Thêm một công cụ phòng ngừa rủi ro khi mua bán ngoại tệ
Thống đốc ngân hàng nhà nước (NHNN) Lê Đức Thuý vừa ký quyết định tiếp tục cho phép triển khai nghiệp vụ option ngoại tệ với VND. Đây được đánh giá là một bước đột phá mới trong việc cung cấp thêm các công cụ phòng ngừa rủi ro hiện đại trên thị trường tiền tệ.
Hai ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và Kỹ Thương lần đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện thí điểm option mua bán giữa các ngoại tệ với VND.
Nghiệp vụ option này cho phép các doanh nghiệp (DN) và các cá nhân được quyền đặt mua hay đặt bán ngoại tệ với VND thông qua một tỷ giá tự chọn và được gọi là tỷ giá thực hiện.
Giả sử một DN hay cá nhân muốn bán 1 triệu euro (EUR) với kỳ hạn 10 ngày. Ngày ký hợp đồng là 18/4/2005 và ngày đáo hạn là 28/4/2005. Tỷ giá giao ngay của USD/VND là 15.825 đồng/USD. Tỷ giá giao ngay của EUR/USD là 1,2850 EUR/USD. Tỷ giá giao ngay của EUR/VND = 1,2850 x 15.825 = 20.335 đồng/EUR. Nếu DN hay cá nhân muốn bán EUR/VND với tỷ giá 21.700 đồng sau 10 ngày (hoặc bất kỳ ngày nào từ 18/4 đến 28/4) thì phải chịu trả một khoản phí (gọi là phí option) cho ngân hàng bán quyền.
Thông thường, các ngân hàng sẽ tính toán để chuyển loại option có liên quan VND sang option giữa hai ngoại tệ (thí dụ EUR và USD). Vì tỷ giá option tối đa của USD/VND sau 10 ngày là 15.847 đồng/USD.
Tỷ giá option EUR/VND thực chất là kết hợp giữa 2 option (USD/VND và EUR/USD). Nên option EUR/USD sẽ được sử dụng thay cho option EUR/VND như sau:
EUR/VND 21.700
EUR/USD = --------------- = ---------------- = 1,3693 USD/EUR
USD/VND 15.847
Lúc đó, ngân hàng cung cấp dịch vụ option sẽ tái bảo hiểm bằng cách mua option trên thị trường quốc tế ở mức giá 1 EUR = 1,3693 USD và sẽ thu lại phí từ khách hàng trong nước xung quanh mức phí họ trả cho nước ngoài.
Như vậy nếu bán vào 18/4/2005 thì khách hàng chỉ nhận được 1 triệu EUR x 20.335 đồng/EUR = 20 tỷ 335 triệu đồng, nhưng nếu bán option thì khách hàng nhận được 1 triệu EUR x 21.700 đồng/EUR = 21 tỷ 700 triệu đồng. Mức chênh lệch 1 tỷ 365 triệu đồng một phần dùng để trả chi phí option và phần còn lại là lợi nhuận ròng của khách hàng.
Do đó, nghiệp vụ option này mở ra triển vọng để các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện option có thể cung cấp dịch vụ tối đa hóa lợi nhuận cho khách hàng có nguồn thu ngoại tệ (bằng các ngoại tệ khác USD) trong kiều hối, xuất nhập khẩu, tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ… Cơ chế cực kỳ thông thoáng này giúp cho thị trường mua bán ngoại tệ được thuận lợi hơn, các nhà xuất khẩu có ngoại tệ bán và các nhà nhập khẩu cần ngoại tệ mua theo mức tỷ giá có lợi do mình tính toán.
Sự hồi phục của đồng USD 2 tháng trở lại đây chủ yếu là do Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất trong hơn một năm qua từ chỗ thấp nhất 1% nay đã lên 2,75% và dự báo lãi suất đồng USD còn tăng cao nữa. Như thế triển vọng để đồng USD tăng giá so với các ngoại tệ khác là có cơ sở.
Nhưng đồng USD có tăng giá so với VND hay không, còn phụ thuộc nhiều vào tương quan lãi suất giữa USD và VND, vì hiện nay rất nhiều ngân hàng đã bắt đầu tăng lãi suất huy động và cho vay VND.
Điều quan trọng hơn đó là một cơ chế tỷ giá phục vụ không chỉ cho xuất nhập khẩu mà còn trong bối cảnh áp lực tăng chỉ số giá tiêu dùng quý 1 đã là 3,7%. Trong bối cảnh đó, việc cho áp dụng nghiệp vụ option ngoại tệ với VND cho thấy cơ chế tỷ giá đang được vận hành theo hướng thị trường mạnh mẽ hơn.
Theo Thanh niên