1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thị trường Tết: Giá cả và sức mua đều tăng

Càng gần đến Tết, không khí mua sắm ở Hà Nội càng đông vui, hối hả. Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng đường phố tràn ngập hàng hoá phục vụ Tết. Sức mua tăng đột biến trong thời gian ngắn làm cho giá cả một số mặt hàng tươi sống trên thị trường bắt đầu "leo thang".

Sắm hàng Tết tại siêu thị

Một vài năm trở lại đây, sắm Tết tại các siêu thị, trung tâm thương mại đã trở thành một tập quán mới của các bà nội trợ Hà Nội. Hàng hoá phong phú, nhiều chủng loại, giá cả ổn định, được lựa chọn thoải mái khi mua hàng ở những địa chỉ mua sắm này đã tạo nên sức hút đối với khách hàng.

Chính vì vậy, mà trong một tuần giáp Tết, lượng khách đến mua sắm tại đây tăng gấp đôi so với ngày thường.

5 rưỡi chiều chủ nhật, ngày 23 tháng Chạp, siêu thị Fivimart Trần Quang Khải vẫn đông nghịt người mua hàng. Bãi gửi xe của siêu thị chật kín chỗ. Khách hàng phải khá vất vả mới gửi được đồ và kiếm được một chiếc giỏ đựng hàng.

Bên trong siêu thị, hàng hoá xếp cao đến sát trần, bày ngồn ngộn ở cả lối đi, khiến cho người mua hàng phải lách người mới đi qua được.

Theo chị Vũ Thị Hậu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam, ba siêu thị của công ty trên địa bàn Hà Nội đã chuẩn bị lượng hàng hoá tăng 20% so với Tết năm ngoái. Nếu như tuần trước mặt hàng tiêu thụ mạnh nhất tại các  siêu thị  là rượu và bánh kẹo bởi đây là nhóm hàng thường được dùng để làm quà biếu, thì tuần này, người dân chủ yếu sắm sửa các loại thực phẩm phục vụ bữa ăn ngày Tết.

Mặt hàng bán chạy nhất trong dịp này là giò chả, bánh chưng, thực phẩm đông lạnh, đồ khô và rau quả tươi.

Tại siêu thị lớn như Big C, Metro, không khí mua sắm còn nhộn nhịp hơn. Anh Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Big C cho biết: dịp cuối tuần vừa qua, mỗi ngày siêu thị đón tiếp 25 nghìn lượt khách hàng. Doanh số bán hàng đã tăng 100% so với trước đó một tuần.

Để chuẩn bị cho lượng hàng hóa tiêu thụ trong dịp Tết, từ trước tháng 11, tháng 12 năm ngoái, siêu thị  xây dựng lượng hàng Tết dựa trên kết quả kinh doanh Tết năm trước và sức mua của khách hàng, từ đó ký hợp đồng mua bán có tổng trị giá hơn 60 tỷ đồng với khoảng hơn 1.000 nhà sản xuất, cung ứng hơn 50.000 mặt hàng bán trong siêu thị.

Cho đến nay, phần lớn những mặt hàng này đã được tập kết tại kho. Một số mặt hàng thực phẩm, rau quả tươi sống, do không thể lưu kho lâu, cho nên siêu thị yêu cầu nhà cung cấp cam kết cung ứng hàng hóa đúng số lượng, chất lượng và giá cả như đã thỏa thuận. Chính vì vậy, hàng hóa bán tại Big C dịp Tết  năm nay khá phong phú về chủng loại, giá ổn định, thêm chí nhiều mặt hàng giảm giá để tăng cường bán ra.

Tuy nhiên, hiện nay vấn đề làm các siêu thị đau đầu nhất là tình trạng ùn tắc tại khu vực thanh toán và bãi gửi xe do quá tải. Những lúc đông khách, bãi xe đã hết chỗ, nhân viên trông giữ xe của siêu thị Fivimart Trần Quang Khải phải xếp xe máy của khách hàng dưới lòng đường.

Siêu thị Intimex huy động toàn bộ cán bộ, nhân viên văn phòng của công ty để tăng cường cho việc thanh toán. Big C và Metro cũng không ngoại lệ, dù toạ lạc ở những vị trí rộng tới hàng nghìn m2. Trước Tết siêu thị Big C đã gấp rút hoàn thành một bãi gửi xe mới rộng hơn 7000 m2. Trong tháng Tết, đơn vị đã tuyển thêm 100 nhân viên tăng cường cho bộ phận bán hàng và thu ngân. Siêu thị mở hết 39 quầy tính tiền, nhưng do lượng khách hàng quá đông và ai cũng mua nhiều nên đã xảy ra tình trạng ùn tắc vào những giờ cao điểm.

Giá hàng thực phẩm biến động

Đã thành thông lệ, cứ đến thời điểm sát Tết, do nhu cầu mua sắm của nhân dân tăng đột biến trong một thời gian ngắn, cho nên giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống lại tăng giá. Tết năm nay, do ảnh hưởng dịch cúm gia cầm nên giá các mặt hàng thực phẩm càng biến động mạnh.

Khảo sát tại một số chợ lớn trên địa bàn Hà Nội như chợ Hàng Bè, Hàng Da, Hôm-Đức Viên, Châu Long, chúng tôi nhận thấy giá thịt bò, thịt lợn, thuỷ hải sản đã tăng đáng kể. Các mặt hàng thịt lợn tăng 2.000-3.000 đồng/kg, cụ thể giá 1kg thịt thăn lợn hiện nay là 50.000 đồng, thịt mông sấn là 40.000 đồng, sườn thăn 35.000 đồng.

Thịt bò tăng nhiều hơn thịt lợn, tăng 10.000 đồng/kg. Giá thịt thăn và thịt mông bò từ 100 nghìn đồng đến 120 nghìn đồng/kg, thịt bắp bò 80.000 đồng. Giá các mặt hàng thịt lợn, thịt bò tăng khiến cho giá các mặt hàng chế biến từ thịt cũng tăng. Mức giá phổ biến 1kg giò bò, giò lụa hiện nay là 70.000 đồng/kg, tăng 10.000đồng/kg so với trước đây.

Giá các loại thuỷ, hải sản cũng tăng nhiều, nhất là giá các loại tôm. So với trước đây, tôm to tăng khoảng 20.000-30.000 đồng/kg. Hiện nay, tôm sú to loại 33 con/kg có giá khoảng 180.000 đồng/kg. Chị Tú Anh, bán hàng ở chợ Châu Long cho biết: giá các loại cá tăng 4.000-5.000 đồng/kg do các chủ hàng tăng giá bán buôn.

Chị Hằng-một khách hàng ở quận Ba Đình cho biết: Vừa tuần trước giá 1kg cá chép (loại 1kg/con) là 30.000 đồng, mà hiện nay đã tăng lên đến 35.000 đồng. Cá quả to có giá tới 60.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã qua kiểm dịch, được bày bán tại các siêu thị lại khá ổn định. Giá gà ta của Công ty Việt Thái bán tại Big C là 65 nghìn đồng/kg. Gà Tam Hoàng của Công ty Cổ phần Phúc Thịnh là 38 nghìn đồng/kg. Trứng gà của Phúc Thịnh có giá 14 nghìn đồng/chục.

Theo Kiều Hương
Báo Nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm