Thấy gì sau việc hàng loạt cổ phiếu bị cắt margin?

Thảo Thu

(Dân trí) - Cắt margin có thể khiến cho giá cổ phiếu giảm trong ngắn hạn nhưng cũng là cơ hội để nhà đầu tư mua với giá hấp dẫn nếu cổ phiếu bị loại do yếu tố kỹ thuật mà không liên quan triển vọng kinh doanh.

Loạt cổ phiếu "quen mặt" trên HoSE bị cắt margin

Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) mới đây thông báo bổ sung cổ phiếu PVD của Tổng công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin). Lý do là lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo soát xét bán niên 2022 âm 115,8 tỷ đồng.

PVD là cái tên mới nhất rơi vào danh sách 67 mã không được dùng đòn bẩy nợ để đầu tư trên sàn HoSE.

Thấy gì sau việc hàng loạt cổ phiếu bị cắt margin? - 1

Theo chuyên gia, cổ phiếu bị cắt margin là tín hiệu cảnh báo nhà đầu tư thận trọng với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi câu chuyện quản trị rủi ro (Ảnh: IT).

Trước đó, hôm 30/8, HoSE đã bổ sung 7 mã vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, gồm ASP của Tập đoàn Dầu khí An Pha, LEC của Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Miền Trung, MHC của Marina Holdings, VDS của Chứng khoán Rồng Việt, SBV của Siam Brothers Việt Nam, VIP của Vận tải Xăng dầu Vipco, BCE của Xây dựng và Giao thông Bình Dương. Nguyên nhân là doanh nghiệp lỗ ròng trên báo cáo soát xét bán niên.

Nhiều mã khác vốn "quen mặt" trên sàn HoSE cũng ở danh sách này từ trước đó, với nhiều lý do như lợi nhuận sau thuế trên báo cáo kiểm toán năm 2021 là số âm, chứng khoán thuộc diện kiểm soát, cảnh báo hay chậm công bố thông tin…

Có thể kể đến như HAG của Hoàng Anh Gia Lai, VOS của Vận tải Biển Việt Nam, VIC của Tập đoàn Vingroup, VAF của Phân lân Nung chảy Văn Điển, POM của Thép Pomina, HVN của Vietnam Airlines, NVT của Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay… Riêng Mã ITA của Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo bị đưa vào danh sách cắt margin do vi phạm công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong năm.

Cổ phiếu "cắm đầu" sau khi bị cắt margin

Ghi nhận tại báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021, PV Drilling có gần 47.000 cổ đông. PVD cũng là mã thường lọt nhóm giao dịch lớn trên thị trường, khi đạt hơn 10 triệu cổ phiếu mỗi phiên trong tháng gần nhất, tương đương giá trị sang tay hơn 200 tỷ đồng.

Với thông tin bị cắt margin, kết phiên ngày 31/8, PVD giảm 4,2% về 20.700 đồng/cổ phiếu. PVD xuất hiện nhịp điều chỉnh do hoạt động bán giảm tỷ trọng của nhà đầu tư, đặc biệt là những người đang sử dụng đòn bẩy margin tỷ lệ cao.

Nhiều mã khác cũng ghi nhận hiện tượng thị giá giảm mạnh sau thông tin cắt margin. Đơn cử, mã VDS được giao dịch gần 1 triệu cổ phiếu mỗi phiên, tương ứng hơn 10 tỷ đồng nhưng thanh khoản sau đó giảm một nửa trong các phiên gần nhất.

Mã MHC trong một tháng gần đây ghi nhận mức thanh khoản gần 200.000 cổ phiếu mỗi phiên, tương đương giá trị khoảng 1,5 tỷ đồng, nhưng cũng giảm một nửa lượng giao dịch sau tin tiêu cực.

ITA từng thu hút lớn sự quan tâm của nhà đầu tư với thanh khoản gần 9 triệu cổ phiếu mỗi phiên gần đây. Áp lực bán sau loạt thông tin tiêu cực khiến thị giá ITA đi xuống 15% sau một tháng và mất hơn 60% kể từ đầu năm.

Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với các mã khác như ASP, BCE, VIP… Thông tin bị cắt margin đã gây áp lực bán và sau đó thanh khoản cũng "bốc hơi" mạnh.

Hồi tháng 4, khi HoSE bổ sung 3 mã thuộc "họ" FLC là FLC, HAI, ROS vào danh sách các cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, các mã này ngay lập tức giảm kịch sàn.

Các mã dính "án" cắt margin tác động ra sao?

Margin hay đòn bẩy tài chính là việc vay tiền của công ty chứng khoán để đầu tư và tối ưu hiệu suất, bởi công cụ này tạo cơ hội tăng lợi nhuận trong trường hợp thị giá cổ phiếu tăng cao hơn lãi suất vay margin mà nhà đầu tư trả cho công ty chứng khoán.

Khi một cổ phiếu bị HoSE đưa vào danh sách không được sử dụng margin, công ty chứng khoán sẽ loại cổ phiếu ra khỏi danh mục ký quỹ, đồng thời, nhà đầu tư sẽ không được phép giải ngân mới với cổ phiếu đó. Đối với các khoản vay còn hiệu lực (thời hạn một khoản vay tối đa 90 ngày), tùy thuộc vào giá trị các tài sản trong danh mục, công ty chứng khoán sẽ xác định nhà đầu tư có cần bổ sung thêm tài sản đảm bảo tỷ lệ ký quỹ duy trì hay không.

Bản chất của việc HoSE cắt margin, thực chất là "bức rào" ban đầu bảo vệ nhà đầu tư khi lựa chọn sử dụng đòn bẩy đầu tư cổ phiếu, cũng như chế tài với doanh nghiệp niêm yết vi phạm quy định.

"Hai năm qua, thị trường chứng kiến làn sóng nhà đầu tư F0 tham gia, kéo theo nhiều "đội lái", các "room" hô hào trục lợi khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ", ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco, cho hay. Theo ông, những động thái mạnh tay sàng lọc các cổ phiếu nhiều rủi ro để hạn chế tổn thất cho nhà đầu tư là cần thiết.

Tuy nhiên, việc cổ phiếu bị cắt margin cũng gây ra một số tác động ngược tới nhà đầu tư, công ty chứng khoán, doanh nghiệp lẫn thị trường chung.

Cụ thể, lo ngại buộc nhà đầu tư phải bán cổ phiếu để đảm bảo theo đúng quy định của các công ty chứng khoán và trong ngắn hạn, động thái này tác động lớn đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp. Đặc biệt, với những mã đang đà tăng cao, thanh khoản lớn và lượng margin "căng", việc cắt margin sẽ khiến giá cổ phiếu nói riêng, thị trường chung chịu tác động.

Các công ty chứng khoán là bên cung cấp dịch vụ cũng chịu rủi ro, vì khoản thu từ các giao dịch ký quỹ luôn có đóng góp quan trọng trong cơ cấu lợi nhuận.

Ngoài ra, ông Khoa cho rằng, với các mã thanh khoản cao do yếu tố thị trường, bị "thổi giá" cao so với giá trị thật, việc cắt margin dẫn đến hiện tượng cổ phiếu mất thanh khoản và sàn liên tục nhiều phiên. Việc này khiến công ty chứng khoán đối mặt rủi ro nếu giá giảm về dưới giá cho vay và phải trích lập dự phòng tổn thất.

Tín hiệu cảnh báo thận trọng

Theo ông Nguyễn Anh Khoa, cổ phiếu bị cắt margin là tín hiệu cảnh báo nhà đầu tư thận trọng với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi câu chuyện quản trị rủi ro.

Tuy nhiên, có những doanh nghiệp chỉ gặp khó khăn tạm thời, cần thời gian để phục hồi. Nhà đầu tư nên tìm hiểu thêm câu chuyện bên trong doanh nghiệp, chất lượng tài sản, giá trị nội tại, ban lãnh đạo… để có cái nhìn khách quan với cổ phiếu.

Nhiều cổ phiếu trong quá khứ cũng từng bị cắt margin do gặp khó khăn, song một thời gian sau lại có bước chuyển mình, tăng giá và cải thiện thanh khoản. Ông Khoa nhận định, khi quan sát diễn biến, nhiều cổ phiếu vẫn tăng giá tốt, bất chấp việc bị cắt margin bởi có thể do yếu tố kỹ thuật chứ không phải do nội tại doanh nghiệp gặp vấn đề.

Tương tự với thị trường, yếu tố tác động chính là môi trường kinh tế vĩ mô và mặt bằng định giá cổ phiếu. "Tôi cho rằng việc cắt margin các cổ phiếu đơn lẻ cơ bản không ảnh hưởng tới thị trường", ông nói.

Theo chuyên gia này, việc cắt margin có thể khiến giá cổ phiếu giảm trong ngắn hạn. Tuy vậy, đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư mua các cổ phiếu tốt với giá hấp dẫn nếu cổ phiếu bị loại do yếu tố kỹ thuật chứ không liên quan tới triển vọng kinh doanh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm