Thị trường chứng khoán: Lại chờ thời cơ
Trong khi bên ngoài “sàn”, hàng loạt công ty cổ phần đang rục rịch chuẩn bị thủ tục để sớm tham gia niêm yết, thì trên “sàn” giá cổ phiếu đang giảm từng ngày trước sự thất vọng của không ít nhà đầu tư. Cần phải làm gì để duy trì sức mua của thị trường, không quá “nóng” nhưng cũng không quá “lạnh”?
Quy mô tăng nhưng “tầm” chưa đến
Mặc dù các cơ quan quản lý cho biết đã cố gắng hết sức nhằm tăng hàng cho thị trường chứng khoán (TTCK), nhưng trong giai đoạn nóng sốt 3 tháng qua chỉ mới có duy nhất CII được niêm yết.
Điều này thể hiện sự bị động của chính Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), mục tiêu 100 doanh nghiệp niêm yết trong năm 2006 được đặt ra từ khá lâu nhưng 5 tháng đầu năm nay chỉ có 3 cổ phiếu mới trên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM.
Một khoảng cách quá xa giữa mục tiêu và thực tế. Giờ đây khi UBCKNN, Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM hào hứng nói về mức vốn huy động của TTCK đến năm 2010 sẽ đạt 10% - 15% GDP, nghĩa là họ tin vào những doanh nghiệp “ngàn tỷ” như Vinamilk, Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Phả Lại, Sacombank, Bảo Minh và những “ẩn số tương lai” như FPT, ACB, Vietcombank, BIDV, VinaPhone, MobiFone...
Tuy nhiên, với mức độ giao dịch như hiện nay, khi “nóng” có thể khớp lệnh 300 tỷ đồng, khi “lạnh” chỉ đạt 43 tỷ đồng như phiên giao dịch ngày 29/5 vừa qua, thì thị trường sẽ ra sao trước áp lực vốn lớn? Ngay như mô hình sàn giao dịch hiện nay vẫn có nhiều vấn đề, khớp lệnh định kỳ, đại diện giao dịch tại sàn phải nhập lệnh bằng tay khiến các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp cũng lắc đầu.
Quy mô thị trường đã tăng, tăng rất nhiều. Nếu tính cả sàn Hà Nội thì hiện nay tổng quy mô vốn của các công ty niêm yết tại 2 sàn đã đạt hơn 9.150 tỷ đồng. Tuy nhiên cái “tầm” của cả thị trường vẫn chưa được cải thiện sau 6 năm qua.
Tiếp tục mất thời cơ
Các hàng hóa nhiều triển vọng như Sacombank, Sudico, BM Plasco, VSH... dù được chờ đợi ngay từ đầu năm, nhưng nhiều nhà đầu tư cho biết, “đợi mãi vẫn chưa thấy”. Tại một buổi gặp mặt gần đây, nhà đầu tư Vietstock đã nhận định, cách chọn “điểm rơi” của các cơ quan quản lý “có vấn đề”.
Khi TTCK tăng trưởng mạnh, UBCKNN lo sợ, e ngại trước viễn cảnh “giá bong bóng” nhưng lại không có biện pháp thiết thực hơn. Khi thị trường giảm nhiệt các doanh nghiệp mới bắt đầu được lên sàn thì giá cổ phiếu của họ ít nhiều bị định giá thấp hơn.
Sức mua đang giảm trong khi lượng hàng hóa chuẩn bị tăng, giờ đây các cơ quan quản lý, các tổ chức điều tiết thị trường lại phải tìm kiếm giải pháp để kích thích trở lại sức mua đang ngày một suy kiệt.
Đối với doanh nghiệp, bỏ qua “thời cơ vàng” để lên sàn, họ có thể đã mất đi những khoản lợi nhuận mà nhiều năm sau mới có thể làm ra được. Đối với các tổ chức đầu tư lớn, cơ hội luôn ở trước mắt họ một khi doanh nghiệp vẫn còn phát triển.
Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư nhỏ, những cán bộ hưu trí, những bà nội trợ, các công nhân viên chức... cơ hội sẽ khép lại khi vốn họ không còn! Còn đối với các cơ quan quản lý, thời cơ ư? Vẫn thế, mọi thứ vẫn tiến đều trong chậm rãi!
Bao giờ có “Tín hiệu” mới
Từ nay đến khi Việt Nam thực sự vào WTO, chúng ta sẽ có nhiều sự thay đổi để “theo kịp” thông lệ quốc tế và đó cũng là một trong những tín hiệu có thể mang lại sức sống mới.
Nhưng nhiều người tự hỏi, nếu thời cơ đến nữa, TTCK sẽ phản ứng thế nào? Riêng với nhà đầu tư, cái nhìn về thị trường cần xa hơn, thực tế hơn và được phân tích chặt chẽ hơn.
Theo các giới chuyên gia, từ nay đến cuối năm, xu hướng thị trường vẫn sẽ tăng lên khi các quỹ đầu tư nước ngoài sẵn sàng bỏ thêm tiền vào những thị trường “mới nổi” như Việt Nam.
Gần đây, hàng trăm ngàn cổ phiếu TMS, GIL được “sang nhượng nội bộ” giữa nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Khi giá cổ phiếu xuống, họ vẫn mua và chờ, không phải chờ giá tăng mà chờ một điều gì đó...
Theo Tường Châu - Minh Nguyễn
Báo Sài Gòn Giải Phóng