Thị trường điện cạnh tranh: Có thoát khỏi độc quyền?

(Dân trí) - Đề án Thành lập Công ty CP Mua-bán điện đã chính thức được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra lấy ý kiến ngày 23/5. Theo đó, khi đi vào hoạt động công ty này sẽ thay EVN mua, bán điện cũng như thực hiện cả chức năng xuất nhập khẩu điện.

Ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị EVN đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh đề án này.

Thưa ông, vì sao phải thành lập Công ty CP Mua-bán điện trong giai đoạn hiện nay?

Luật Điện lực quy định thị trường điện lực nước ta sẽ phát triển theo 3 cấp độ là: thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Theo Quyết định 26/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm thực chất là thị trường chỉ có một công ty mua buôn duy nhất trên thị trường.

Do vậy, một trong những điều kiện tiên quyết để hình thành thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm giữa các nhà máy điện thuộc EVN trong giai đoạn 2005-2008 cần thiết phải thành lập Công ty CP Mua-bán điện trực thuộc EVN, làm nhiệm vụ mua buôn điện từ tất cả các nhà máy điện thuộc EVN tham gia thị trường điện.

Trong điều kiện hiện nay, việc Công ty CP Mua-bán điện được thành lập sẽ góp phần làm minh bạch hóa các chi phí sản xuất điện. Việc công ty hạch toán doanh thu, chi phí riêng trong hoạt động kinh doanh mua bán điện sẽ tạo cơ sở để xác định rõ chi phí giữa các khâu phát điện, truyền tải và phân phối.

Việc ra đời Công ty CP Mua-bán điện có ảnh hưởng đến việc chào bán giá cạnh tranh trong nội bộ ngành điện như thế nào, thưa ông?

Việc chào giá trong nội bộ EVN là quá trình chúng tôi chuẩn bị cho thị trường điện cạnh tranh trong tương lai. Đây không phải là việc một sớm một chiều nay hay mai mà EVN đã chuẩn bị từ năm 2005 đến nay.

Do đó, việc thực hiện giá bán điện nội bộ cạnh tranh giữa các nhà máy điện là quá trình tập dượt để có thể triển khai ra thị trường chính thức được. Đây là bước đi hết sức cần thiết.

Theo đề án, đến năm 2014 giá điện cạnh tranh mới chính thức được thực hiện. Vậy làm sao để đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho ngành điện từ nay đến năm 2014, thưa ông?

Theo Quyết định 26 và ý kiến chỉ đạo gần đây nhất, dự kiến hết năm 2009 giá điện từng bước sẽ được thực hiện theo giá thị trường. Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định kế hoạch đầu tư từ 2007 đến năm 2015, dự kiến đến năm 2025 của ngành điện. Những việc cụ thể sẽ giao cho từng đơn vị, trong đó có EVN đảm nhiệm hơn 50% quy mô đầu tư.

Lượng vốn đầu tư hàng năm cho ngành điện cần rất lớn, nhưng như ông từng khẳng định, ngành điện không lỗ nhưng lãi không nhiều, chỉ từ 1- 2%/năm. Vậy làm thế nào để EVN thu hút vốn đầu tư cho ngành điện trong thời gian tới?

Hiện nay tỷ suất lợi nhuận để kinh doanh điện rất thấp. Các nhà đầu tư cũng sẽ phải cân đối lợi nhuận dựa trên hiệu quả lâu dài. Người ta cũng nhìn nhận giá điện không thể như thế này được.

Theo phát biểu của một số lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, giá điện sẽ được giải quyết theo nguyên tắc thị trường, tức là đảm bảo lợi ích người bán và người mua. Các nhà đầu tư sẽ nhìn vào lợi ích lâu dài đó để đầu tư.

Có ý kiến cho rằng, EVN hiện còn chưa đủ nguồn điện nói gì đến cạnh tranh chào giá. Ý kiến của ông?

Tôi thì nghĩ ngược lại. Hiện nay, tất cả các mặt hàng tại Việt Nam đều phải tuân theo thị trường. Không có sản phẩm nào trên thị trường mà chúng ta nói là thừa. Không có một nhà tư bản nào nói tôi đầu tư để sản phẩm làm ra thừa. Đối với nhà máy điện cũng như vậy.

Không một nhà tư bản nào nói tôi đầu tư cho anh để rồi thừa từ 20- 30%. Nhưng cái thừa đó được giải quyết trong tương đối. Ví dụ nước Mỹ có lúc thừa cũng có lúc thiếu điện và phải mua điện từ Canada, Mehico. Quy luật thị trường là vậy. Nó điều tiết theo chính sách giá chứ không phải cứ mình nhìn thấy thừa tức là nó thừa.

Hiện cũng còn tồn tại những lãng phí trong tiêu thụ điện. Khoảng 12h đêm những ngọn đèn thắp sáng rất lãng phí. Chúng ta đang đốt tiền của đất nước. Tự nhiên một đường phố mà phải thắp đến 5- 6 dãy đèn, trong khi chỉ cần một dãy đã đủ sáng và thậm chí nên tắt đi 50% (cứ một bóng tắt một bóng sáng vẫn đủ).

Nhưng vì giá điện thấp thế này nên người ta không quan tâm. Còn nếu giá điện cao hơn, ngay trong gia đình khi người ta thấy giá điện làm túi tiền không cân đối được sẽ phải có ý thức tiết kiệm điện. Còn thấy giá điện hiện nay rẻ quá thì cứ thắp thôi.

Công ty cổ phần này ra đời dưới sức ép về lợi nhuận của các cổ đông tham gia góp vốn sẽ ảnh hưởng đến giá điện trên thị trường trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Đây không phải là công ty trung gian mà ra đời do nhu cầu phát triển tất yếu của thị trường. Công ty này ra đời là bước tiền lớn. Các quốc gia muốn có thị trường điện đều phải có công ty mua- bán điện.

Toàn bộ những việc EVN làm trước đây sẽ chuyển giao cho công ty này làm. Nếu đó là chi phí hợp lý của EVN chuyển sang sẽ là chi phí hợp lý của công ty. Để công ty này ra đời như tôi nói cần đủ 3 yếu tố: cơ sở hạ tầng, hệ thống điều hành, hệ thống phát luật chuẩn mực đảm bảo tính cạnh tranh của các công ty, nguồn nhân lực đủ trình độ để tiếp thu được.

Trên thế giới, việc ra đời công ty bán lẻ điện cạnh tranh là bước tiến hoá cao nhất hiện nay của điện lực, nhưng không phải quốc gia nào cũng làm được. Chỉ có một số nước: Anh, Mỹ, các nước Bắc Âu đã làm được vì đòi hỏi yêu cầu điều hành kỹ thuật cao.

Nếu anh mua - bán chồng chéo dẫn tới trào lưu, công suất chạy sẽ không ổn định theo phân bố, cứ thấy ông nào giá rẻ mua ào sẽ dẫn đến gây quá tải một đường truyền tải nào đó hoặc gây ùn tắc ở trạm biến áp cấp điện áp thấp.

Trong thời gian tới, khi công ty này đi vào hoạt động, giá điện mà người tiêu dùng sẽ phải mua liệu có tăng, giảm theo từng giờ hoặc theo từng ngày không?

Thị trường điện phát điện cạnh tranh rồi sẽ hoạt động gần giống như thị trường chứng khoán, các công ty phát điện sẽ chào giá liên tục và Công ty Mua - bán điện sẽ chọn mua điện của những công ty phát điện có giá cạnh tranh nhất. Hiện trên thế giới đã có một số nước đạt đến mức độ này.

Do đó, khi Công ty CP Mua-bán điện đi vào hoạt động, chủ yếu chỉ tạo ra sự cạnh tranh giữa các nhà máy điện với nhau; còn ra đến công ty phân phối người ta sẽ bán những hợp đồng ổn định như hiện nay, kênh phân phối chưa có biến động gì.

Xin cám ơn ông!

Công ty CP Mua-bán điện được hình thành bởi 8 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, với số vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng. Ngoài EVN nắm 51% vốn điều lệ, 7 cổ đông sáng lập khác gồm: Tập đoàn Dầu khí VN, Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản VN, Tổng công ty Sông Đà, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Tổng công ty lắp máy VN, Tổng công ty Xi măng VN và Tổng công ty Thép VN sẽ nắm giữa 49%.

Công ty Mua bán điện tổng hợp nhu cầu chung của toàn hệ thống và các chi phí đầu vào mua điện, tính toán sản lượng bán (được phân bổ theo giờ cao thấp điểm) và các mức giá trong từng tháng với các công ty điện lực để đạt mức lợi nhuận hợp lý trong cả năm.

Khi thành lập (dự kiến trong năm 2007 này), công ty sẽ mua điện từ 34 nhà máy và bán điện cho 11 công ty phân phối điện. Sản lượng điện mua năm 2007 là 64,71 tỉ kWh, năm 2008 là 76,47 kWh, năm 2009 là 87,63 kWh, năm 2010 là 99,97 tỉ kWh.

Nguyễn Hiền (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm