Thị trường BĐS Hà Nội trước đại lễ sẽ khởi sắc
(Dân trí) - Kinh tế Hà Nội tiếp tục có những dấu hiệu tăng trưởng mạnh và hàng loạt dự án hạ tầng đang được chạy đua để hoàn thành trước dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long. Tín hiệu vui này liệu có làm thị trường BĐS khởi sắc?
Dấu hiệu kinh tế lạc quan
Báo cáo của các bộ ngành có liên quan cho thấy, kinh tế Hà Nội tiếp tục có những dấu hiệu tăng trưởng mạnh trong Quý 2/2010. Tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm tăng khoảng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức trung bình 6,2% của cả nước.
Nhập khẩu tăng 16,67%, và xuất khẩu tăng 11,39% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức nhập khẩu đạt 5,6 tỷ USD, trong khi xuất khẩu ghi nhận ở mức 1,8 tỷ USD.
Thị trường khách sạn sẽ khởi sắc nhờ ngành du lịch
Hà Nội cũng ghi nhận sự tăng trưởng nguồn vốn FDI đăng ký trong quý này, với 70 triệu USD được đăng ký đầu tư vào 75 dự án, so với con số 30 triệu USD cho 60 dự án trong quý trước. Số lượng dự án FDI tăng, cùng với sự tăng đáng kể về mức đầu tư đánh dấu sự tin tưởng của nhà đầu tư vào kinh tế Hà Nội.
Với một số lượng ngày càng tăng của các dự án được cấp phép tại Hà Nội, một số chuyên gia cho rằng, lượng người nước ngoài tới làm việc cho các công ty đa quốc gia sẽ là nguồn cầu mua và thuê nhà tiềm năng trong tương lai với các không gian sống có chất lượng cao.
Không những vậy, quảng bá du lịch và gia tăng vận tải hàng không sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Khách quốc tế đến Hà Nội đạt 302.000 lượt trong Quý 2 năm nay, so với 229.000 lượt cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định của CBRE, tình hình kinh tế trong nửa cuối năm 2010 được xem là khá lạc quan. Việc tiếp tục rót vốn vào các dự án xây dựng và cơ sở hạ tầng chạy đua để hoàn thành trước tháng 10 nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ khuyến khích mức tăng trưởng GDP từ ngành công nghiệp và xây dựng, ngành đóng góp nhiều nhất vào GDP của Hà Nội.
Trong bối cảnh đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang tới gần, dự kiến mức tiêu dùng nội địa, doanh thu ngành bán lẻ cũng như hoạt động của ngành du lịch sẽ tăng mạnh.
Thị trường BĐS sẽ biến động đến đâu?
Tháng 4 vừa qua, Đồ án “Quy hoạch Hà Nội mở rộng đến năm 2030 và Tầm nhìn đến năm 2050” với xu hướng phát triển về phía Tây đã được công bố rộng rãi, dẫn tới việc giá đất biến động mạnh tại khu vực trên, đặc biệt là Ba Vì, hút sự chú ý của công chúng ra khỏi các mảng thị trường khác, nhất là mảng căn hộ.
Tuy nhiên, sau những động thái của Chính phủ và các bộ ngành có liên quan, chỉ sau một thời gian ngắn cơn “sốt” đất Ba Vì ngay lập tức đã “đóng băng”.
Theo quy luật thì kênh đầu tư của giới BĐS sẽ lại chuyển sang các phân khúc khác. Và với một nguồn cầu tiềm năng lớn về nhà ở như hiện nay thì không có lý do gì các nhà đầu tư, đầu cơ bỏ qua… nhưng thực tế thì hoàn toàn khác.
Hiện nay thị trường nhà ở căn hộ vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Bên cạnh việc tồn đọng vốn từ các dự án trước đó thì điều này có thể lý giải bởi nguồn cung tung ra thị trường còn “vênh” nhiều so với nhu cầu.
Mặc dù chưa thống kê đầy đủ nhưng qua con số của CBRE có thể thấy, trong quý II/2010 vừa qua, trong số 4.600 căn hộ mới được chào bán thì số căn hộ có giá dưới 1.100 USD/m2 chỉ chiếm 40%.
Trong khi đó, phân khúc bình dân được giao dịch trên thị trường toàn Hà Nội đạt mức tăng trưởng tới 9%. Rõ ràng, nguồn cung phân khúc này còn rất hạn chế khiến thị trường căn hộ ở trong cảnh vừa thiếu, vừa thừa.
Điểm sáng trong quý này là việc Chính phủ đặt mục tiêu hạ lãi suất cho vay xuống 12 - 13% theo Nghị quyết số 23/NQ-CP. Đây sẽ là cơ hội cho những người có nhu cầu mua nhà ở song khả năng vay mượn và chi trả sẽ phụ thuộc rất lớn vào giá căn hộ.
Liên quan đến phân khúc thị trường bán lẻ, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ cũng tăng đáng kể, khoảng 28,2%, điều đó cho thấy sức tăng của nhu cầu tiêu dùng.
Theo nhận định của ông Richard Leech, quý 2 vừa qua Hà Nội đã chứng kiến nhiều thương hiệu bán lẻ có uy tín trong nước và thương hiệu nhượng quyền mở rộng mạng lưới kinh doanh. Doanh thu và số lượng cửa hàng bán lẻ đều tăng, cho thấy tiềm năng phát triển vững mạnh của thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội trong những quý tới.
Không những vậy, thị trường khách sạn cũng sẽ được dự báo là có nhiều chuyển biến tích cực khi 6 tháng vừa qua, ngành du lịch Việt Nam nói chung tăng trưởng mạnh, trong đó, du lịch Hà Nội đã đạt mức tăng trưởng 12% đối với lượng khách quốc tế, và 13,5% đối với lượng khách nội địa.
Đặc biệt, với Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và Chương trình kích cầu du lịch của Tổng cục Du lịch trong nửa năm còn lại của 2010, lượt khách du lịch được kỳ vọng sẽ tăng mạnh và hiệu suất sử dụng phòng và RevPAR (doanh thu phòng trung bình) của thị trường khách sạn Hà Nội sẽ được cải thiện.
Lan Hương