Thêm thương hiệu heo ăn chay, cuộc đua thịt heo sạch ngày càng khốc liệt

Việt Đức

(Dân trí) - Chỉ trong thời gian ngắn, thị trường thịt heo sạch chứng kiến sự gia nhập của 2 doanh nghiệp lớn khiến cuộc đua ngày càng gay cấn.

Thị trường màu mỡ

Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã chứng khoán: BAF) vừa chính thức công bố thương hiệu thịt "heo ăn chay" BaF Meat ngày 26/10 tại TPHCM. Như vậy, thị trường lại chứng kiến thêm một doanh nghiệp với tiềm lực lớn gia nhập cuộc đua thịt sạch theo mô hình 3F (Feed - Farm - Food), khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại quy mô công nghiệp đến chế biến, đưa thực phẩm đến tay người tiêu dùng

Giá trị thị trường ngành thịt Việt Nam năm 2021 ước tính khoảng 8,9 tỷ USD, theo bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect. Thịt heo là thực phẩm thiết yếu với người tiêu dùng Việt Nam, chiếm 66% tổng lượng thịt tiêu thụ, xếp trên thịt gia cầm và thịt bò. Lượng tiêu thụ thịt heo tại Việt Nam được dự báo đạt 3,4 triệu tấn vào năm nay và tiếp tục tăng trưởng kép hơn 3% mỗi năm trong giai đoạn 2022-2030.

Tuy nhiên, trên thị trường màu mỡ này, theo ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT BAF, trước khi dịch tả châu Phi xuất hiện, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm đến 70% lượng thịt heo cung ứng ra thị trường còn các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô công nghiệp chỉ chiếm 30% còn lại. Dịch bệnh là thách thức nhưng cũng chính là cơ hội tốt đối với các doanh nghiệp chăn nuôi bài bản, khép kín, đảm bảo an toàn khi các hộ gia đình không có khả năng tái đàn sau dịch. Việc chăn nuôi công nghiệp ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn là xu thế tất yếu.

Thêm thương hiệu heo ăn chay, cuộc đua thịt heo sạch ngày càng khốc liệt - 1

Quy mô chăn nuôi heo của các hộ chăn nuôi thu hẹp, trái ngược với sự mở rộng của các doanh nghiệp qua từng năm (Ảnh: VNDirect).

Dù vậy, nhiều doanh nghiệp lớn vẫn dừng ở việc bán thịt heo hơi ra thị trường mà chưa trực tiếp đầu tư nhà máy giết mổ, xây dựng thương hiệu thịt heo riêng phân phối đến người tiêu dùng. Theo ông Bá, 90% thịt heo trên thị trường hiện nay vẫn được giết mổ thủ công, phân phối đến người tiêu dùng qua chợ truyền thống, chợ dân sinh.

Trong bối cảnh thịt heo có thương hiệu tại Việt Nam mới chỉ chiếm 10% tổng lượng thịt heo tiêu thụ, đơn vị nghiên cứu thị trường Ipsos dự báo rằng, phân khúc này sẽ tăng trưởng bình quân 10-15% mỗi năm. Chính vì vậy, dù sân chơi thịt heo 3F đã chứng kiến nhiều "tay chơi" lớn tham gia, VNDirect cho rằng thị trường này vẫn rất tiềm năng.

"Khi thu nhập, kiến thức dinh dưỡng, nhận thức về sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là sau ảnh hưởng của dịch tả châu Phi và Covid-19, nhu cầu sử dụng thịt sạch cũng sẽ tăng lên. Xu hướng đặc biệt phát triển mạnh ở khu vực thành thị, nhờ sự phổ biến của kênh thương mại hiện đại giúp người tiêu dùng dễ dàng chuyển từ mua thịt ở chợ sang tiếp cận với thịt sạch có thương hiệu và rõ nguồn gốc", VNDirect nhìn nhận. 

Lợi thế về chi phí của những "tay chơi" mới

Chủ tịch BAF Trương Sỹ Bá thừa nhận thị trường chăn nuôi ở Việt Nam cạnh tranh rất khốc liệt. Theo ông, các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm CP, CJ hiện chiếm tới 70% thị phần chăn nuôi heo công nghiệp. Các doanh nghiệp nội chỉ đang chia nhau 30% còn lại.

Vì vậy, để có thể tham gia vào lĩnh vực này, các doanh nghiệp Việt Nam phải chọn được con đường riêng.

Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai của ông bầu bóng đá Đoàn Nguyên Đức cũng công bố thương hiệu thịt "heo ăn chuối" BaPi. Doanh nghiệp phố núi đã trồng chuối xuất khẩu từ lâu, nay sử dụng chuối thải loại làm thức ăn cho heo. Theo bầu Đức, lợi thế này giúp Hoàng Anh Gia Lai chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, từ đó có giá thành thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp chăn nuôi khác. Tuy nhiên, không phải chỉ doanh nghiệp của bầu Đức sở hữu lợi thế về chi phí. 

Dù mới được thành lập vào năm 2017, BAF thực chất là một mảnh ghép trong hệ sinh thái thuộc Tập đoàn Tân Long, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, của doanh nhân Trương Sỹ Bá. Nhờ sự hỗ trợ của Tân Long, BAF có thể tiếp cận được nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi với giá cả hợp lý và ổn định. Nhờ đó, chi phí thức ăn chăn nuôi của BAF thấp hơn 10-15% so với các đối thủ cạnh tranh, theo VNDirect.

Thêm thương hiệu heo ăn chay, cuộc đua thịt heo sạch ngày càng khốc liệt - 2

Giá thịt tham khảo của một số thương hiệu thịt 3F trên thị trường, số liệu được thống kê tại thời điểm cuối tháng 9 (Ảnh: VNDirect).

Cuộc chiến với những ông lớn hiện hữu

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán này cũng lưu ý thương hiệu mới có thể thu hút sự chú ý của người tiêu dùng nhờ sự đặc biệt nhưng để cạnh tranh với những thương hiệu lớn đã hiện diện trên thị trường thịt sạch không phải là bài toán đơn giản.

Đứng đầu thị trường thịt heo là CP Việt Nam, công ty con của Tập đoàn CP Thái Lan, với thị phần ước tính khoảng 17-18%. Sản phẩm của CP có độ phủ rộng ở hầu hết siêu thị lớn, cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.

Một cái tên đáng chú ý khác là Meat Deli (thương hiệu của Masan Meatlife - công ty thành viên thuộc tập đoàn Masan) - doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất thịt mát. Ra mắt thị trường vào cuối năm 2019, thương hiệu thịt mát của Masan có lợi thế phủ khắp hệ thống siêu thị của đơn vị này và ước tính đang giành được 2-3% thị phần. 

Ngoài ra, không thể không nhắc đến Dabaco - một trong các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam với vị thế vững chắc ở khu vực miền Bắc. Dabaco đã phát triển đầy đủ mô hình kinh doanh 3F từ năm 2010 và hiện nằm trong số 10 nhà sản xuất hàng đầu trong chuỗi giá trị thịt heo và gia cầm trên thị trường.

Đối với các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, có 2 rào cản chính cần vượt qua gồm sự cạnh tranh từ các công ty đã có sẵn thị phần và đảm bảo được hệ thống nhà máy, trang trại khép kín từ khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi đến phân phối, cung cấp thịt thành phẩm ra thị trường.

BAF đang chọn cách phân phối thịt "heo ăn chay" độc quyền qua hệ thống hơn 300 điểm bán của một thành viên trong hệ sinh thái Tân Long. Tương tự, bầu Đức cũng chọn cách liên doanh phát triển chuỗi siêu thị để bán thịt heo của tập đoàn.