DMagazine

Thế giới vật lộn với nỗi sợ mới mang tên "dầu ăn"

(Dân trí) - Giá dầu ăn ngày càng tăng cao khiến cuộc sống của người dân trở nên chật vật, khó khăn hơn.

Cơn ác mộng mang tên "dầu ăn"

Đẩy xe chở hàng tới quầy dầu ăn, chị Nguyễn Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) giật mình khi nhìn vào giá niêm yết. "Dầu ăn lại tăng", tiếng than thở của chị vọng ra giữa không gian náo nhiệt của siêu thị. Tới thời điểm hiện tại, dầu ăn đã trải qua nhiều đợt điều chỉnh giá khi mỗi lít tăng 10.000 - 15.000 đồng so với đầu năm.

Thế giới vật lộn với nỗi sợ mới mang tên dầu ăn - 1

Kể từ đầu năm đến nay, dầu ăn tăng 10.000 - 15.000 đồng/lít (Ảnh: Hoàng Dung).

Với những  người có thu nhập thấp như vợ chồng chị Hà, việc giá dầu ăn tăng là một áp lực không nhỏ. "Mỗi tháng, nhà tôi sử dụng hết 2 chai dầu ăn do duy trì việc nấu cơm 3 bữa và chuộng đồ chiên, xào. Giá dầu ăn tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến túi tiền của  vợ chồng tôi. Vì không chỉ dầu ăn mà nhiều mặt hàng khác cũng tăng giá", chị nói.

Đầu năm nay, chị Hà chỉ cần bỏ ra 55.000 đồng là có thể mua được chai dầu Neptune 1 lít nhưng đến thời điểm hiện tại, chị phải bỏ ra 68.000 - 70.000 đồng. Tương tự với dầu Simply hạt cải 1 lít, giá tăng thêm 13.000 - 15.000 đồng/chai so với tháng 1, cán mốc 79.000 đồng. 

Thế giới vật lộn với nỗi sợ mới mang tên dầu ăn - 2

Giá dầu ăn biến động trong 5 tháng đầu năm (Biểu đồ: Hoàng Dung).

Không chỉ với các hộ gia đình, dầu ăn tăng giá còn cơn ác mộng với các nhà hàng, quán ăn với quy mô lớn. Trung bình mỗi tháng, nhà hàng dê núi của chị Vũ Nhiên (Quảng Ninh) tiêu thụ hết 200 lít dầu ăn, có thời điểm khách đông còn lên tới 250 - 300 lít. "Giá dầu hiện tăng hơn gấp 2 lần với đầu năm, và gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Là đơn vị sử dụng dầu ăn với số lượng lớn, chúng tôi thực sự quay cuồng, đau đầu trong cơn bão giá này", chị nói.

Chị Nhiên cho biết, dù giá dầu, thực phẩm tăng cao nhưng quán chị không dám tăng giá vì sợ mất khách. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, người dân bắt đầu thắt chặt chi tiêu, hạn chế lui tới các nhà hàng. "Để lượng khách trở lại như cũ, chúng tôi phải làm mọi cách để giữ giá bình ổn bằng cách nâng cao năng suất và giảm số lãi thu về. Ví dụ ngày xưa mình lãi 5 đồng thì nay chỉ "ăn" lãi 2 đồng để bù vào phần tăng giá của các mặt hàng", chị Nhiên tâm sự.

Giá nhảy loạn xạ trên thị trường

Trong bối cảnh giá dầu tăng cao, các quán hàng đã tung ra nhiều ưu đãi, khuyến mại hấp dẫn để hút người mua. Cùng là một chai dầu ăn có dung tích, chủng loại, nhãn hiệu giống nhau nhưng ở mỗi nơi lại niêm yết giá một khác.

Cụ thể, chai Neptune 1 lít ở tiệm tạp hóa báo giá từ 65.000 - 70.000 đồng, siêu thị Go! niêm yết là 68.000 đồng, Lotte Mart có giá 72.000 đồng, Aeon Mall là 66.000 đồng, Winmart là 72.000 đồng, Tiki, Lazada, Shopee dao động từ 60.000 - 70.000 đồng (chưa bao gồm phí ship).

Tương tự, chai Simply hạt cải 1 lít ở Go!, Lotte Mart, Aeon Mall, Winmart có giá lần lượt là 75.000 đồng, 82.000 đồng, 69.000 đồng, 79.000 đồng. Trong khi đó, tại các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee lại có giá rẻ hơn 5.000 - 7.000 đồng/chai.

Thế giới vật lộn với nỗi sợ mới mang tên dầu ăn - 3

Giá dầu ăn ở một số siêu thị (Biểu đồ: Hoàng Dung).

Một số tiểu thương lý giải, mức chênh lệch trên là do các gian hàng trên sàn thương mại không mất tiền thuê mặt bằng, tiền thuê nhân viên nên có giá ưu đãi hơn. Hơn nữa, việc niêm yết giá sẽ phụ thuộc vào người bán nên đôi khi họ chấp nhận bán lỗ hoặc bán ngang bằng giá nhập để "câu" khách với các mục đích thương mại khác nhau.

Còn đối với các tiệm tạp hóa, để cạnh tranh lại với các siêu thị, sàn thương mại điện tử, họ buộc phải chọn được mối giao với giá tốt. Thậm chí như chị Nguyễn Huệ, chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Trần Thái Tông (Hà Nội) đã nhập dầu với số lượng lớn từ đầu năm với mục đích bình ổn giá. "Với kinh nghiệm bán hàng gần 10 năm, tôi nhận thấy dầu ăn có thể tiếp tục tăng giá trong năm nay nên tôi đã tranh thủ nhập về lượng dầu lớn, đủ bán trong khoảng 5 - 6 tháng. Từ đó, quán tôi mới có đủ sức tranh với các điểm bán khác", chị thông tin.

Tuy nhiên, chị Huệ cho rằng, việc nhập dầu dự trữ chỉ là biện pháp ngắn hạn. Về lâu về dài, cách duy nhất để người tiêu dùng, quán hàng "dễ thở" với thị trường dầu ăn là giá giảm.

Từ Á sang Âu… đau đầu vì thiếu dầu ăn

Gần đây, ông Harry Niazi, chủ nhà hàng Famous Olley's Fish Experience chuyên bán cá chiên, khoai tây chiên ở Anh đang gặp khó khăn. Mỗi tuần, nhà hàng của ông sử dụng khoảng 8 thùng dầu ăn hướng dương. Ngày trước, giá mỗi thùng dầu 20 lít là 22 bảng Anh (600.000 đồng) còn bây giờ là 42,5 bảng Anh (1,2 triệu đồng) mỗi thùng.

Mặc dù giá dầu tăng vọt nhưng điều khiến ông lo lắng hơn cả là nguồn cung ngày càng hạn chế. Đồng nghĩa với việc, nhà hàng có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng kéo dài. "Thật sự rất đáng quan ngại. Tôi không biết những nhà hàng bán đồ ăn nhanh sẽ phải ứng phó ra sao nếu tình trạng thiếu hụt nguồn cung tiếp tục diễn ra", ông Harry Niazi than thở.

Thế giới vật lộn với nỗi sợ mới mang tên dầu ăn - 4

Ông Harry Niazi lo lắng khi giá dầu ăn tăng vọt trong những tháng gần đây (Ảnh: Union-Bulletin).

Cách đó 9.000 km, tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), ông Lee, chủ một nhà hàng gà chiên cũng đứng trước một quyết định khó khăn là có nên tăng giá đồ ăn trong bối cảnh giá nguyên liệu đang tăng vọt hay không. Đây là một quyết định khó khăn đối với ông.

Hơn 15 năm qua, bất chấp giá cả nguyên liệu tăng, ông Lee nhất quyết không tăng giá sản phẩm nhưng ở thời điểm hiện tại, ông có thể có những quyết định thay đổi. Trước đó, nhà hàng của ông Lee từng được chính quyền địa phương trao tặng danh hiệu nhà hàng giữ giá đồ ăn ổn định nhất trong hơn một thập kỷ.

"Chúng tôi vẫn chưa tăng giá sản phẩm nhưng mọi thứ đều đang khó khăn. Về lâu về dài, chúng tôi sẽ phải tăng giá một chút", ông Lee cho biết. Cuối tháng 4, giá mỗi thùng dầu ăn 18 lít khoảng 50.000 won (900.000 đồng), tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Ông Lee cho biết: "Các mặt hàng đang tăng giá chóng mặt, giá một thùng dầu ăn đã tăng gấp đôi, giá bột chiên, giá gà nhập cũng tăng cao".

Thế giới vật lộn với nỗi sợ mới mang tên dầu ăn - 5

Các nhà hàng, quán ăn nhanh đau đầu vì cơn bão giá dầu ăn (Ảnh: Reuters).

Genesis BBQ, một trong những chuỗi bán gà rán lớn nhất tại Hàn Quốc vừa thông báo tăng giá 10% sản phẩm sau 4 năm bình ổn giá. Quyết định này được Genesis BBQ đưa ra ngay sau khi 2 đối thủ là Kyochon F&B và BHC thông báo tăng giá. "Thủ phạm" đứng phía sau sự tăng giá đến từ việc giá dầu tăng vọt.

Không chỉ ẩm thực, dầu cọ tăng giá cũng gây tác động đến ngành sản xuất mỹ phẩm của Hàn Quốc. "Dầu cọ là nguyên liệu được sử dụng nhiều trong ngành sản xuất mỹ phẩm. Mỹ phẩm là một trong những sản phẩm thiết yếu đối với phái nữ và việc giá sản phẩm tăng cao cũng sẽ gây khó khăn cho họ", Joo Hyeon-jung, một nữ sinh tại trường đại học nổi tiếng ở thủ đô Seoul chia sẻ.

Hàn Quốc nhập khẩu tới 2,2 tỷ won lượng dầu động, thực vật trong  năm 2021, dầu cọ chiếm tới 30% tổng lượng nhập khẩu, theo thống kê của hải quan nước này. Trong đó, 56% lượng dầu cọ xuất khẩu của Hàn Quốc đến từ Indonesia và phần còn lại đến từ Malaysia.

Tại Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu dầu cọ, đậu nành và dầu hướng dương lớn nhất thế giới cũng đối mặt với tình trạng hàng hóa tăng giá. Chính phủ nước này đang nỗ lực, hạn chế việc tích trữ dầu ăn nhưng giá dầu vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực.

Ở châu Âu, dầu ăn đang là một trong những mặt hàng khan hiếm nhất. Người dân Tây Ban Nha đổ xô đi mua, tích trữ dầu ăn khiến giá mặt hàng này cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng trên cũng diễn ra tại Pháp khi người dân vét sạch dầu ăn tại các siêu thị. Các quầy trưng bày dầu ăn tại các siêu thị, tiệm tạp hóa gần như trống trơn dù khách hàng bị hạn chế số lượng mua hàng. Truyền thông Pháp cho rằng, tình trạng tích trữ xuất hiện là do người dân lo sợ thời gian tới nguồn cung khan hiếm do xung đột giữa Nga - Ukraine kéo dài. Vì lượng lớn dầu hướng dương nhập khẩu đến từ Ukraine.

"Thủ phạm" đẩy giá dầu tăng cao

Theo CNBC, giá dầu ăn thế giới tăng mạnh bắt nguồn từ việc Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine. Hãng nghiên cứu Mintec cho biết, trong giai đoạn 2020 - 2021, Ukraine là nước xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất thế giới, chiếm hơn 47% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu. Mới đây, Ukraine đã vận chuyển gần 1,5 triệu tấn dầu ăn sang các thị trường châu Âu, trong đó Hà Lan chiếm 36%, Tây Ban Nha 20%, Italy 18%, Pháp 8% và các quốc gia khác còn lại. Cùng thời điểm, EU cũng nhập khẩu khoảng 8.000 tấn dầu hướng dương từ Nga.

Từ khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ, việc vận chuyển dầu ăn bị gián đoạn, gây đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này đã đẩy giá các loại dầu ăn lên mức cao kỷ lục. Giá dầu hướng dương trong tháng 3 tăng 44%, giá dầu hạt cải tăng 72%, dầu đậu nành tăng 41%, dầu cọ tăng 61% và dầu ô liu tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trước thực trạng trên, nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời cũng là nhà xuất khẩu dầu ăn đã có những biện pháp ngăn chặn mặt hàng này tăng giá.

Thế giới vật lộn với nỗi sợ mới mang tên dầu ăn - 6

Từ khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ, việc vận chuyển dầu bị gián đoạn, gây đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu (Ảnh: CNBC).

Ngày 14/3, Argentina tạm dừng xuất khẩu dầu đậu nành. Quyết định này nhanh chóng thu hút sự chú ý của ngành công nghiệp đậu nành và có thể làm chao đảo thị trường dầu đậu nành trong thời gian tới. Trước đó, Chính phủ của nước này cho biết khoảng 5 triệu tấn dầu đậu nành và các sản phẩm phụ từ đậu nành khác đã được đăng ký chính thức để xuất khẩu. Nguyên nhân tạm dừng xuất khẩu vì Cơ quan Chế biến và Xuất khẩu hạt có dầu Argentina (CIARA) cáo buộc chính phủ muốn tăng 2 điểm thuế quan đối với hàng xuất khẩu. 

Dầu và bột đậu nành xuất khẩu của Argentina đang bị đánh mức thuế lên tới 31%. Các nhà kinh doanh đậu nành nhận định, việc tạm ngừng xuất khẩu đột ngột sẽ khiến các nhà nhập khẩu mặt hàng này phải chuyển hướng, tìm đến các đối thủ là Mỹ và Brazil để tìm nguồn cung thay thế. Từ đó, quốc gia Nam Mỹ này có thể sẽ đánh mất những khách hàng lâu năm. Theo thông báo mới nhất từ chính phủ Argentina, lệnh tạm ngừng xuất khẩu dầu đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành sẽ được áp dụng đến hết năm 2023.

Theo thống kê của Reuters, một số quốc gia khác như Algeria, Ai Cập, Kosovo, Thổ Nhĩ Kỳ, Kuwait đã thông báo lệnh tạm ngừng xuất khẩu dầu thực vật. Hầu hết các quốc gia này sẽ tạm dừng xuất khẩu dầu ăn cho đến cuối năm nay và có khả năng gia hạn thêm nếu tình trạng nguồn cung chưa ổn định.

Thế giới vật lộn với nỗi sợ mới mang tên dầu ăn - 7

Dầu cọ là một trong những loại dầu thực vật được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới (Ảnh: Reuters).

Đầu tháng 4, Indonesia, quốc gia có sản lượng dầu cọ lớn nhất thế giới đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước. Dầu cọ là loại dầu thực vật được sử dụng phổ biến nhất tại Indonesia, thành phần chính trong sản xuất nhiều loại hàng hóa từ chocolate cho tới mỹ phẩm. Tổng thống Indonesia - Joko Widodo thời điểm đó nhấn mạnh việc đáp ứng nhu cầu mặt hàng này cho quốc gia 270 triệu dân là "ưu tiên cao nhất" của Chính phủ. Có thời điểm, người tiêu dùng Indonesia phải xếp hàng dài tại các trung tâm phân phối mới có thể mua dầu cọ.

Mặc dù là nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, song quốc gia Đông Nam Á này lại phải đối mặt với tình trạng thiếu dầu ăn nghiêm trọng trong nhiều tháng. Nguyên nhân là do quy định xuất khẩu lỏng lẻo và lệnh cấm khiến các nhà sản xuất Indonesia miễn cưỡng duy trì việc kinh doanh trong nước thay vì xuất khẩu ra nước ngoài.

Viễn cảnh tương lai của dầu ăn

Trong bối cảnh hiện nay, việc một số quốc gia cấm xuất khẩu dầu ăn khiến các nhà sản xuất thế giới lao đao. Tại Pháp, công ty sản xuất dầu ăn Cérélia, đơn vị chuyên nhập khẩu dầu hướng dương từ Ukraine đang "ốm đòn" khi nguồn cung bị đứt gẫy do chiến sự ở Ukraine. "Tôi kinh doanh trong nghề hơn 40 năm nhưng chưa bao giờ chứng kiến cuộc khủng hoảng nào ở mức độ sâu thế này. Chúng tôi đang rất vất vả để tìm nguồn cung thay thế", ông Guillaume Réveilhac, Chủ tịch Công ty sản xuất dầu ăn Cérélia cho hay.

Thế giới vật lộn với nỗi sợ mới mang tên dầu ăn - 8

Thế giới khan hiếm dầu ăn do xung đột Nga - Ukraine (Ảnh: Malay Mail).

Việc tìm nguồn cung khác cũng không phải là điều dễ dàng. Chiến sự tại Ukraine làm chao đảo thị trường dầu hướng dương toàn cầu và đẩy giá các loại dầu ăn khác lên cao. Trong đó, dầu ăn từ dầu cọ được tiêu thụ phổ biến, nhất là khi Indonesia ban hành lệnh cấm xuất khẩu dầu ăn khiến cho nguồn cung vốn ít ỏi nay càng trở nên hạn hẹp hơn.

Tuy nhiên, hôm 19/5, Tổng thống Indonesia - Joko Widodo thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với dầu cọ từ ngày 23/5. Việc này phần nào giảm bớt áp lực lên thị trường dầu thực vật toàn cầu sau khi giá mặt hàng này tăng vọt do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Tổng thống Indonesia cho rằng, dựa trên nguồn cung dầu ăn và cân nhắc việc có 17 triệu người làm việc trong ngành dầu cọ, các nhà lãnh đạo nước này đã quyết định nối lại hoạt động xuất khẩu dầu ăn. Song song với đó, Chính phủ vẫn sẽ giám sát chặt chẽ mọi động thái nhằm đảm bảo đáp ứng được nguồn cung với giá thành hợp lý.

Trước tin tức trên, tại thủ phủ dầu cọ Malaysia, giá dầu đã quay về mốc 34 triệu đồng/tấn. Theo Trading Economics, các nhà phân tích kỳ vọng giá dầu sẽ về mức 7.334 ringgit/tấn (39 triệu đồng) trong thời gian 12 tháng tới. Nhà phân tích James Fry dự báo, giá dầu cọ có thể đạt mức kỷ lục 8.100 ringgit mỗi tấn trong những tháng tới do lượng dự trữ dầu ăn toàn cầu giảm cùng với các lệnh hạn chế xuất khẩu. 

Ông Thomas Mielke, Chủ tịch hãng phân tích thị trường dầu ăn thế giới Oil World, cũng đánh giá sản lượng đậu nành của Nam Mỹ trong năm nay gần như sẽ giảm hơn 21 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước. Điều này sẽ dẫn tới sự tăng giá đối với dầu đậu nành trong những tháng còn lại của năm. 

Hoàng Dung