Thành công không đến trước chông gai
Khi mới đưa ra chính sách quản lý thị trường vàng, đã có nhiều bình luận khác nhau thậm chí còn có nhiều ý kiến không ủng hộ. Thế nhưng nếu nhìn lại điều hành thị trường vàng thời gian qua, rõ ràng mục tiêu ổn định thị trường vàng của NHNN đã đạt được.
Giai đoạn 2011 trở về trước, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đặc biệt là những yếu kém nội tại tích tụ của nền kinh tế đã khiến thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Trước bối cảnh cấp bách đó, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã xác định phải tập trung mọi nguồn lực cho ổn định kinh tế vĩ mô. Trong lĩnh vực tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương ban hành hàng loạt các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách tiền tệ, những kết quả thu được rất đáng khích lệ.
Tái cấu trúc và hiện đại hóa
Trước năm 2011, với thị trường vàng, tỷ giá và lãi suất, lúc đó người ta chỉ có thể gói gọn trong cụm từ: “những con ngựa bất kham”; còn với thanh khoản và tín dụng của hệ thống ngân hàng luôn trong trạng thái căng thẳng thì không thể dùng từ nào để miêu tả khác hơn là “những căn bệnh kinh niên khó chữa”. Trước bối cảnh cấp bách đó, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã xác định phải tập trung mọi nguồn lực cho ổn định kinh tế vĩ mô.
Đơn cử như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) tháng 10-2011 đã xác định giai đoạn 2011-2015, ưu tiên hàng đầu của kinh tế Việt Nam là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đi đôi với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Nghị quyết 11/NQ-CP do Chính phủ ban hành ngày 24/2/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội…
Trong lĩnh vực tiền tệ, NHNN đã khẩn trương ban hành hàng loạt các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách tiền tệ theo hướng điều hành đồng bộ, nhất quán, kiên định theo các định hướng mục tiêu của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Sau những tháng ngày đầu mà nhiều thành viên thị trường không khỏi cảm thấy “sốc” với những biện pháp mạnh tay, quyết liệt của NHNN thì những kết quả thu được rất đáng khích lệ: Lạm phát từ mức cao (18,13% năm 2011) được kiểm soát tốt và duy trì ở mức thấp; thị trường ngoại hối ổn định hơn; cân bằng vĩ mô được cải thiện; thị trường vàng hết “điên đảo”, tình trạng đô la hóa được chặn đứng và từng bước được đẩy lùi; dự trữ ngân hàng tăng mạnh; mặt bằng lãi suất nhanh chóng giảm mạnh và hiện được duy trì ở mức thấp, qua đó hỗ trợ cho khu vực sản xuất; tín dụng tăng trưởng ở mức hợp lý, theo đúng mục tiêu điều hành và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm; căn bệnh kinh niên về thanh khoản cũng được giải quyết…
Nói cách khác, những hệ lụy và cũng là nguyên nhân của thời kỳ lạm phát cao, kinh tế vĩ mô bất ổn trước đó đã được hóa giải.
Đến lúc này, ai cũng có thể thấy bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam giai đoạn 2011 trở về trước (năm 2011, GDP tăng 6,2%, lạm phát 18,13%) đã được vẽ lại với gam màu tươi sáng hơn (năm 2015, GDP đạt 6,68% và lạm phát ở mức 0,63% - mức thấp nhất trong 14 năm trong khi nhu cầu trong nước về tiêu dùng và đầu tư tăng lên). Đây là điều mà các chuyên gia, giới phân tích cả trong và ngoài nước dường như không kỳ vọng vào đầu nhiệm kỳ.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa nhận định: “Chính sách tiền tệ trong giai đoạn 2011-2015 là một thành công căn bản và chưa bao giờ Việt Nam có một chính sách thành công như vậy”. Đây cũng là nhận định được các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra.
Bà Victoria Kwakwa- Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam trong một lần trả lời phỏng vấn cách đây chưa lâu cho rằng, một trong những điều mà bà cảm thấy ấn tượng nhất là việc Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn trong ổn định kinh tế vĩ mô.
“Khoảng 3-4 năm về trước, những bất ổn kinh tế vĩ mô thường xuyên xảy ra và lúc đó, một cảm nhận chung là không có những quan tâm đủ cần thiết đối với vấn đề này. Nhưng đến nay thì mọi người đều thấy được, đã có một sự thay đổi thực sự trong tư duy về tầm quan trọng của việc ổn định kinh tế vĩ mô của tất cả các nhà hoạch định chính sách, thể hiện ở những nỗ lực đưa ra trong suốt thời gian qua để đạt được mục tiêu này”- bà Kwakwa nói và nhận định: “Bên trong sự thành công của ổn định kinh tế vĩ mô thì chính sách tiền tệ chính là nhân tố quan trọng góp phần đạt được những kết quả đó. Nếu đánh giá chung thì chính sách tiền tệ thời gian vừa qua là đúng đắn, hiệu quả và đã đóng góp rất lớn vào ổn định kinh tế vĩ mô”.
Cùng quan điểm trên, TS Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, chính sách tiền tệ trong 5 năm qua đã giúp kinh tế Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng kinh tế phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, cung tiền và giữ xu hướng tăng dần qua các năm.
Song hành với thành công trong giải quyết những thách thức, khó khăn trước mắt và ngắn hạn trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN còn đồng thời tiến hành một nhiệm vụ nặng nề khác là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo Đề án 254.
Về vấn đề này, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng NHNN đã hành động rất quyết liệt, nhuần nhuyễn và công cuộc tái cơ cấu này sẽ tạo tiền đề quan trọng cho giai đoạn tiếp theo là hiện đại hóa hệ thống ngân hàng. Bởi thực tế, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cho đến lúc này cũng đạt được những thành quả rất đáng kích lệ, đặc biệt trong giải quyết nợ xấu và xử lý các ngân hàng yếu kém. Nợ xấu từ mức 2 con số năm 2012 nay đã đưa được về mức dưới 3% theo nghị quyết của Quốc hội.
Đồng thời, quyết liệt với tình trạng sở hữu chéo, cho vay “sân sau”, gây lũng đoạn hệ thống ngân hàng. Cho đến lúc này, không chỉ các ngân hàng yếu kém mà một số ngân hàng lớn, hoạt động lành mạnh cũng đã tiến hành tái cấu trúc và hiện đại hóa.
Để đi đến thành công, đến được đích cuối cùng thì những giai đoạn đầu triển khai chính sách sẽ vô cùng chông gai. Nhưng đồng thời, chính sách ấy dù có đúng đến mấy mà không làm cho dân tin, không làm cho xã hội tin thì cũng không đi vào được cuộc sống, nhất là trong chính sách tiền tệ. Sở dĩ nói vậy vì hai mặt của chính sách tiền tệ là tính thời sự (ngắn hạn) rất cao nhưng tính định hướng (trung dài hạn) cũng rất lớn. Do vậy đòi hỏi phải làm sao để cho người dân tin - không phải 10 năm sau mới tin - mà tin ngay từ những bước đi đầu tiên trong việc thực hiện chính sách đó.
Dấu ấn Tư lệnh ngành
Như vậy có thể thấy, thành công trong vực dậy hệ thống ngân hàng gặp nhiều khó khăn thời điểm năm 2011 về trước một phần quan trọng là nhờ có những chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Tiếp đến là những nỗ lực, quyết tâm cao của NHNN và hệ thống ngân hàng trong lựa chọn và triển khai đúng, kịp thời, quyết liệt các chính sách và giải pháp đồng bộ. Cùng với đó là sự chia sẻ, ủng hộ của doanh nghiệp và người dân, các thành viên thị trường và dư luận cho những quyết sách dù có thể làm vơi đi lợi ích nếu xét theo góc độ với từng doanh nghiệp cá nhân nhưng lại rất ích lợi với tổng thể nền kinh tế.
Nhưng ở đây, có một yếu tố không thể không nhắc tới, đó là dấu ấn của vị Tư lệnh Ngành. Nếu nhắc đến những cải thiện rõ nét và tích cực của ngành giao thông trong những năm trở lại đây người ta nhớ đến Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng thì những biến chuyển theo hướng lành mạnh, ổn định của hệ thống ngân hàng ắt hẳn không thể không nhắc tới vai trò của Thống đốc Nguyễn Văn Bình - người đã từng nhận được số phiếu tín nhiệm thấp ở Quốc hội ở đầu nhiệm kỳ. Ông cũng đã từng chịu không ít chỉ trích khi có những chính sách quyết liệt đối với thị trường vàng, tỷ giá…
Tâm niệm “thành công không đến trước chông gai”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình luôn cho rằng, chỉ có duy ý chí mới tin rằng một chính sách vừa ban hành sẽ thành công ngay tức khắc. Để đi đến thành công, đến được đích cuối cùng thì những giai đoạn đầu triển khai chính sách sẽ vô cùng chông gai. Nhưng đồng thời, chính sách ấy dù có đúng đến mấy mà không làm cho dân tin, không làm cho xã hội tin thì cũng không đi vào được cuộc sống, nhất là trong chính sách tiền tệ. Sở dĩ nói vậy vì hai mặt của chính sách tiền tệ là tính thời sự (ngắn hạn) rất cao nhưng tính định hướng (trung dài hạn) cũng rất lớn.
Do vậy đòi hỏi phải làm sao để cho người dân tin - không phải 10 năm sau mới tin - mà tin ngay từ những bước đi đầu tiên trong việc thực hiện chính sách đó. Do đó, việc bắt đầu triển khai trong thực tế một chính sách, một chủ trương bao giờ cũng khó khăn. Nhưng khi đã “khởi” rồi, đi được một chặng rồi và thấy đâu đó ở “cuối đường hầm” đã le lói lên ánh sáng, điều đó có nghĩa là chúng ta đã đi đúng đường. Đấy cũng chính là cơ sở quan trọng để chúng ta vững tin bước tiếp.
Ở đây, có thể lấy chính sách về thị trường vàng để dễ hình dung. Khi mới đưa ra chính sách quản lý thị trường này, đã có nhiều bình luận khác nhau thậm chí còn có nhiều ý kiến không ủng hộ. Thế nhưng nếu nhìn lại điều hành thị trường vàng thời gian qua, rõ ràng mục tiêu ổn định thị trường vàng của NHNN đã đạt được. Không còn tái diễn cảnh những cơn sốt vàng, đầu cơ làm giá, người dân nháo nhác đổ xô đi mua vàng; không còn sóng vàng tăng khiến đô la tăng… Điều đó cho thấy, lựa chọn chính sách ấy đã đi đúng hướng.
Thông qua cách thức điều hành của vị Tư lệnh ngành ngân hàng có thể thấy được, với một “trái tim nóng và cái đầu lạnh”, ông luôn quyết tâm theo đuổi tới cùng nếu lựa chọn chính sách đó là đúng đắn, cho dù ở thời điểm triển khai có thể chưa nhận được sự đồng thuận, thấu hiểu hoàn toàn của dư luận, thị trường. Nhưng cố nhiên cũng không nên hiểu như vậy là vị Tư lệnh ngành luôn bảo thủ với những gì mình đã đưa ra.
Khi một chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống, thông điệp đó đã thực sự được thị trường chấp nhận thì những hạn chế, khiếm khuyết của nó (nếu có) sẽ tiếp tục được điều chỉnh.
Đơn cử là chính sách điều hành tỷ giá. Trong khoảng 3 năm qua, vào đầu mỗi năm Thống đốc luôn đưa ra thông điệp về điều hành tỷ giá ổn định, linh hoạt và một mức điều chỉnh nếu có chỉ 2-3%. Khi thông điệp đó đã thực sự phát huy tác dụng, thị trường thực sự thấy và tin thì những hạn chế của nó- như doanh nghiệp sinh tâm lý ỷ lại, “phó mặc” rủi ro tỷ giá cho phía cơ quan điều hành chính sách; sự tích tụ và rất có thể phải có những điều chỉnh tỷ giá lớn trong tương lai; hay việc khó theo sát được diễn biến bất thường của thị trường ngoại hối toàn cầu... cần được giải quyết. Và một cách thức điều hành mới, phản ánh sát với thị trường hơn đã ra đời. Đó là cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm.
Đất nước đang trong giai đoạn hội nhập sâu rộng và nâng cao tầm vóc, vị thế trên trường quốc tế. Bởi thế không chỉ trong hiện tại, không chỉ ở ngành ngân hàng mà hết thảy các ngành trên đất nước này và trong mọi thời điểm, chúng ta cần và kỳ vọng sẽ có thêm nhiều hơn nữa những “trái tim nóng và cái đầu lạnh”, những vị Tư lệnh ngành mạnh mẽ, quyết đoán để góp phần đưa dải đất hình chữ S nhỏ bé ngày càng vươn cao, vươn xa.
Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam:
Khoảng 3-4 năm về trước, những bất ổn kinh tế vĩ mô thường xuyên xảy ra và lúc đó, một cảm nhận chung là không có những quan tâm đủ cần thiết đối với vấn đề này. Nhưng đến nay thì mọi người đều thấy được, đã có một sự thay đổi thực sự trong tư duy về tầm quan trọng của việc ổn định kinh tế vĩ mô của tất cả các nhà hoạch định chính sách, thể hiện ở những nỗ lực đưa ra trong suốt thời gian qua để đạt được mục tiêu này. Bên trong sự thành công của ổn định kinh tế vĩ mô thì chính sách tiền tệ chính là nhân tố quan trọng góp phần đạt được những kết quả đó. Nếu đánh giá chung thì chính sách tiền tệ thời gian vừa qua là đúng đắn, hiệu quả và đã đóng góp rất lớn vào ổn định kinh tế vĩ mô”.
Theo Đỗ Lê
Đại đoàn kết