Thế giới lên kế hoạch ứng phó nếu Mỹ vỡ nợ

(Dân trí) - Khi chỉ còn 3 ngày nữa là nước Mỹ có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ, mà quốc hội nước này vẫn bế tắc, các ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới đang lên kế hoạch ứng phó trong tình huống xấu nhất.

Theo hãng tin Bloomberg, các kế hoạch ứng phó đang được hoạch định với trọng tâm là làm thế nào để các NHTW duy trì hoạt động của các thị trường tài chính nếu Mỹ vỡ nợ.

Lãnh đạo giới tài chính toàn cầu đang rất sốt ruốt trước tình hình tại Mỹ
Lãnh đạo giới tài chính toàn cầu đang rất sốt ruốt trước tình hình tại Mỹ

Các nhà hoạch định chính sách đã thảo luận những phản ứng có thể đưa ra tại cuộc họp thường niên của Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) hồi cuối tuần. Ngay cả khi đã rời hội nghị, họ vẫn tiếp tục bàn thảo.

“Nếu chỉ vì trong quá khứ vấn đề này luôn được giải quyết thì đó hoàn toàn không phải lí do để không lên kế hoạch ứng phó”, Jon Cunliffe, tân phó thống đốc NHTW Anh phụ trách ổn định tài chính khẳng định với các nghị sỹ nước này. “Tôi muốn Bank of England được chuẩn bị cho khả năng đó. Tôi cũng mong lĩnh vực tư nhân sẽ làm vậy và cả ở các nước khác nữa”.

Phản ứng đầu tiên từ các NHTW trên thế giới có khả năng sẽ giống như sau vụ ngân hàng Mỹ

Lehman Brothers Holdings Inc sụp đổ năm 2008. Khi đó, các nhà hoạch định chính sách cam kết hỗ trợ thanh khoản khối lượng lớn, nới lỏng quy định tài sản bảo đảm trong hoạt động vay vốn và tăng hạn mức hoán đổi đồng USD với các ngoại tệ khác để đảm bảo việc cung cấp tiền tệ.

Số nợ 12.000 tỷ USD hiện tại của chính phủ Mỹ gấp 23 lần con số 517 tỷ USD mà Lehman từng mắc nợ khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản ngày 15/9/2008.

Thời gian không còn nhiều

“NHTW có một loạt các công cụ để đảm bảo hệ thống hoạt động một cách thuận lợi, và điều kiện thanh khoản vẫn bình thường trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, Thống đốc NHTW Canada Stephen Poloz khẳng định với các phóng viên tại Washington hôm 11/10, nhưng ông từ chối cho biết chi tiết.

Lãnh đạo các NHTW cũng đã có cơ hội thảo luận nguy cơ vỡ nợ khi chủ tịch Fed Ben S. Bernanke tổ chức một bữa ăn trưa với người đồng cấp các nước hôm 12/10 trong phiên họp của IMF.

Thời gian hiện không còn nhiều cho các nghị sỹ Mỹ tìm giải pháp chấm dứt sự bế tắc có nguy cơ đẩy nước này tới bờ vực phá sản, nếu năng lực đi vay của chính phủ đông được nâng lên trước ngày 17/10. Trong ngày hôm qua, các thượng nghị sỹ đảng Dân chủ và Cộng hòa đã bàn thảo về một thỏa thuận tránh cho nước Mỹ không đụng trần nợ công, đồng thời chấm dứt việc chính phủ đóng cửa một phần suốt 15 ngày qua.

Với việc hiện tại không còn nhiều dư địa cho việc cắt giảm lãi suất như năm 2008, khi các NHTW lớn đồng loạt hạ lãi suất, nếu Mỹ vỡ nợ, các cơ quan quản lý đầu tiên sẽ phải tập trung bơm tiền vào hệ thống tài chính, Stewart Robertson, nhà kinh tế của công ty Aviva Investors Ltd tại London nhận định. Hiện công ty này đang quản lý khoảng 438 tỷ USD.

“Ngoài ra còn có một số biện pháp khác họ có thể đưa ra, như giảm căng thẳng thanh khoản”, Robertson nói. “Có thể họ sẽ dễ đối phó với tình hình hơn là sau vụ Lehman. Ở thời điểm đó thị trường thực sự lo ngại về việc ai đang nắm giữ hàng tỷ thậm chí hàng nghìn tỷ tài sản độc hại. Lần này mọi người biết rõ chuyện gì đang xảy ra”.

Trì hoãn nới lỏng chính sách tiền tệ

Trong khi các NHTW có thể sử dụng các hạn mức hoán đổi tiền tệ và tiếp tục chấp nhận trái phiếu chính phủ Mỹ làm tài sản bảo đảm, họ có lẽ sẽ trì hoãn việc nới lỏng chính sách tiền tệ, bởi họ sẽ đặt cược rằng Mỹ sẽ nhanh chóng kết thúc tình trạng vỡ nợ một khi các thị trường trở nên khó lường và nguy cơ suy thoái hiển hiện, chuyên gia Wood đến từ Berenberg Bank cho biết.

“Chỉ khi nào bạn nghĩ rằng việc vỡ nợ kéo dài và các chính trị gia không hành động đủ mạnh thì mọi người mới tung ra những chính sách tiền tệ lớn”, ông Wood phán đoán. “Liệu có ai mua thêm vô vàn trái phiếu một khi họ đã tin các nhà lập pháp sẽ hành động?”

Nhưng chắc chắn rằng, ngay cả các NHTW hùng mạnh nhất thế giới cũng không có đủ vũ khí để đảo ngược sự đổ vỡ của cái gọi là “phá sản kỹ thuật”, các lãnh đạo ngành tài chính cho biết.

“Nó sẽ giống như bịt băng cứu thương lên một vết thương rộng miệng”, đồng CEO của Deutsche Bank Anshu Jain phát biểu trong cuộc hội thảo tại Viện tài chính quốc tế tại Washington hôm 12/10. Jain cho biết phân tích của họ về hậu quả của một vụ “vỡ nợ kỹ thuật” cho thấy “có những tác động không thể bị đảo ngược”.

CEO Jamie Dimon của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase thì cho biết ngân hàng của mình có lẽ sẽ xử lý từ 6 - 7 tỷ USD/tuần tiền trợ cấp như an sinh xã hội, tem phiếu thực phẩm và trợ cấp cho cựu chiến binh. “Chúng tôi sẽ tài trợ cho nó, bất chấp thực tế rằng chúng tôi không được chính phủ trả tiền, bởi những người đó cần được ăn”.

Thanh Tùng
Theo Bloomberg

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm