Thẻ ATM vẫn chỉ để rút tiền

Tiện ích của thẻ ngân hàng là dùng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ thay vì dùng tiền mặt, nhưng đang có một thực tế là trên 70% các giao dịch của khách hàng trên máy ATM hiện nay vẫn chỉ để rút tiền.

Trong dịp lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, hầu như các máy rút tiền tự động ATM đều rơi vào tình trạng quá tải do người dân rút tiền quá nhiều. Phòng dịch vụ phát hành thẻ Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh TP.HCM (VCB - TPHCM) trước và trong ngày lễ, mỗi ngày nhân viên đi nạp tiền vào 30 máy ATM với số tiền khoảng 24 tỉ đồng thay vì 16 tỉ đồng như bình thường.

 

Bà Lý Thị Ngọc - Giám đốc Trung tâm thẻ Ngân hàng TMCP Đông Á (EAB) cho biết: "Rút kinh nghiệm những ngày nghỉ lễ trước đây, EAB tăng cường nạp tiền vào các máy ở những tuyến trọng điểm có khả năng khách hàng sẽ rút tiền nhiều". Hầu hết các ngân hàng phát hành thẻ đều phải tăng cường kế hoạch nạp tiền cho các máy ATM để không dẫn đến tình trạng máy hết tiền trong dịp lễ.

 

Từ khi các doanh nghiệp thông qua thẻ ngân hàng để chi trả lương, thưởng, số lượng thẻ phát hành của các ngân hàng đã tăng lên nhanh chóng. Cuối năm 2004, số lượng thẻ phát hành của VCB chỉ khoảng 550.000 thẻ, hiện nay lên khoảng 750.000 thẻ; EAB từ 70.000 thẻ vào cuối năm 2004 đã tăng lên 200.000 thẻ...

 

Tiện ích chủ yếu của thẻ ngân hàng là dùng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ thay vì dùng tiền mặt, nhưng thực tế hơn 70% các giao dịch của khách hàng trên máy ATM hiện nay chỉ để rút tiền.

 

Ông Huỳnh Song Hào cho rằng: "Các ngân hàng hiện đang triển khai thanh toán dịch vụ, hàng hóa bằng thẻ như trả phí bảo hiểm, tiền điện, cước điện thoại cố định, điện thoại di động... Tuy nhiên khách hàng sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán cho các dịch vụ này chỉ khoảng 30% trên tổng các giao dịch, chủ yếu vẫn là rút tiền.

 

Một trong những lý do người dân chưa thanh toán bằng thẻ là do tiện ích của thẻ ngân hàng chưa cao. Chị Thanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đang rút tiền tại siêu thị Co.op Mart cho rằng, nếu dùng thẻ thanh toán hàng hóa thì phải đến quầy có đặt máy quẹt thẻ và mất 5 - 10 phút mới hoàn thành xong giao dịch.

 

Trong khi đó, rút tiền mặt từ máy ATM đặt ngay sảnh siêu thị rồi thanh toán vẫn nhanh hơn. Anh Sơn vừa từ Hà Nội về TPHCM vẫn chưa hết bực tức do chiếc thẻ ngân hàng gây ra.

 

Tại Hà Nội, anh Sơn dùng thẻ rút tiền để thanh toán tiền khách sạn và mua vé máy bay. Nhưng khi đến máy ATM trên đường Lý Thường Kiệt thì máy bị trục trặc, đến máy ATM trên đường Hai Bà Trưng, máy cũng... trục trặc luôn. Nếu khách sạn và đại lý bán vé máy bay chấp nhận thanh toán bằng thẻ ngân hàng thì anh Sơn đã không phải khổ sở chạy tới, chạy lui rút tiền.

 

Các ngân hàng hiện nay cũng đang phải tính toán chi phí đầu tư máy ATM, máy POS (máy quẹt thẻ). Với cách đầu tư cục bộ, các ngân hàng phải bỏ ra chi phí lớn, bởi giá mỗi máy ATM khoảng 20.000 - 30.000 USD, giá máy POS khoảng 800 - 900 USD.

 

Trong khi đó, nếu các ngân hàng hợp tác thì số lượng điểm chấp nhận thẻ sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Chính vì các điểm chấp nhận thanh toán thẻ ngân hàng hiện nay vẫn còn hạn chế, sự bất cập khi chọn phương thức thanh toán hàng hóa dịch vụ bằng thẻ ngân hàng đã khiến tình trạng rút tiền từ máy ATM trở nên phổ biến.

 

Theo Thanh Xuân

Báo Thanh niên