Thế giới "có quá nhiều bất ổn", "độ độc" của corona càng tàn phá mạnh

Chuyên gia dự báo "độ độc" của virus corona về mặt chính trị còn lớn hơn, sức tàn phá của nó có thể còn nguy hiểm hơn nếu thế giới không tìm được một cơ chế hợp tác hiệu quả.

Thế giới sẽ rất khác
 

"Rõ ràng virus corona không chỉ là một con virus dịch tễ bình thường, mà nó còn là một virus chính trị làm sâu sắc hơn các mâu thuẫn giữa một số quốc gia và nó còn làm cho tiến trình chính trị thế giới đi vào thế đối đầu mạnh hơn giữa Mỹ và Trung Quốc và có thể còn nhiều hậu quả nguy hiểm hơn", PGS.TS Cù Chí Lợi, Viện Nghiên cứu châu Mỹ, nhìn nhận trong bài nghiên cứu của mình.

Tại Diễn đàn Việt Nam và thế giới thường niên với chủ đề năm 2020: "Đại dịch Covid-19 và những tác động cơ bản đối với thế giới" do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 18/12, ông Cù Chí Lợi dẫn giải: "Có thể về lâu dài, 'độ độc' của virus corona về mặt chính trị còn lớn hơn, sức tàn phá của nó có thể còn nguy hiểm hơn nếu thế giới không tìm được một cơ chế hợp tác hiệu quả".

Thế giới  có quá nhiều bất ổn, độ độc của corona càng tàn phá mạnh - 1

Hàng không bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19

Theo ông Cù Chí Lợi, sở dĩ virus corona có "độ độc hại" to lớn như vậy là do nó được sinh ra và lớn lên trong một bối cảnh thế giới "có quá nhiều bất ổn" và cân bằng quyền lực thế giới đang bước vào một thời điểm có tính chất bước ngoặt. Trong đó, có sự lên ngôi của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy; các quốc gia đẩy mạnh thực hiện các biện pháp bảo hộ,...

Theo chuyên gia Viện Nghiên cứu châu Mỹ, thế giới hậu Covid-19 "chắc chắn sẽ khác rất nhiều so với thế giới trước Covid-19".

PGS.TS Cù Chí Lợi kết thúc bài trình bày dài bằng một nhận định: Rất khó đoán định về một tương lai của thế giới, nhưng một điều chắc chắn là thế giới sẽ bước vào giai đoạn mới thiếu ổn định, gia tăng căng thẳng và xu thế hợp tác phát triển, quản trị toàn cầu sẽ khó khăn hơn. Sự chia rẽ Mỹ - Trung có thể sẽ được đẩy lên cao hơn và thế giới có thể còn mất nhiều năm để có thể tìm ra bài thuốc giải quyết mối căng thẳng này.

Trong bối cảnh này, các nước khó có thể tìm ra một chính sách tối ưu về quan hệ quốc tế và vì vậy, một giải pháp có thể chấp nhận được mà nhiều nước sẽ theo đuổi đó là thận trọng, quan sát và linh hoạt trong quan hệ quốc tế.

Ông Đoàn Hồng Quang, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, phác thảo tác động của Covid-19 đến kinh tế thế giới bằng những nhận định: Đây là cú sốc chưa từng có đối với đời sống y tế, kinh tế và xã hội, tác động đến tăng trưởng, thương mại, đầu tư, lao động.

Ông Quang cho rằng, dịch bệnh đẩy nhanh xu thế chậm dần trong tăng trưởng GDP. GDP giảm mạnh, tỷ trọng các nền kinh tế bị suy thoái, cao nhất kể từ thế kỷ 19. Thương mại cũng bị ảnh hưởng nặng nề, cao hơn hẳn các cuộc khủng hoảng trước. Nguồn vốn giảm đi, việc làm cũng giảm sâu. Trong khi đó, nợ toàn cầu tăng mạnh, rủi ro tiềm tàng của khủng hoảng tài chính.

Việt Nam làm điều khác biệt

Trong bài viết về tác động của Covid-19 đến Việt Nam, GS.TS Đặng Nguyên Anh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng: Cú sốc kinh tế do đại dịch Covid-19 có thể so sánh với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Hai cuộc khủng hoảng này giống nhau ở một số khía cạnh nhưng cũng rất khác.

Thế giới  có quá nhiều bất ổn, độ độc của corona càng tàn phá mạnh - 2


Hơn 400 đại biểu có mặt tại diễn đàn để bàn về thế giới hậu Covid-19

Nếu như trong năm 2008-2009, các Chính phủ đã can thiệp bằng chính sách tiền tệ và tài khóa để chống suy thoái và hỗ trợ thu nhập tạm thời cho các doanh nghiệp và hộ gia đình thì với khủng hoảng Covid-19, những hạn chế về đi lại và giãn cách xã hội nhằm làm chậm sự lây lan của dịch bệnh đã làm cho nguồn cung lao động, việc làm, giao thông vận tải bị ảnh hưởng trực tiếp.

Thêm nữa, các ngành dịch vụ bị đóng cửa, bao gồm khách sạn, nhà hàng, thương mại bán lẻ, du lịch, các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản và một phần đáng kể cơ sở sản xuất bị đình trệ.

GS.TS Đặng Nguyên Anh nhận định: Kinh nghiệm cho thấy, từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, thương mại không bao giờ quay trở lại xu hướng trước đó. Khả năng phục hồi mạnh mẽ sẽ cao hơn nếu đại dịch chỉ là một cú sốc tạm thời và sớm được kiểm soát. Trong trường hợp này, thương mại có thể sớm hồi phục. Mặt khác, nếu dịch bệnh kéo dài và lan rộng, các hộ gia đình và doanh nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Sản xuất, thương mại và tiêu dùng đều bị ảnh hưởng kéo dài.

Với Việt Nam, GS.TS Đặng Nguyên Anh cho rằng: Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bối cảnh khó khăn toàn cầu hiện nay. Đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước được tăng cường trong quý III/2020 là nguyên nhân thúc đẩy GDP tăng trưởng dương và cao hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực.

Dù đánh giá Việt Nam đã phát huy được sức mạnh trong cuộc chiến chống chọi với đại dịch, song GS Đặng Nguyên Anh cũng lưu ý: Đại dịch này mang đến những thách thức mới. Giảm chi phí lao động, phát triển thị trường trong nước, nâng cao sức tiêu thụ được xem là những yếu tố để cải thiện vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị khu vực và thế giới,...

Ngay từ bây giờ, Việt Nam cần xây dựng chiến lược hình thành chuỗi cung ứng một cách bền vững để có thể tiếp cận, hội nhập và kết nối với các nền kinh tế trên thế giới thông qua việc thực hiện tốt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết.

Sự tan rã của các chuỗi cung ứng toàn cầu gây ra nhiều thách thức, nhưng cũng mang lại cơ hội cho các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam; cần đa dạng hóa các nguồn cung cấp nguyên, nhiên liệu, tránh để sản phẩm tùy thuộc vào một hoặc hai nhà cung cấp.

"Nền kinh tế Việt Nam đang lấy lại động lực tăng trưởng từ cuối quý III và đầu quý IV khi Chính phủ đã cho phép dỡ bỏ những hạn chế nhằm tăng cường xuất khẩu và phát triển sản xuất công nghiệp. Đến nay, Việt Nam được xem là nền kinh tế có triển vọng và khả năng phục hồi mạnh mẽ trong khu vực ASEAN và có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao vào năm 2021 nhờ tăng đầu tư công, tăng cường thương mại với EU, Trung Quốc và điều chỉnh, phân phối lại chuỗi giá trị toàn cầu theo hướng có lợi cho Việt Nam", GS Đặng Nguyên Anh đúc kết.