Thêm giàn khoan mới, Trung Quốc đưa ra biển nào?

Kế hoạch đóng thêm cả loạt các giàn khoan trị giá hàng tỷ USD ngày càng lộ rõ tham vọng của Trung Quốc tìm kiếm tiềm năng trên các vùng biển mang giá trị hàng nghìn tỷ USD trong thương mại quốc tế, có tiềm năng lớn về tài nguyên…

Giàn khoan tỷ USD thứ 2

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đang thúc đẩy các kế hoạch đóng thêm hàng loạt các giàn khoan khủng mới. Theo số liệu từ ADB, chỉ trong tháng 4 vừa qua, tập đoàn dầu khí lớn thứ 3 của Trung Quốc đã có 3 đợt phát hành trái phiếu có thời hạn từ 3 cho tới 30 năm với lãi suất cao nhất lên tới gần 4,9%/năm để huy động tổng cộng 4 tỷ USD cho hoạt động của mình.

Trong các năm 2012 và 2013, CNOOC đều nằm trong top những tập đoàn thu hút nhiều vốn trái phiếu nhất bất chấp đã phải chi rất nhiều tiền để nuôi mộng sở hữu kỹ năng khoan thăm dò dầu ở vùng nước sâu trên biển như vụ chi 15 tỉ USD mua lại hãng khai thác dầu Nexen của Canada, các hợp đồng công nghệ với Friede &Goldman…

Giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam.

Giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam.

Hồi tháng 9/2012, Công ty dịch vụ dầu mỏ Trung Quốc (COSL) - một thành viên của CNOOC và là chủ sở hữu giàn khoan Hai Yang Shi You 981 - Hải Dương 981 cũng đã huy động 1 tỷ USD trái phiếu.

Những gói tiền vay nói trên không được nói rõ sử dụng như thế nào, nhưng trước đó, hồi cuối 2013 COSL đã ký thêm các hợp đồng với Nhà máy đóng tàu Đại Liên và một nhà máy ở Thẩm Quyến đóng mới 3 giàn khoan khác. Trong đó có Hải Dương 982 - một giàn khoan nước sâu tương tự như Hải Dương 981 và 2 chiếc loại nhỏ hơn là Hải Dương 943 và Hải Dương 944.

Cũng như Hải Dương 981, Hải Dương 982 là giàn khoan nửa chìm thế hệ thứ 6, chịu được bão tố cực mạnh, được trang bị hệ thống định vị động trên biển, được thiết kế có thể hoạt động ở vùng nước sâu tới 1.524m và khả năng khoan sâu 9.144m. Dàn khoan có 8 chân vịt lái, mỗi chân vịt được kéo bởi động cơ 4.600CV này dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8/2016.

Hải Dương 943 có thể hạ đặt ở các vùng nước sâu 122m và có thể khoan sâu 10.668m và Hải Dương 944 cũng có khả năng hoạt động tương tự. Hai dàn khoan này theo kế hoạch sẽ được bàn giao vào tháng 9 và tháng 10/2015.

Trước đó, hồi đầu tháng 5, CNOOC đã đưa Hải Dương 981 có trị giá khoảng 1 tỷ USD ra hạ đặt trái phép tại vùng biển đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam kèm theo cả trăm tàu các loại, từ quân sự, hộ vệ, tuần tiễu, hải giám, hải cảnh cho tới tàu cá và nhiều máy bay...

Hải Dương 981 có diện tích rộng bằng một sân bóng đá tiêu chuẩn, nửa nổi nửa chìm, dài 114 m, rộng 90 m, cao 137 m và nặng 31.000 tấn. Lượng thép để xây dựng nên giàn khoan này 4 lần số nguyên liệu dựng tháp Eiffel của Pháp. Nó chịu được được sóng cao 10 mét cùng sức gió 160km/h.

Đổ tiền cho tham vọng biển sâu

Trong thông cáo phát đi hồi đầu tháng 11 năm ngoái, chủ tịch kiêm CEO của COSL, Li Yong cho biết, việc đóng 3 giàn khoan này giúp nâng cao khả năng hoạt động ở các vùng nước sâu và trong những điều kiện đặc biệt.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc đưa vào hoạt động những giàn khoan khổng lồ như vậy xem ra không hề dễ dàng và thật khó có thể thu lợi nhuận về cho DN.

Đối với Hải Dương 981, việc vận hành được cho là rất tốn kém. Theo đó, để giữ cho “quái vật” có thể đứng trên biển đã mất hàng trăm nghìn USD/ngày, chưa kể chi phí để nuôi cả trăm tàu “bảo vệ” xung quanh.

Không những thế, Hải Dương 981 là giàn khoan di động nước sâu đầu tiên mà Trung Quốc tự đóng được dựa trên các thiết kế của nước ngoài do vậy để hoạt động ổn định và làm chủ được công nghệ khoan dầu khí nước sâu CNOOC có thể mất nhiều năm trời.

Các phân tích của các chuyên gia nhiều nước trên thế giới đều cho thấy, CNOOC đang đổ tiền để làm ra những “thiết bị khổng lồ” để thực thi những chiến lược dài hơi mà sự tốn kém vượt quá ngoài sức chịu đựng của một DN.

Một điểm đáng lưu ý là việc đóng các giàn khoan này nằm trong các chương trình trọng điểm của Trung Quốc - chiến lược biển sâu, với bước đi đầu tiên là sự ra mắt của Hải Dương 981 hồi tháng 5/2012.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên việc tìm kiếm năng lượng trở thành vấn đề gây tranh cãi. Tuy nhiên, sự hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam lần này và kế hoạch xây dựng một loạt các giàn khoan khồng lồ khác đang gây chú ý cho nhiều bên khác nhau.

Giàn khoan Hải Dương 981 và trong tương lai là sự ra đời các giàn khoan khác sẽ đặt ở đâu và theo lộ trình nào… có lẽ đây là những bước đánh động thế giới nhất là khi tình trạng căng thẳng quanh việc hạ đặt Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển Việt Nam vẫn tiếp diễn.

Đây thực sự là điều gây chú ý cho bên khác nhau bởi một điều chắc chắn rằng, CNOOC bỏ hàng tỷ USD ra để làm đóng những giàn khoan khổng lồ như vậy không thể sử dụng loanh quanh ở ‘ao nhà’ hoặc nép trong ‘xó bếp’. Có thể Hải Dương 981 chỉ là một nước đi đầu tiên trong một ván cờ dài hơi đầy quan ngại cho các bên.
 
Theo Văn Minh
VEF
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước