Thành Zug - thiên đường của các phi vụ kinh doanh mờ ám
(Dân trí) - Đổi đời nhờ một tài phiệt trốn lệnh truy nã, nay Zug là nơi các nhà độc tài hay giới xì thẩu có thể yên tâm “làm ăn”, không phải nộp thuế mà lại tuyệt đối bí mật.
Đây là thời điểm tốt để gã khổng lồ ngành năng lượng Nga Gazprom ký hợp đồng xây dựng tuyến đường ống đầy tham vọng dài 1.200 km từ vùng Siberia sương gió qua Biển Baltic tới bờ biển nước Đức, hàng năm cung cấp khoảng 55 triệu m3 khí tự nhiên cho Tây Âu.
Với tổng vốn đầu tư 7,4 tỷ USD, có lẽ nhiều người sẽ kỳ vọng các lãnh đạo dự án bao gồm cả cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroder, sẽ ngồi tại những cao ốc bóng loáng tại Berlin hay Mát-xcơ-va. Nhưng tập đoàn với tên gọi Nord Stream này lại nằm lặng lẽ tại một thị trấn bé nhỏ ở Thụy Sỹ mang cái tên Zug.
Zug nhiều khi bị coi là một thị trấn hẻo lánh, cho dù cái hẻo lánh ấy vẫn có những chiếc Ferrari trị giá tới 630.000 đôla. “Đây là một thị trấn nhà quê ở Thụy Sỹ”, Christoph Eibl, một giám đốc tại quỹ đầu cơ Tiberius Asset Management tại Zug nói. “Chẳng có gì diễn ra ở đây cả”.
“Chẳng có gì” tức là không kể đến hoạt động kinh doanh nhiều bí ẩn tại Zug. Thị trấn này là nơi diễn ra những vụ áp phe khổng lồ của các tay đầu cơ hàng hóa cơ bản. Bên trong nhưng tòa nhà tầm tầm tại Zug, người ta mua bán những thứ quan trọng nhất trên trái đất này như quặng sắt, lúa mì, đồng, cô ban, tantali, khí tự nhiên, dầu, vàng, kim cương, nhôm…
Ít có chiếc xe nào đang chạy trên đường hay thiết bị nào trên bàn làm việc của chúng ta lại không được làm từ những nguyên liệu được giao dịch tại thị trấn này. Zug là bang nhỏ nhất ở Thụy Sỹ với 115.000 dân. Dù vậy đây là nơi đăng ký kinh doanh của hơn 29.000 công ty, gần tương đương với số dân trong thị trấn. Mỗi năm lại có thêm 1.000 công ty mới.
Danh sách ấy bao gồm cả Glencore, công ty buôn bán hàng hóa cơ bản lớn nhất thế giới. Công ty này trước đây chính là đế chế của Marc Rich. Năm 1983, Marc trốn khỏi Mỹ khi bị buộc tội trong vụ trốn thuế lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ cũng như tiến hành giao dịch với Iran trọng vụ khủng hoảng con tin năm 1979.
Rich chuyển tới Zug để đảm bảo bí mật cũng như hưởng mức thuế hấp dẫn. Ông đã biến Zug trở thành trung tâm của những giao dịch mờ ám. Đây là địa điểm giao dịch của bất kỳ người nào, cho dù đó có là một bạo vương khát máu hay một kẻ độc tài chuyên chế.
Zug nổi tiếng nhờ Rich nên dân địa phương cũng coi ông là người hùng chứ không phải là một tên tội phạm trốn lệnh truy nã. Rich vẫn điều hành hoạt động kinh doanh của mình từ một tòa nhà khiêm nhường nằm gần ga xe lửa ở Zug.
“Marc Rich đã đưa Zug lên bản đồ thế giới”, Stefan Gisler, thành viên Đảng Xanh tại Hội đồng thị trấn Zug nói. “Ông ấy đã nhìn ra lợi thế trong hệ thống thuế của chúng tôi và kiếm được vô khối lợi nhuận. Ông ấy chính là người tiên phong”.
Trong số hàng ngàn công ty theo bước Rich tới đây có người khổng lồ công nghệ sinh học Biogen và công ty dịch vụ khoan dầu khí lớn nhất thế giới Transocean. “Rất nhiều giao dịch mua bán hàng hóa cơ bản được thực hiện ở Geneva, nhưng đó là các giao dịch tài chính”, Bernhard Neidhard, Giám đốc Văn phòng Kinh tế và Lao động bang Zug, nói. “Còn các giao dịch viên? Họ ở Zug đây này”.
Neidhard nói các quan chức Thụy Sỹ cho rằng các công ty nước ngoài đóng thuế ở nơi họ hoạt động nhưng chọn Zug làm trụ sở chính là vì lối sống thanh lịch, vị trí trung tâm Châu Âu và chỉ cách các ngân hàng “phức tạp mà kín đáo” ở Zurich có 20 phút tàu hỏa.
Nhưng nhiều ông giám đốc có lẽ chẳng cần phải ngồi lên chuyến tàu ấy, vì “trụ sở” của họ thực ra chỉ là một thùng thư bên trong bưu điện thị trấn Zug. Zug từng là bang nghèo nhất ở Thụy Sỹ cho đến khi các viên chức nơi đây phát minh ra cái gọi là chế độ thuế nắm giữ (holding taxation) vào cuối những năm 1940.
Luật ấy cho phép các công ty đăng ký tại Zug chỉ phải nộp thuế cho phần thu nhập tạo ra ở Thụy Sỹ (vốn cực nhỏ bé). Trên giấy tờ thì Zug đánh thuế các công ty nước ngoài 8,8% nhưng Neidhard nói có thể khấu trừ số thuế ấy khi nộp thuế cho chính quyền liên bang Thụy Sỹ (thuế suất 8,5%) nên việc kinh doanh gần như là miễn thuế.
Vậy thì người Thụy Sỹ được gì? Dù có không nộp thuế, theo Business Network Switzerland tại Zurich, mỗi công ty vẫn giúp GDP của nước này tăng thêm 78 triệu USD/năm. Không bất ngờ khi các cử tri Zug phản đối bất kỳ nỗ lực tăng thuế doanh nghiệp nào, bất chấp những ý kiến cho rằng luật pháp tại Zug gây thiệt hại cho những nước nghèo nơi các công ty này hoạt động.
Nhưng luật thuế này còn hợp pháp đến bao giờ? Năm 2007, Ủy ban Châu Âu tại Brussels buộc tội các bang tại Thụy Sỹ như Zug đã bao che một cách bất hợp pháp cho các vụ trốn thuế thu nhập doanh nghiệp khổng lồ.
Thụy Sỹ không phải thành viên EU nên đã chặn đứng được mọi nỗ lực giải quyết tranh chấp của Châu Âu. Các chính trị gia Mỹ và EU đều thề se phá tan các thiên đường thuế nơi đây để đòi lại hàng tỷ USD tiền thất thu thuế. Nếu thuế có tăng thì Zug vẫn còn một lợi thế khác: đó là sự bí mật. Kể cả với liên bang Thụy Sỹ thì Zug vẫn im như thóc.
Dữ liệu về thuế là thứ tối mật, Neidhard nói kể cả ông cũng không được tiếp cận. Điều này khiến khó mà biết được hoạt động chính của một công ty là gì, hay thậm chí là ai sở hữu chúng. Tháng 3 vừa rồi, chuyện công ty dầu lửa nhà nước Angola Sonangol hợp tác với một công ty tại Zug với cái tên bí ẩn Exem Holding bị hé lộ. Không ai biết chủ của Exem Holding là ai.
Với những động thái gần đây của các quan chức Mỹ và Châu Âu, Zug khó có thể tiếp tục là nơi trú ẩn an toàn của giới đầu cơ. Dù thuế có tăng từ từ đi nữa thì cũng ít người muốn rời bỏ thị trấn bên hồ xinh xắn này.
Frank Dudley, phát ngôn viên của Nord Stream, nói: “Tuyến đường ống sẽ đi qua vùng nước của 5 quốc gia khác nhau, vì thế trụ sở phải đặt ở ngoài 5 nước này. Chúng tôi lựa chọn nơi đặt trụ sở trên tiêu chí trung lập”.
Trung lập, vâng, mà cả tiền và bí mật nữa.
Minh Tuấn
Theo Economist