Tháo lui khỏi “vũng lầy” chứng khoán
Ngoài vài đợt sóng nhỏ diễn ra cuối tháng 7 đầu tháng 8, thị trường chứng khoán chưa có dấu hiệu khởi sắc hơn sau thời gian dài chìm trong khủng hoảng. Với các công ty chứng khoán, cơ hội tồn tại trở nên nghiệt ngã hơn nhiều…
Lặng lẽ rời sàn
Khi thị trường tăng trưởng nóng, chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 100 công ty chứng khoán khắp trong Nam ngoài Bắc ra đời. Theo thông tin đăng tải trên cổng điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tính đến trung tuần tháng 9, thị trường có 106 công ty chứng khoán.
Thế nhưng, trong số đó, có những cái tên thực tế không còn xuất hiện nữa, như Chứng khoán Đại Việt, Âu Việt. Có những cái tên chỉ còn tên mà thực tế đã coi như phá sản hoặc đang làm thủ tục phá sản, đóng cửa hoặc tê liệt, rơi vào vòng nguy hiểm, như Chứng khoán Chợ Lớn, Cao Su, Sao Việt, SME, Hà Nội, Trường Sơn…
Trên lộ trình tái cấu trúc thị trường, dự tính các công ty chứng khoán sẽ phải cơ cấu lại để còn khoảng 40 công ty đủ mạnh theo các yêu cầu từ SSC. Thế nhưng, trong bối cảnh khó khăn, các tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng tìm cách thoái vốn khỏi chứng khoán, thì ngay cả khi SSC không dùng các “biện pháp mạnh” để áp, bản thân các ông chủ cũng phải đau đầu tìm lối thoát, mà, cách được lựa chọn nhiều nhất hiện nay là thoái lui khỏi thị trường. Đó là hoàn cảnh của Chứng khoán Thủ đô (cổ đông lớn là Vinalines), chứng khoán Liên Việt…
Thông tư 210/2012/TT-BTC về hướng dẫn thành lập và hoạt động công ty chứng khoán, trong đó có quy định hạn chế đầu tư của các công ty chứng khoán, như không được đầu tư bất động sản, không nắm quá 20% vốn của DN niêm yết… lại càng khiến công ty chứng khoán khó khăn hơn. Vụ Quản ký Kinh doanh (SSC) cũng cho rằng, với các động thái đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường như thời gian qua, nhằm tạo một môi trường tốt trong kinh doanh, kiểm soát rủi ro tốt hơn, các công ty chứng khoán yếu kém sẽ phải ra đi và dự báo thời gian tới, số lượng các công ty chứng khoán sẽ còn giảm.
Đẩy “lửa” cho khối ngoại
Trong lúc các ông chủ nội tìm cách rời khỏi “sân chơi” chứng khoán, thì xu hướng “ngoại hóa” lại đang được thể hiện rõ hơn trên thị trường. Chứng khoán Maybank Kim Eng vừa trở thành công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài đầu tiên, khi khối ngoại sở hữu toàn bộ cổ phần của công ty. Một công ty chứng khoán khác là KVS cũng đang thương thảo với đối tác ngoại để chuyển công ty này thành 100% vốn nước ngoài…
Theo nhận định của một chuyên gia, các nhà đầu tư ngoại vẫn quyết tâm “dấn” sâu vào thị trường chứng khoán Việt Nam, bởi, mặc dù có nhiều biến động, nhưng thực tế thị trường thời gian qua cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục quan tâm đổ vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tính đến hết tháng 8/2013, Trung tâm lưu ký chứng khoán VSD đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 16.507 nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có 2.164 nhà đầu tư tổ chức và 14.343 nhà đầu tư cá nhân. Chính những nhà đầu tư ngoại này đóng vai trò quan trọng trong những khởi sắc ít ỏi của thị trường thời gian qua.
“Việc cơ cấu lại thị trường chứng khoán có mang lại hiệu quả hay không, không chỉ ở chỗ thu nhỏ số lượng, mà chính ở chỗ các công ty thay đổi mô hình quản trị, và cơ quan quản lý nhà nước cũng phải có chính sách quản lý phù hợp để quản lý hiệu quả thị trường trong nước và phù hợp với thông lệ quốc tế” – ông Nguyễn Quang Vinh, chuyên gia tài chính, nhận định.
Theo Lê Minh
Pháp Luật VN