1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thị trường "đóng băng", doanh nghiệp BĐS vẫn trong Top tăng trưởng nhanh

(Dân trí) - Thống kê Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất giai đoạn 2009 - 2012 (FAST 500 - 2013) cho thấy, mặc dù thị trường bất động sản đóng băng, nhưng doanh nghiệp thuộc ngành này vẫn trong top tăng trưởng nhanh nhất.

Bất động sản vẫn là một trong những nhóm ngành tăng trưởng mạnh.

Bất động sản vẫn là một trong những nhóm ngành tăng trưởng mạnh.

Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam - Vietnam Report vừa công bố Bảng xếp hạng FAST 500 năm 2013 - Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Đây là năm thứ tư liên tiếp, Bảng xếp hạng FAST500 chính thức được công bố tại Việt Nam.
 
Thứ hạng các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng FAST500 được sắp xếp theo tiêu chí tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu giai đoạn 2009 -2012, có tính đến các các tiêu chí như tổng tài sản, tổng số lao động, lợi nhuận sau thuế, uy tín doanh nghiệp trên truyền thông... như những yếu tố tham khảo trong quá trình xếp hạng doanh nghiệp.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng CAGR bình quân Top 10 của 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2013 ở mức 129,5%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng CAGR bình quân Top 10 của 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2013 đạt 88,3%.

Đơn vị xếp hạng cho biết, tốc độ tăng trưởng CAGR trung bình của 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam trong giai đoạn 2009 – 2012 đạt 44,7%, thấp hơn nhiều so với mức 62,2% của các doanh nghiệp FAST500 trong giai đoạn 2008 – 2011. 

Đây là năm tốc độ tăng trưởng CAGR trung bình của các doanh nghiệp FAST500 đạt mức thấp nhất trong 4 năm công bố vừa qua. Xét riêng Top 5 của BXH, CAGR trung bình năm nay đạt trên 158%, trong khi con số tương ứng của BXH năm trước là 374% cho thấy sức ảnh hưởng “dài hơi” của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu từ năm 2009 tới hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam. 

Trong số 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2013 phần đông là các doanh nghiệp tư nhân, đồng thời cũng là khối doanh nghiệp có chỉ số CAGR cao nhất.

Theo thống kê từ Bảng xếp hạng FAST500, số doanh nghiệp tư nhân lọt vào bảng chiếm tới trên 65%, nhiều hơn gấp đôi so với khối doanh nghiệp Nhà nước. Bên cạnh đó, CAGR trung bình của khối tư nhân cũng cao hơn hẳn so với khối doanh nghiệp FDI, và doanh nghiệp Nhà nước (DN tư nhân: 50,3%, DN FDI: 43,8%, DN Nhà nước: 38,9%). 

"Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy xét về mức độ năng động thì khối tư nhân vẫn là ngọn cờ tiên phong của toàn nền kinh tế", Vietnam Report nhận xét.

Nhóm ngành có doanh nghiệp tăng trưởng nhanh giai đoạn 2009-2012.

Nhóm ngành có doanh nghiệp tăng trưởng nhanh giai đoạn 2009-2012.

Trong khi đó, danh sách 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2013 cũng là những điển hình của khối doanh nghiệp tư nhân với tỷ lệ số doanh nghiệp áp đảo đến hơn 70%.

Xét về ngành nghề, ngành thực phẩm, đồ uống là ngành có đông doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất (18%), tiếp sau là ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và bất động sản (16%), ngành khoáng sản, xăng dầu (9%), ngành tài chính (8%), ngành hóa chất (7%). 

Tuy nhiên xét về tốc độ tăng trưởng CAGR bình quân ngành thì thủy sản lại là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất (trên 65,1%), thay thế vị trí của ngành cơ khí trong BXH năm ngoái. Theo sau ngành thủy sản là ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản (59,2%) và ngành vận tải (58,6%). 

Như vậy, mặc dù có sự “soán ngôi” tài tình về số lượng của ngành thực phẩm, đồ uống, song là ngành “tăng trưởng nóng”, bất động sản vẫn tiếp tục ghi dấu của mình trong BXH FAST500 năm nay. 

Khảo sát về triển vọng kinh tế và kinh doanh trong năm 2014 với đối tượng chính là đại diện của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, kết quả cho thấy, với kết quả kinh doanh năm 2013 tốt hơn so với năm 2012 (xấp xỉ 86% đại diện tham gia khảo sát cho biết, doanh thu năm 2013 của doanh nghiệp mình cao hơn so với năm 2012) thì phần đông các doanh nghiệp Việt đều đặt kỳ vọng, 2014 sẽ là năm chấm dứt giai đoạn khó khăn kéo dài và bắt đầu cho thời kỳ tăng trưởng mới. Gần 88% đại diện tham gia khảo sát dự báo, kinh doanh năm 2014 sẽ tốt hơn hoặc bằng so với năm 2013. 

Nguyên nhân chủ yếu của sự thay đổi tâm lý của giới kinh doanh này một phần do những dự báo về sự ấm lên của kinh tế toàn cầu mới đây được công bố (Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cùng công bố báo cáo lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2014). Phần khác do kinh tế trong nước về cơ bản được điều hành ổn định (Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2013 là chỉ số lạm phát thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, đạt 6,04%, GDP ước tăng trưởng 5,42%, cao hơn mức tăng 5,25% của 2012...). 
 
Bích Diệp
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước