Thẻ ATM an toàn đến mức nào?

Từ khi thẻ rút tiền tự động (ATM) trở nên phổ biến, đã từng xảy ra một số sự cố kỹ thuật và khách hàng than phiền bị mất tiền. Tranh chấp xảy ra, có khi không bên nào chịu bên nào.

Khó thuyết phục nhau

 

Cách đây không lâu, ông Huỳnh Đình Tích khiếu nại tài khoản ATM của mình bị mất 8 triệu đồng. Vietcombank (VCB) Đà Nẵng cho in chi tiết thời điểm số tài khoản trên thực hiện 4 giao dịch tại máy ATM số 11, mỗi lần rút 2 triệu đồng. Trong khi đó ông Tích khẳng định thời điểm đó ông không đi rút tiền và không ai đụng chạm đến thẻ ATM.

 

Bà Thu Loan khiếu nại về việc 5 triệu đồng trong tài khoản “không cánh mà bay”. Theo “hộp đen” máy ATM và dữ liệu của Trung tâm Thẻ VCB-TPHCM thì 5 triệu đồng của bà Loan được rút trong 2 phút tại một máy ATM trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TPHCM). Bà Loan thì quả quyết rằng vào thời điểm trên, bà đang đưa con đi khám bệnh nên không thể nào rút tiền được.

 

Làm gì để giao dịch an toàn?

 

Theo các chuyên gia ATM, nếu khách hàng bất cẩn để mã số pin của mình bị lộ thì nguy cơ mất tiền trong tài khoản là rất lớn. Chủ thẻ không nên cài đặt mã số pin quá đơn giản như số thứ tự, ngày tháng năm sinh, số xe, số điện thoại, số nhà.... Bởi khi mất thẻ, kẻ xấu có thể dò ra mã pin để rút tiền.

 

Tốt nhất, khoảng vài tháng chủ thẻ nên thay đổi mã số một lần. EAB đã từng bị quan chức trong ngành khiếu nại mất tiền trên thẻ ATM. Ngân hàng chứng minh người rút tiền là một nhân viên của vị quan chức trên; thì ra vị này đã cung cấp mã số pin cho nhân viên đi rút tiền rồi quên...

 

Khách hàng không giao thẻ và cấp mã số pin nhờ người khác rút tiền. Ngoài ra, khi giao dịch, khách hàng kiên nhẫn chờ đợi bởi có khi máy đưa tiền ra chậm và nếu có trục trặc phải báo ngay để ngân hàng có hướng xử lý.

 

Trường hợp khá phổ biến hiện nay, ở một số khu công nghiệp, doanh nghiệp chi trả lương thưởng qua ATM, khá nhiều công nhân chờ đợi rút tiền tại máy ATM như mua vé tàu vào dịp Tết, thậm chí có người không đủ kiên nhẫn đã giao thẻ và mã số pin nhờ đồng nghiệp rút tiền. Tình trạng này sẽ dẫn đến nguy cơ mất tiền trong tài khoản.

 

Thực tế cho thấy, các ngân hàng có số máy ATM trang bị camera là quá ít. “ngân hàng đã đầu tư được hệ thống ATM thì cũng cần trang bị những công cụ để có những bằng chứng bảo vệ khách hàng. Cách tự vệ tốt nhất là khách hàng đừng bao giờ chia sẻ với người khác thẻ ATM” - ông Đỗ Đức Cường, cố vấn cao cấp EAB, khuyến cáo.

 

Chưa có điều khoản ràng buộc ngân hàng bảo đảm chất lượng dịch vụ

 

Khi một giao dịch xảy ra tranh chấp hay khách hàng bị mất tiền mà ngân hàng không có đủ chứng cứ thuyết phục thì sự cố sẽ giải quyết như thế nào? Theo ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc ngân hàng Đông Á (EAB), ngân hàng sẽ bồi hoàn số tiền đã mất cho khách hàng. Một cán bộ Vietcombank (VCB) cũng cho biết, có những tranh chấp ngân hàng phải linh động bồi thường nhưng cũng có trường hợp ngân hàng đã có chứng cứ đầy đủ mà khách hàng không thừa nhận buộc phải nhờ đến pháp luật giải quyết.

 

Trao đổi với chúng tôi, hầu hết các ngân hàng đều khẳng định hệ thống ATM hiện nay hoàn toàn ổn định, khách hàng có thể yên tâm giao dịch. Tuy nhiên, trong quy chế phát hành thẻ do ngân hàng Nhà nước ban hành cách đây 6 năm, không có điều khoản nào ràng buộc các ngân hàng phải bảo đảm chất lượng dịch vụ.

 

Vấn đề nảy sinh như bảo vệ quyền lợi chủ thẻ chưa được quan tâm. Sẽ là mâu thuẫn khi Nhà nước khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt nhưng lại chưa có biện pháp bảo vệ quyền lợi chủ thẻ trước sự cố mất tiền trong giao dịch ATM, trong khi ngân hàng là bên bị khiếu nại và cũng là cơ quan giải quyết khiếu nại.

 

Theo Thy Thơ

Báo Người lao động