2.000 đồng/mớ. Theo Cục Trồng trọt, nguyên nhân là do cơn bão số 2 đã phá hoại diện tích trồng rau lớn ở một số địa phương, cộng với lượng rau, củ nhập khẩu từ Trung Quốc giảm khiến nguồn cung trên thị trường bị ảnh hưởng.

Nguồn cung thịt lợn giảm cũng ảnh hưởng tới xuất khẩu. Theo Cục Thú y, 6 tháng đầu năm 2011, lượng thịt lợn sữa xuất khẩu chính ngạch đi Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia chỉ đạt hơn 2.400 tấn, giảm 50% so với cùng kỳ 2010.

Trái với thông tin thương nhân Trung Quốc ráo riết tìm mua thịt lợn ngay trên thị trường Việt Nam, Cục Thú y cho biết số lợn xuất khẩu để giết thịt sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch khoảng 19.200 con, nhưng chủ yếu trong quý I, còn quý II lượng xuất giảm hẳn vì giá thịt ở 2 nước đã tương đương.

Trước thực trạng giá thực phẩm tăng bất thường và chưa có dấu hiệu dừng, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo các Cục Thú y và Chăn nuôi phải thường xuyên câp nhật giá cả ở tất cả các tỉnh thành. "Đề nghị cho tôi thông tin thật để kịp thời xử lý", Bộ trưởng nói.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Cao Đức Phát, thực phẩm tăng giá là vấn đề "nóng" của ngành nông nghiệp, việc ổn định cung cầu thị trường để kiềm chế giá là ưu tiên hàng đầu.

Về giải pháp cho thị trường thịt lợn, Bộ trưởng cho rằng trước mắt có thể áp dụng biện pháp tình thế là điều chuyển nguồn thịt từ phía Nam ra Bắc để điều hòa cung cầu. Quan trọng hơn, các địa phương cần tìm cách tăng nguồn cung, bằng cách đảm bảo nguồn cung giống, thức ăn chăn nuôi, xử lý dịch bệnh và ưu tiên phát triển đàn gia cầm vì nhanh cho thu hoạch, qua đó giảm nhiệt giá cả thị trường thịt nói chung.

Riêng với rau xanh, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương cần cập nhật thông tin thị trường tới người dân, điều chỉnh kế hoạch gieo trồng và bổ sung hạt giống để người dân đẩy mạnh trồng rau, sớm cho thu hoạch.

Thời gian qua, vấn đề giá thực phẩm tăng vọt được cho là có một phần nguyên nhân từ việc thương nhân Trung Quốc thu gom với số lượng lớn nông sản trong nước, khiến nguồn cung cho thị trường nội địa khan hiếm.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng cần nhìn nhận, nghiên cứu kỹ: nếu thương nhân nước ngoài kinh doanh đúng pháp luật thì họ được phép hoạt động bình thường; ngược lại nếu có dấu hiệu tranh mua nguyên liệu chế biến xuất khẩu thì cần kiểm tra, rà soát lại và nghiên cứu thêm về mức độ ảnh hưởng.

Hồng Kỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm