Thiếu điện vì thiếu thị trường cạnh tranh

Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói thiếu điện do các nhà máy điện đang xây dựng bị chậm, nhưng đó chỉ là lý do bên ngoài. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này chính là do thiếu cạnh tranh.

Việt Nam đã bắt đầu vào mùa mưa, lẽ ra vào thời điểm này tình trạng thiếu điện đã bớt căng thẳng, nhưng hiện nay tình hình còn tồi tệ hơn.

Ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), xác nhận trong những ngày giữa tháng 7 vừa qua, hệ thống điện của Việt Nam thiếu tới 2.000 - 2.500 MW công suất, mức thiếu hụt lớn nhất từ trước đến nay.

EVN đã nhận phần trách nhiệm trong việc không bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế, nhưng cũng cho rằng tình trạng thiếu điện gay gắt trong những ngày vừa qua là do các nhà máy điện của tập đoàn Dầu khí không được vận hành đúng tiến độ.

Tiến độ xây dựng các nhà máy điện bị chậm trễ không phải vấn đề mới. Từ năm 2005, Chính phủ đã bật đèn xanh cho EVN được bỏ qua các thủ tục rườm rà để thực hiện chỉ định thầu đối với một loạt dự án điện. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước khác cũng được khuyến khích tham gia đầu tư xây dựng nhà máy điện.

Giải pháp trên nhằm huy động thêm nguồn vốn cho ngành điện, đồng thời đẩy nhanh tốc độ phát triển nguồn điện mới để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhưng đến nay, chưa năm nào Việt Nam có đủ nguồn điện cần thiết, do vậy việc thiếu điện trong mùa khô là không tránh khỏi.

Có thể khẳng định, tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu trong ngành điện không phải tại thiếu vốn, cũng không hẳn do thủ tục hành chính rườm rà, mà chủ yếu là do thiếu môi trường cạnh tranh.

Để giải quyết tình trạng thiếu điện và tiến tới có nguồn dự phòng cho nhu cầu phát triển của nền kinh tế, giải pháp tốt nhất là xóa bỏ độc quyền trong khâu phân phối và tiến tới áp dụng cơ chế giá theo thị trường.

Chủ trương thu hút các doanh nghiệp ngoài EVN tham gia đầu tư nguồn điện đến nay chỉ thành công trong lĩnh vực thủy điện. Hiện cả nước có gần 200 dự án thủy điện do các doanh nghiệp trong nước làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, hầu hết chỉ là những dự án rất nhỏ, với công suất từ vài trăm kilowatt đến vài megawatt, trong khi xây dựng những nhà máy nhiệt điện công suất lớn mới là hướng giải quyết nhanh nhất cho vấn đề thiếu điện, lại không mấy được quan tâm.

Nếu không kể hai nhà máy điện Phú Mỹ 2 và 3, đến nay mới có tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) và tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV) đầu tư vào nhiệt điện. Còn các nhà đầu tư trong và ngoài nước khác thì vẫn đang do dự, mặc dù rất muốn bỏ ra hàng tỉ đô la Mỹ để xây những nhà máy điện công suất đến 2.000 - 3.000 MW.

Đến nay, xây dựng nhà máy điện không còn là lĩnh vực độc quyền và mọi thành phần kinh tế đều có thể tham gia. Tuy nhiên, nhà đầu tư lại chỉ có thể bán sản phẩm của mình cho EVN, đơn vị kiểm soát gần như toàn bộ mạng lưới truyền tải và phân phối. Đây là điểm mấu chốt làm hạn chế khả năng thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực phát triển nguồn điện.

Giá cả là trở ngại lớn nhất trong quá trình đàm phán các hợp đồng mua, bán điện giữa EVN và các nhà cung cấp. Lẽ đương nhiên, nhà đầu tư nào cũng muốn đạt được mức giá đủ bù đắp chi phí và có lãi, nhưng EVN lại không thể chấp nhận vì nó thường cao hơn giá điện mà EVN đang cung cấp cho khách hàng của mình.

Một khi vấn đề đầu ra cho sản phẩm chưa được giải quyết, chắc chắn chẳng ai dám bỏ ra số tiền khổng lồ để xây nhà máy điện.

Với sự can thiệp của Chính phủ, PetroVietnam và TKV đã ký được hợp đồng bán điện cho EVN với giá chấp nhận được với phía nhà đầu tư. Thế nhưng việc mua, bán cũng không vì thế mà suôn sẻ.

PetroVietnam cho rằng, lượng điện EVN mua thường không ổn định, nên không chủ động được kế hoạch sản xuất. Những lúc hệ thống bị thiếu hụt, EVN sẵn lòng mua hết sản lượng điện của PetroVietnam sản xuất. Ngược lại, khi nguồn thủy điện của EVN sản xuất nhiều lên, thì lại cắt giảm sản lượng mua.

Đối với EVN, sử dụng điện mua bên ngoài càng nhiều thì càng lỗ, nên việc giảm mua ngay khi có điều kiện là biện pháp đúng trong kinh doanh. Nhưng nó cũng khiến cho các doanh nghiệp muốn đầu tư nhà máy điện lo ngại.

Để giải quyết tình trạng thiếu điện và tiến tới có nguồn dự phòng cho nhu cầu phát triển của nền kinh tế, giải pháp tốt nhất là xóa bỏ độc quyền trong khâu phân phối và tiến tới áp dụng cơ chế giá theo thị trường.

Theo Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ hình thành thị trường điện lực tự do theo ba bước. Đầu tiên là thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh và sẽ triển khai rộng để hoàn chỉnh thị trường vào năm 2014. Bước kế tiếp là thí điểm thị trường bán buôn cạnh tranh trong hai năm 2015-2016 và hoàn thiện vào năm 2022. Việc bán lẻ điện theo cơ chế thị trường chỉ có thể bắt đầu hình thành sau năm 2022.

Thực tế cho thấy, lộ trình trên không có tính khả thi, vì chẳng ai dám bỏ ra một số tiền lớn xây nhà máy điện rồi sau đó mới đi cạnh tranh với nhà đầu tư khác để bán cho EVN. Muốn có thị trường điện cạnh tranh, trước hết phải có nhiều người mua. Do vậy, vấn đề Chính phủ cần xem xét là phá bỏ thế độc quyền của EVN trong khâu phân phối.

Giải pháp không phải không có. Nhiều năm trước, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã đề nghị nên tách EVN ra thành nhiều công ty độc lập, nhằm tạo ra nhiều công ty phân phối điện khác nhau. Đó cũng là cách tốt để hình thành thị trường điện cạnh tranh trong điều kiện các doanh nghiệp chưa thể đầu tư xây dựng mạng lưới phân phối riêng trong thời gian ngắn.

Đồng thời, Chính phủ cũng nên xây dựng lộ trình áp dụng giá điện theo thị trường, vì sẽ chẳng doanh nghiệp nào dám đầu tư vào một ngành để rồi phải bán sản phẩm theo giá thấp hơn giá thành. Trước mắt, có thể áp dụng sớm cơ chế giá thị trường đối với một số trung tâm đô thị lớn, là nơi người dân có thu nhập và mức sống cao hơn các vùng khác.

Nói tóm lại, chừng nào thị trường điện còn độc quyền, thì việc đầu tư phát triển nguồn điện sẽ còn khó khăn và điện còn thiếu dài dài.

Theo Tấn Đức
Thời báo Kinh tế Sài Gòn