Thị trường máy bay tư nhân Trung Quốc sắp vượt Mỹ
(Dân trí) - Với quy mô tầng lớp trung lưu đông đảo và không ngừng tăng cộng với việc chính phủ dần bỏ lệnh cấm đối với không lưu có độ cao thấp, thị trường máy bay tư nhân Trung Quốc được dự báo sẽ qua mặt Mỹ trong thập kỷ tới.
Đây là dự báo được các chuyên gia trong ngành này đưa ra. Dù vậy cũng cần phải có những sự phát triển bùng nổ mới có thể biến điều này thành sự thật. Trả lời tờ Economic Information Daily, Xu Yuhai, một người trong ngành cho biết hiện Trung Quốc mới có 150 máy bay tư nhân trong khi con số này ở Mỹ là 200.000.
Một khảo sát thị trường cho thấy, Trung Quốc đại lục có 875.000 triệu phú và 60.000 tỷ phú. Một phần sáu trong số họ có dự định mua máy bay riêng. Dựa trên số liệu khảo sát này, rõ ràng thị trường máy bay Trung Quốc đang có khoảng 155.800 khách hàng tiềm năng.
Và chỉ cần 5% trong số 60.000 tỷ phú mua một phi cơ hoặc máy bay trực thăng, doanh số đem lại cũng lên tới 150 tỷ nhân dân tệ, tương đương 24 tỷ USD, chưa kể chi phí bảo dưỡng, vận hành và tiêu thụ nhiên liệu.
Hiện Bắc Kinh đang trong tiến trình nới lỏng lệnh cấm sử dụng không phận ở độ cao thấp trên toàn quốc. Phát biểu tại triển lãm hàng không Zhuhai hồi tháng 11/2012, ông Ma Xin, một quan chức của cơ quan quản lý giao thông hàng không quốc gia khẳng định lệnh cấm sẽ được nới lỏng từ 2013.
Trước đó, năm 2010, Trung Quốc đã ban hành những hướng dẫn liên quan đến việc tiếp tục cải cách việc quản lý không phận ở độ cao thấp, trong đó chỉ rõ mục tiêu của cải cách này cũng như việc phân chia các không phận ở độ cao thấp thành 3 giai đoạn trong thập kỷ tới. Đây được xem như một động thái giúp kích thích nhu cầu máy bay tư nhân.
Máy bay – đồ chơi mới của giới siêu giàu
Zhai Jiahua, chủ tịch của China Stem Cell Health Group là doanh nhân đầu tiên mua máy bay riêng. Đến giờ ông đã có 2 chiếc phản lực Bombardier. Phát biểu trước báo giới ông cho biết mỗi năm máy bay của ông bay từ 400 – 500 giờ và tiêu tốn ít nhất 30 triệu nhân dân tệ (khoảng 4,8 triệu USD).
Dù vậy mức chi phí này chẳng khiến giới siêu giàu Trung Quốc e ngại. Xiong Wei, con trai của một gia đình giàu có cho biết: “Không ít bạn của tôi đã hoặc đang chuẩn bị mua máy bay riêng. Gia đình tôi kinh doanh bất động sản và xe hơi và cũng rất quan tâm tới thị trường máy bay tư nhân cũng như trở thành thành viên của một CLB những người sở hữu máy bay ở Bắc Kinh”.
Một doanh nhân giấu tên khác khẳng định: “Việc sở hữu máy bay không chỉ giúp tiết kiệm thời gian di chuyển mà còn đem lại lợi thế cho bạn khi bàn chuyện làm ăn”. Theo khảo sát của một tổ chức quốc tế, hiện máy bay riêng chính là phương tiện di chuyển chính của các doanh nhân hàng đầu khi đi công tác. Do đó thật dễ hiểu nếu giới siêu giàu Trung Quốc xem máy bay là một thứ đồ chơi mới để cho thấy mình giàu có ra sao.
Không dễ để sở hữu một chiếc máy bay
Dù vậy một trở ngại mà thị trường máy bay tư nhân Trung Quốc còn cần vượt qua đó là khó khăn trong việc sở hữu máy bay ngay cả khi tiền bạc không phải vấn đề.
“Có 3 kênh để mỗi người lựa chọn khi mua máy bay: đặt hàng trực tiếp từ nhà sản xuất, mua máy bay mới qua một đại lý lớn hoặc mua một chiếc đã qua sử dụng”, Liao Xuefeng, CEO của công ty China Business Aviation Group khẳng định với Economic Information Daily.
Nhưng theo ông Liao, người mua vẫn phải qua ít nhất 5 bước để có được chiếc máy bay mình muốn. Trước hết họ cần phải thuê một công ty chuyên nghiệp để nghiên cứu xem chiếc máy bay sẽ được sử dụng ra sao, ví dụ như cự ly bay, chi phí vận hành…để xác định tính khả thi về mặt kinh tế. Công ty này sau đó sẽ đề xuất một thương hiệu và mẫu máy bay tương ứng.
Tiếp đó công ty này sẽ tìm kiếm mẫu máy bay đó trên các thị trường khác nhau, cân nhắc thời gian giao hàng và giá cả. Bước thứ ba sẽ là ký thỏa thuận mua bán và xin phê chuẩn từ cơ quan chức năng để có thể tiến hành mua bán.
Bước thứ tư là giám sát việc lắp đặt thiết bị và trang trí bên trong. Và cuối cùng là phải mất từ 4 – 8 tháng để nhận được giấy phép bay từ Cơ quan quản lý hàng không dân dụng và các giấy tờ liên quan khác.
Thanh Tùng
Tổng hợp