Thị trường OTC sẽ hoạt động ra sao?

Có sự ngộ nhận ở khá nhiều người trong xã hội, kể cả người ở cơ quan quản lý và một số phương tiện thông tin đại chúng, về thị trường OTC khi đề cập đến các giao dịch mua bán cổ phiếu bên ngoài sàn giao dịch chứng khoán chính thức hiện nay.

Phát biểu tại diễn đàn “Doanh nghiệp và chứng khoán” do Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức vào cuối tuần qua, cả ông Bùi Nguyên Hoàn, Trưởng đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TPHCM, lẫn ông Nguyễn Hồ Nam, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS), đều khẳng định rằng hiện trong nước chưa hình thành thị trường OTC mà chỉ dự kiến tổ chức thị trường này trong thời gian tới.

 

Theo ông Hoàn và ông Nam, thị trường mà nhiều người đang gán cho nó cái tên là OTC thực chất gọi theo quốc tế là thị trường xám, “grey market”, là thị trường tự do - nơi mua bán cổ phiếu trao tay. Giao dịch ở thị trường này thường là ở quán cà phê, chẳng hạn ở TPHCM, trước đây thường tập hợp ở các quán cà phê quanh Công trường Hồ Con Rùa và hiện nay có thêm các quán cà phê chung quanh khu vực ngân hàng, công ty chứng khoán trên đường Nguyễn Công Trứ, quận 1, TPHCM... Sở dĩ gọi thị trường xám vì tính chất rủi ro trên thị trường khá cao, mức độ an toàn trong giao dịch thấp (do cổ phiếu giả, giao dịch tiền mặt lớn thông qua nhà môi giới tự do...), khách hàng còn bị rủi ro về giá do không có thông tin thị trường tại thời điểm giao dịch.

 

Trong khi đó, đúng nghĩa của thị trường OTC (over the counter), tức thị trường giao dịch phi tập trung, là thị trường giao dịch mua bán cổ phiếu chưa đủ điều kiện niêm yết trên thị trường giao dịch tập trung hiện nay nhưng vẫn được tổ chức quy củ, có sự giám sát, quản lý của các cơ quan chức năng. Hiện tại đã có các quy định về công ty cổ phần đại chúng và các công ty này chịu sự chi phối bởi Luật Chứng khoán cũng như chịu sự quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo ông Nguyễn Hồ Nam, sắp tới giao dịch mua bán cổ phiếu của các công ty cổ phần đại chúng chưa niêm yết sẽ phải thực hiện trên thị trường OTC.

 

Theo ông Nam, với mô hình tổ chức thị trường OTC sắp tới, các công ty cổ phần đại chúng sẽ phải lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán; giao dịch mua bán các cổ phiếu này sẽ được thực hiện tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Nhà đầu tư phải mở tài khoản giao dịch tại công ty chứng khoán (tài khoản mới hoặc sử dụng chung tài khoản giao dịch chứng khoán niêm yết), phải ký quỹ 100% tiền hoặc cổ phiếu khi giao dịch mua bán, phương thức giao dịch thỏa thuận, ngày thanh toán T+3, thời gian khớp lệnh trên hệ thống từ 10 giờ đến 15 giờ/ngày làm việc. Về thực hiện đặt lệnh, ông Nam cho biết sẽ không có giá tham chiếu, không có biên độ giao dịch, vẫn theo nguyên tắc khớp lệnh ưu tiên về giá và ưu tiên về thời gian (trong trường hợp các lệnh mua hoặc lệnh bán có cùng mức giá). Nhà đầu tư được phép mua và bán cùng một loại chứng khoán trong cùng một ngày giao dịch.

 

Cũng theo ông Nam, với các đặc điểm nêu trên của thị trường OTC sắp tới, tính thanh khoản của cổ phiếu sẽ cao, mức độ an toàn trong giao dịch lớn, nhà đầu tư được tham vấn về thông tin của cổ phiếu cũng như giá cả thị trường của cổ phiếu đó.

Theo Lê Triết
TBKTSG