1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thị trường Đông Âu rất tiềm năng nhưng đang bị “bỏ quên”?

(Dân trí) - Cơ hội và dư địa cho tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và Đông Âu là rất lớn. Tuy nhiên, trong năm 2018, tổng kim ngạch thương mại giữa hai bên chỉ đạt 10,1 tỷ USD, tức chỉ chiếm 2,65% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Thị trường Đông Âu rất tiềm năng nhưng đang bị “bỏ quên”? - 1
Ngoài lúa gạo thì nhiều sản phẩm nông nghiệp khác của Việt Nam cũng đang có cơ hội rất lớn tại thị trường Đông Âu.

Người tiêu dùng Đông Âu không biết đến hàng Việt

Trong chương trình Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Đông Âu do Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức, nhiều diễn giả cho rằng, thị trường Đông Âu luôn là thị trường quan trọng và truyền thống của Việt Nam trong suốt 70 năm qua. Hàng chục ngàn cán bộ, kỹ sư Việt Nam đã được đào tạo tại các nước Đông Âu và nhiều người trong số đó đang giữ những cương vị trọng trách trong bộ máy Nhà nước, kinh tế và xã hội Việt Nam.

Ông Dmirtriy Makarov, Cơ quan Đại diện Thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam cho biết, Việt Nam chính là đối tác thương mại lớn nhất của Nga tại khu vực ASEAN. Nga xuất khẩu than, lúa mì, xăng dầu…sang Việt Nam và nhập khẩu điện thoại, máy tính, da giày, may mặc từ Việt Nam về Nga. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp của Nga cũng đang chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc qua Việt Nam do có nhiều điều kiện ưu đãi.

“Nhiều thương hiệu da giày, may mặc nổi tiếng tại Việt Nam vẫn chưa được người tiêu dùng Nga biết đến dù chất lượng sản phẩm rất tốt, không thua kém gì hàng Châu Âu. Chính vì vậy, các thương hiệu Việt cần nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng và quảng bá sản phẩm tốt hơn nữa, bởi người Nga trước khi mua một món hàng nào đó thì họ đều nghiên cứu, so sánh giá cả rất kỹ và không mua hàng “no name”, ông Dmirtriy Makarov nói.

Cũng theo ông Dmirtriy Makarov, các sản phẩm da giày, may mặc của Việt Nam vào thị trường Nga cũng cần phải được sản xuất phù hợp với thể trạng và kích cỡ của người Nga để có sức tiêu thụ tốt hơn.

Thị trường Đông Âu rất tiềm năng nhưng đang bị “bỏ quên”? - 2
Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Đông Âu do Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức đã thu hút hàng trăm đại biểu, khách mời và nhiều doanh nghiệp tham gia.

Thị trường tiềm năng nhưng khai thác “nhỏ giọt”

Ông Bruno Hromy, Tham tán Thương mại Slovakia tại Việt Nam chia sẻ, Slovakia và Việt Nam có điểm tương đồng là ngành nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo và hai quốc gia đều chịu sự ảnh hưởng lớn từ thị trường Trung Quốc.

Slovakia đang khan hiếm nguồn lao động, trong khi Việt Nam lại là đất nước có nguồn lao động lành nghề, kỹ năng tốt. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước và trên thực tế thì nhiều lao động Việt Nam đã sang Slovakia làm việc. Slovakia cũng đang nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Việt Nam như cà phê, trà, bún, miến…Tuy nhiên, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước vẫn còn rất thấp, chỉ đạt khoảng 1,1 triệu USD trong năm 2018.

Thị trường Đông Âu rất tiềm năng nhưng đang bị “bỏ quên”? - 3

Cá tra cũng là một trong những mặt hàng có cơ hội lớn tại thị trường Đông Âu.

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thì nhiều địa phương ở Việt Nam đang có cơ hội rất lớn với thị trường Đông Âu. Điển hình như tại tỉnh Đồng Tháp, trong năm 2018, địa phương này đã xuất khẩu hàng hóa qua Đông Âu với trị giá khoảng 27 triệu USD. Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất “khiêm tốn”.

“Chúng tôi có nhiều mặt hàng chủ lực như lúa gạo, cá tra, xoài, hoa kiểng. Những sản phẩm này hoàn toàn đủ sức cạnh tranh ở các thị trường khó tính. Và minh chứng cho điều này chính là việc chúng tôi đã có lô xoài đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đồng Tháp luôn dang tay chào đón các nhà đầu tư từ Đông Âu. Chính quyền địa phương sẽ hết sức tạo điều kiện cho nhà đầu tư nếu họ tham gia vào các lĩnh vực mà địa phương khuyến khích phát triển, thân thiện môi trường”, ông Phạm Thiện Nghĩa nói.

Thị trường Đông Âu rất tiềm năng nhưng đang bị “bỏ quên”? - 4
Các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu và quảng bá sản phẩm tại sự kiện.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định, 8 quốc gia tại Đông Âu đã gia nhập Liên minh Châu Âu đang đóng góp vô cùng quan trọng trong tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với khối EU. Đặc biệt, Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do EVFTA và đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để tiến tới ký kết và phê chuẩn trong thời gian tới.

Trong tương lai, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với Liên minh Châu Âu và Liên minh kinh tế Á – Âu sẽ góp phần quan trọng trong việc xóa bỏ các rào cản thương mại, thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam với các nước Châu Âu nói chung và khu vực Đông Âu nói riêng.

“Các khuôn khổ pháp lý này sẽ tăng cường hơn nữa cơ hội xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ giữa Việt Nam và các nước khu vực Đông Âu, đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, rau quả tươi, hàng điện tử, dệt may, da giày”, Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ.

Cũng theo vị thứ trưởng, các hiệp định thương mại tự do sẽ hỗ trợ Việt Nam tận dụng các lợi thế từ các chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi các hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường. Từ đó nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động.

Thị trường Đông Âu rất tiềm năng nhưng đang bị “bỏ quên”? - 5
Các diễn giả trao đổi kinh nghiệm kinh doanh, phát triển thị trường với các nước khu vực Đông Âu.

Ông Hoàng Quốc Vượng cũng cho rằng, Việt Nam và Đông Âu còn rất nhiều cơ hội và dư địa lớn để tăng trưởng thương mại. Bởi ngoài nền tảng truyền thống quan hệ lâu dài thì hai bên còn có những cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ hết sức năng động, nhiều nét tương đồng và bổ trợ lẫn nhau.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2018, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước Đông Âu chỉ đạt 10,1 tỷ USD, tức chỉ chiếm 2,65% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và hoàn toàn chưa xứng đáng với tiềm năng hợp tác giữa các bên.

Đại Việt