Thầy giáo 37 tuổi trở thành tỷ phú mới nhất của Ấn Độ
(Dân trí) - Tỷ phú mới nhất của Ấn Độ là một cựu giáo viên đứng lớp, người đã phát triển một ứng dụng giáo dục với mức định giá gần 6 tỷ đô la.
Byju Raveendran vừa gia nhập câu lạc bộ tỷ phú đô la của Ấn Độ sau khi Startup Think & Learn (Nghĩ và học) của anh nhận được 150 triệu đô la Mỹ tài trợ vào đầu tháng này.
Thỏa thuận đó đã giúp giá trị của công ty mà anh sáng lập đạt tới 5,7 tỷ đô la Mỹ, trong đó Raveendran sở hữu 21% cổ phần của công ty. Triển vọng phát triển của công ty đang ngày càng tích cực hơn khi ứng dụng Byju - đặt tên theo nhà sáng lập - sẽ hợp tác với Walt Disney để phát hành tại thị trường Mỹ vào đầu năm 2020.
Doanh nhân 37 tuổi này - người đã nói rằng muốn cách tân nền giáo dục Ấn Độ - đang thực hiện bước tiến lớn nhất về mặt địa lý và sáng tạo của mình. Trong ứng dụng Byju mới của anh, Vua sư tử Simba và công chúa Anna trong Frozen (hai nhân vật hoạt hình nổi tiếng của Walt Disney) sẽ dạy Toán và tiếng Anh cho học sinh từ lớp một đến lớp ba. Các nhân vật tương tự cũng sẽ đóng vai chính trong các video hoạt hình, trò chơi, câu chuyện và câu đố tương tác trong ứng dụng.
“Trẻ em ở khắp mọi nơi đều biết đến Disney với những nhân vật hoạt hình như Simba hay Moana, những nhân vật này sẽ tạo hứng thú cho bọn trẻ trước khi đưa chúng đến học tập”
Ấn Độ đang trải qua một thời kỳ bùng nổ của việc tạo ra của cải. Có rất nhiều các doanh nhân tự thân đang gia nhập hàng ngũ những tý phú, giúp cho đất nước tỷ dân này phát triển với tốc độ nhanh nhất thế giới. Và Raveendran, là một trong số đó.
Học trực tuyến đang bùng nổ tại Ấn Độ vì sự phổ biến của điện thoại thông minh và các gói mạng không dây giá rẻ. Quy mô thị trường học tập trực tuyến của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng hơn hai lần, lên 5,7 tỷ đô la vào năm 2020, theo Tổ chức Thương hiệu Ấn Độ thông báo.
Anil Kumar, giám đốc điều hành của Redseer Management Consulting, cho biết, “công nghệ giáo dục cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 đang là một trong những phân khúc phát triển nhanh nhất của thị trường Internet tại quốc gia này. Các công ty khởi nghiệp giáo dục Ấn Độ đang có cơ hội lớn để phát triển và sáng tạo ra các nội dung giáo dục độc đáo”, ông nói.
Và vận may của Byju cũng leo lên cùng với thị trường. Doanh thu của công ty dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi, lên 30 tỷ rupee (tương đương 435 triệu USD) vào tháng 3 năm 2020, Raveendran cho biết. Tốc độ tăng trưởng đó đã lọt vào mắt xanh của một số nhà đầu tư lớn nhất trong ngành, trong đó có cả người sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg và vợ Priscilla Chan.
Người sáng lập Byju, Raveendran lớn lên tại một ngôi làng trên bờ biển phía nam Ấn Độ, nơi cha mẹ anh là giáo viên. Tuổi thơ anh gắn liền với sân bóng và tự học ở nhà. Anh trở thành kỹ sư và sau đó bắt đầu giúp đỡ bạn bè, dạy họ kiến thức để đỗ kỳ thi vào các trường quản lý và kỹ thuật hàng đầu Ấn Độ.
Các lớp học lớn dần cho đến khi cuối cùng anh bắt đầu giảng dạy hàng ngàn người trong các sân vận động thể thao, trở thành một gia sư nổi tiếng và đi công tác khắp nơi trong những ngày cuối tuần.
Anh đã thành lập Think & Learn vào năm 2011, cung cấp các bài học trực tuyến trước khi ra mắt ứng dụng chính của mình vào năm 2015. Ứng dụng đã có tới 35 triệu học viên đăng kí, trong đó khoảng 2,4 triệu là học viên thân quen, đóng khoản phí hàng năm từ 10.000 đến 12.000 rupee (từ 3 đến 4 triệu đồng). Và cuối cùng điều này cũng giúp công ty có lãi trong năm tài chính vào tháng 3 năm 2019.
Đó là khi Raveendran bắt đầu kêu gọi các thêm vốn từ các nhà đầu tư dài hạn, người ủng hộ mới nhất của ông là Cơ quan Đầu tư Qatar. Trong vòng tài trợ mới nhất của Byju, doanh nhân này đã mua cổ phiếu để duy trì mức vốn chủ sở hữu của mình. Cùng với vợ và anh trai, gia đình Raveendran hiện nắm giữ tổng số cổ phần khoảng 35%.
Cách tiếp cận của Byju rất đơn giản – thu hút và khuyến khích trẻ em học tập bằng cách chuyển đổi kiến thức thành các nội dung hấp dẫn
Với ứng dụng mới nhất, tất cả các bài học đều được đặt trong bối cảnh của những phim hoạt hình kinh điển của Disney. Ví dụ, để dạy các bài học về nhiệt độ, ứng dụng dựng lên một cảnh mà công chúa Elsa trong Frozen bị ốm vì cô liên tục chơi với tuyết. Công chúa Anna đã lấy ra nhiệt kế để đo cơn sốt và một câu chuyện nhỏ sẽ được xây dựng xung quanh nóng và lạnh.
Thùy Dung
Theo Bloomberg