Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Mã nào giảm mạnh nhất?

Việt Đức

(Dân trí) - 23 trong số 27 mã cổ phiếu ngân hàng giảm giá tuần qua. Có 15 mã giảm dưới 10%, 8 mã giảm trên 10%. "Quán quân" giảm giá thuộc về EIB với mức giảm 26% chỉ trong 1 tuần.

Theo thống kê của Dân trí, có 23 trong số 27 cổ phiếu ngân hàng giảm giá tuần qua. Chỉ có 4 cổ phiếu ngân hàng ngược dòng gồm ACB tăng 3%, NVB (Ngân hàng NCB) tăng 4%, VCB (Vietcombank) tăng 5% và BID (BIDV) tăng 8%.

Trong 23 cổ phiếu ngân hàng giảm giá, có 15 mã có mức giảm dưới 10% và 8 mã còn lại giảm mạnh trên 10%. Trong số này, cổ phiếu EIB của Eximbank giảm sâu nhất khi mất giá 26% chỉ trong một tuần. 

Đóng cửa phiên 11/11, cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã có phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp, về mức 24.150 đồng/cổ phiếu. 

 

Đáng chú ý, đến cuối tháng 10, thị giá EIB vẫn tăng mạnh bất chấp ngành ngân hàng cũng như thị trường chứng khoán nói chung đi xuống. Vào ngày 27/10, thị giá EIB đạt đỉnh khi đóng cửa ở mức 42.000 đồng/cổ phiếu. Thời điểm đó, cổ phiếu của Eximbank đã tăng 30% chỉ sau 3 tuần và là cổ phiếu hiếm hoi trong ngành ngân hàng vẫn tăng giá so với hồi đầu năm nay.

Tuy nhiên, tình thế đã đảo ngược chỉ sau 2 tuần. Nếu so sánh trong một tháng gần đây, EIB cũng là cổ phiếu ngân hàng mất giá nhiều nhất khi đã giảm 35%.

Cổ phiếu EIB giảm nhanh và mạnh sau khi nhóm nhà đầu tư liên quan Tập đoàn Thành Công thoái vốn. Vào giữa tháng 10, nhóm Thành Công hoàn tất việc bán ra tổng cộng hơn 10% cổ phần ngân hàng. Tạm tính theo giá thị trường của cổ phiếu EIB ở thời điểm Thành Công thoái vốn, ước tính nhóm nhà đầu tư này thu về gần 5.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Mã nào giảm mạnh nhất? - 1

Biến động giá cổ phiếu EIB từ đầu năm (Ảnh: Tradingview).

Tập đoàn Thành Công là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, hoạt động trải dài trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp ô tô, bất động sản, thương mại. Trên thị trường ô tô trong nước, Thành Công là một trong những đơn vị chiếm thị phần bán hàng lớn trong vai trò liên doanh với thương hiệu Hyundai.

Sau khi việc thoái vốn của Thành Công hoàn tất, hai nhân sự do nhóm nhà đầu tư này đề cử cũng từ nhiệm khỏi vị trí thành viên HĐQT. Mới đây, Eximbank công bố chốt danh sách cổ đông để chuẩn bị cho phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên vào tháng 1 tới nhằm bầu thay thế thành viên HĐQT.

Với việc các giao dịch bán cổ phiếu EIB của nhóm Thành Công đều được thực hiện theo hình thức thỏa thuận, có thể thấy nhóm nhà đầu tư này đã tìm được đối tác để chuyển nhượng cổ phần Eximbank từ trước. Dù vậy, đến thời điểm này, chưa có nhà đầu tư nào chính thức công bố trở thành cổ đông lớn mới tại Eximbank.

Trao đổi với Dân trí, Tổng giám đốc Eximbank Trần Tấn Lộc cho rằng biến động giá cổ phiếu phụ thuộc vào thị trường còn kết quả kinh doanh của ngân hàng đang rất tốt, thể hiện qua số liệu 9 tháng đầu năm.

Trong quý III vừa qua, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt gần 1.300 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước và cao hơn mức lãi cả năm 2021. Sau 9 tháng, ngân hàng này đạt tổng lợi nhuận 3.181 tỷ đồng, vượt gần 30% so với kế hoạch kinh doanh cả năm đề ra trước đó.

Nếu xét trong một tháng gần nhất, dù thị trường chứng khoán lao dốc mạnh, vẫn có 12/27 cổ phiếu ngân hàng tăng giá, trong đó nhiều mã có mức hồi phục mạnh.

Đơn cử như BID (BIDV) tăng 26%, VCB (Vietcombank) tăng 22%, CTG (Vietinbank) tăng 19%, ACB tăng 19%, LPB (LienVietPostBank) tăng 13%, MSB tăng 11%, OCB - SSB (SeABank) cùng tăng 8%.

Ở chiều ngược lại, ngoài EIB, các mã ngân hàng giảm mạnh trong một tháng qua có KLB (Kienlongbank) giảm 22%, VAB (VietA Bank) giảm 13%, NVB (NCB) giảm 11%, BVB (VietCapital Bank) giảm 11%, ABB (ABBank) giảm 11%, VIB giảm 10%.