Tháp Thiên niên kỷ thành biểu tượng... hoang tàn

Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây có tổng vốn đầu tư 50 triệu USD với quy mô hoành tráng nhưng đến nay “công trình thế kỷ” vẫn chỉ là một vùng đất trống được quây kín bằng tôn với rác rưởi và cỏ dại.

Được giới bất động sản kỳ vọng cao khi tọa lạc tại vị trí đắc địa bậc nhất trên địa bàn quận Hà Đông nhưng sau gần 6 năm kể từ khi được chấp thuận đầu tư, qua 1 lần điều chỉnh quy mô dự án từ 30 triệu USD lên 50 triệu USD, dự án Tháp thiên niên kỷ Hà Tây đến nay vẫn là… bãi đất hoang, chưa có hạng mục xây dựng nào được tiến hành.

Theo giới thiệu của chủ đầu tư dự án là Công ty TSQ Việt Nam, Dự án Tháp thiên niên kỷ Hà Tây có tổng mức đầu tư 50 triệu USD, với diện tích chiếm đất gần 6.000 m2. Toà tháp là một tổ hợp công trình đa chức năng bao gồm trung tâm thương mại, dịch vụ, căn hộ cao cấp... đồng bộ và hiện đại. Dự án được khởi công ngày 11/7/2008 và dự kiến hoàn thành vào quý IV/2010.

 

Thông tin dự án đến nay đã trở nên lố bịch.
Thông tin dự án đến nay đã trở nên lố bịch.

Đây là một dự án được chủ đầu tư giới thiệu rất rầm rộ và hoành tráng, nhấn mạnh rằng công trình như một điểm nhấn kiến trúc của Thủ đô Hà Nội: “Với ý tưởng thiết kế độc đáo từ những bó lụa Vạn Phúc, Tháp thiên niên kỷ Hà Tây sẽ là điểm nhấn kiến trúc của Thủ đô Hà Nội, một biểu tượng mang đậm tính văn hóa địa phương nhưng có thêm những đường nét mới của cuộc sống hiện đại”.

Những tiện ích được liệt kê một loạt để tăng thêm độ hoành tráng của dự án. Khu trưng bày văn hóa lụa: Trưng bày các sản phẩm lụa của làng Vạn Phúc. Đây không chỉ là đặc sản của làng mà còn là một thứ quà quý, đặc sản truyền thống của người Việt Nam. Chính vì lẽ đó lụa Vạn Phúc đã có mặt rộng rãi trong cả nước và thị trường quốc tế.

Tháp thiên niên kỷ Hà Tây được xem là một biểu tượng phát triển, niền tự hào của khu vực mới đầy năng động của Hà Nội. Đây cũng được xem là công trình đánh dấu sự phát triển thành công của TSQ trên thị trường Việt Nam như để khẳng định một thế lực trên thị trường BĐS.

Tòa tháp gồm 2 tòa nhà cao 45 tầng và 4 tầng hầm; khối đế có diện tích gần 16.000 m2 bố trí khu bán lẻ, nhà hàng, phòng tập, văn phòng cho thuê, nhà trẻ, khu trưng bày văn hóa lụa; khu căn hộ từ tầng 7 đến tầng 43 với hơn 700 căn hộ; tầng 44-45 là 10 căn hộ penthouse. Khu vực đỗ xe và xử lý kỹ thuật được bố trí tại tầng hầm. Và khách hàng muốn sở hữu căn hộ này cũng không phải là điều dễ dàng.

Theo quy hoạch chi tiết được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt, dự án Tháp thiên niên kỷ có quy mô 29 tầng với tổng vốn đầu tư 29,2 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó phía chủ đầu tư đã lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh quy mô dự án với 2 toà tháp cao 45 tầng và 4 tầng hầm với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD.

Những gì mà chủ đầu tư vẽ ra như vậy vẫn còn nằm trên giấy. Thực tế, sau thời gian dài triển khai xây dựng, đến nay bên trong dự án chỉ là bãi hoang cỏ mọc um tùm cùng đống máy móc đã hoen gỉ. Chủ đầu tư cũng hoàn toàn im lặng, không có bất cứ giải thích nào với các tổ chức có liên quan đến dự án và người dân sống trong khu vực.

Theo ý kiến người dân sống gần khu vực đất dự án tháp Thiên niên kỷ Hà Tây, hiện bãi đất này là nơi trú ngụ của nhiều loại muỗi, côn trùng và rác rưởi gây hôi hám, ô nhiễm môi trường. Hàng năm, các tổ dân phố gần khu vực này phải đồng loạt phun thuốc diệt muỗi.
 
Công trình vẫn chỉ là bãi đất hoang
Công trình vẫn chỉ là bãi đất hoang

Bà Hòa, một người dân tại phường Yết Kiêu bày tỏ: “Cách đây mấy năm nghe tin có dự án, người dân chúng tôi ai cũng vui mừng. Chúng tôi sống cạnh đây cũng được thơm lây bởi dự án đi vào hoạt động vừa thay đổi diện mạo Hà Đông cũng như đời sống cho nhân dân. Vậy mà đến giờ vẫn chỉ là bãi đất bỏ hoang, quây tôn để đó.”
Theo bà Hòa, việc dự án “đắp chiếu” ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh.

Ông Tuấn, một lái xe ôm ở gần đó cho hay, chỉ có vài chiếc máy xây dựng nằm trong khu đấy nhưng không có hoạt động gì. Bên ngoài, rào kín xung quanh bằng tôn, bên trong, cỏ hoang mọc um tùm, máy móc hoen rỉ. “Trong khi người dân đang thiếu khu vực công cộng như sân chơi trường học, bệnh viện, để một mảnh đất hàng nghìn mét vuông bỏ hoang như vậy thật lãng phí”, ông Tuấn nói.

Được biết, từ đầu năm 2012, cơ quan chức năng của Hà Nội đã về kiểm tra tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn Hà Đông, trong đó có dự án tháp Thiên nhiên kỷ Hà Tây. Nhưng đến nay, công trình vẫn im lìm.

Trong khi đó, trên web của đơn vị này cũng chỉ xuất hiện thông tin giới thiệu dự án dưới dạng “dự án đầu tư”, mà không có bất cứ thông tin nào về thời điểm xây dựng dự án, cũng như thời gian hoàn thành.
Theo Duy Anh
VEF