Thăng - trầm doanh nhân tuổi Tỵ (P1)

(Dân trí) - Doanh nhân tuổi Tỵ nắm giữ nhiều cương vị quan trọng tại các tổ chức lớn, gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam, chẳng hạn Chủ tịch Vinamilk, nhà sáng lập ngân hàng ACB... hay những tên tuổi gắn với sự cố Vinashin, sóng gió tại ACB năm 2012 vừa rồi.

Theo tử vi phương Đông, những người sinh năm Tỵ thường có nhiều lợi thế để trở thành nhà triết học, thần học hay chính trị gia. Nhưng thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nhân tuổi Tỵ đã thành công trong các lĩnh vực họ theo đuổi với trí tuệ, tài phán đoán và tư duy độc lập của bản thân.

Năm Nhâm Thìn 2012 đầy biến động, doanh giới cũng vì thế mà lắm thăng trầm. Cùng Dân trí điểm lại những gương mặt "chìm nổi" của doanh nhân tuổi Tỵ ở Việt Nam nhân dịp đầu năm mới Quý Tỵ 2013:

1. Bà Mai Kiều Liên (Quý Tỵ - 1953):
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã chứng khoán VNM).

Thăng - trầm doanh nhân tuổi Tỵ (P1)

Bà Mai Kiều Liên sinh ngày 1/9/1953 tại Cần Thơ. Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư công nghệ chế biến sữa tại Nga, năm 1976, bà về nước khởi nghiệp tại Công ty Sữa và Cà phê miên Nam - tiền thân của Vinamilk và gắn bó ở đây, vươn lên trở thành lãnh đạo cao nhất tại Vinamilk sau nhiều năm cống hiến (là Tổng giám đốc VNM từ tháng 12/1992 và là Chủ tịch HĐQT từ năm 11/2003).

Mới đây, bà được Tạp chí Quản trị Doanh nghiệp châu Á có trụ sở tại Hongkong vinh danh là CEO xuất sắc của châu Á trong lĩnh vực Quan hệ với nhà đầu tư năm 2012. Giải thưởng nhằm tôn vinh những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực quan hệ với nhà đầu tư của các công ty nhà nước, tư nhân và cả những tổ chức phi lợi nhuận trong châu Á.

Bà Mai Kiều Liên là CEO duy nhất và đầu tiên của Việt Nam nhận được giải thưởng này cùng với các lãnh đạo tập đoàn lớn khác trong khu vực như DBS Group, Singapore Airlines, HTC, Nissan Group, San Miguel...

Trước đó, vào hồi tháng 2 năm ngoái, bà Liên nằm trong Top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á và là người duy nhất mang quốc tịch Việt Nam được Forbes bình chọn.

Vinamilk hiện là một trong những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam với vốn hóa thị trường đạt trên 85.000 tỷ đồng. Đóng cửa phiên cuối năm Nhâm Thìn 8/2/2013, cổ phiếu VNM đứng giá tham chiếu 102.000 đồng/cp.

Năm 2012, Vinamilk đạt 27.100 tỷ đồng doanh thu, tăng 23% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 5.819 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2011. Lãi trên cổ phiếu (EPS) ở mức 6.981 đồng/cp.

2. Ông Trần Mộng Hùng (Quý Tỵ - 1953):
Nhà sáng lập và nguyên là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), hiện là Thành viên HĐQT ngân hàng.

Thăng - trầm doanh nhân tuổi Tỵ (P1)

Ông Trần Mộng Hùng nguyên là Tổng Giám đốc ACB trong hai năm 1993-1994 và sau đó trở thành Chủ tịch ngân hàng này trong suốt 14 năm liền, từ năm 1994 đến năm 2008.

Hồi tháng 12/2012 vừa rồi, sau gần 1 nhiệm kỳ vắng bóng, ông Hùng xuất hiện trở lại làm Thành viên HĐQT ngân hàng. Sự trở lại này của nguyên Chủ tich ACB nhằm cùng con trai Trần Hùng Huy hiện đang là đương kim Chủ tịch ACB và ban lãnh đạo lèo lái ngân hàng vượt qua giai đoạn đầy khó khăn và biến động với việc một loạt ngân hàng dính vào vòng lao lý.

Ngoài ra, tại HĐQT ACB còn có sự góp mặt của vợ ông Hùng là bà Đặng Thu Thủy. Thống kê của Dân trí dựa trên Báo cáo Quản trị ngân hàng năm 2012 cho thấy, đến cuối năm ngoái, gia đình ông Trần Hùng Huy cùng những người liên quan sở hữu gần 106 triệu cổ phiếu ACB, trong đó số cổ phần mà chỉ riêng gia đình Chủ tịch ACB đang nắm giữ tại ngân hàng là 78,34 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ nắm giữ đạt 8,36%.

Tính theo thị giá ACB ngày 8/2/2013 là 17.800 đồng/cp, khối tài sản của đại gia đình này trên sàn chứng khoán đạt gần 1.400 tỷ đồng.

3. Ông Phạm Thanh Bình (Quý Tỵ - 1953):
Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc và Bí thư Đảng Ủy Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin

Thăng - trầm doanh nhân tuổi Tỵ (P1)

Trong những nhân vật được nêu tại danh sách các doanh nhân tuổi Tỵ lần này, ông Phạm Thanh Bình là 1 trong 2 cái tên để lại dấu ấn buồn cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian những năm trở lại đây.

Ông Bình nguyên là kỹ sư vỏ tàu, cán bộ cấp phòng Viện Nghiên cứu Thiết kế cơ khí giao thông vận tải năm 1977 và sau đó lên giữ chức Phó Viện trưởng vào năm 1994. Đến 1996 thì được điều qua là Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (tiền thân của Tập đoàn Vinashin).

Tháng 8/1998, được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinashin và được phân công kiêm chức vụ Bí thư Đảng ủy Tổng công ty này từ tháng 6/2003.

Tính đến năm 2010, ông Bình là người giữ quyền lực cao nhất tại Vinashin trong hơn 7 năm. Biến cố xảy ra vào tối 4/8/2010 khi ông Bình bị bắt giam vì hành vi "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Với tội danh này, ông Bình y án 20 năm tù và lãnh mức bồi thường hơn 500 tỷ đồng, mặc dù đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cùng số tiền bồi thường.
Theo bản cáo trạng, ông Bình đã được giao trọng trách lớn khi quản lý một tập đoàn kinh tế trọng điểm nhưng lại không làm tròn nhiệm vụ, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện phạm tội.

Trong các sai phạm tại những dự án mua tàu Hoa Sen, Nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định) và Nhà máy nhiệt điện Điesel Cái Lân (Quảng Ninh), ông Bình được xác định là người tổ chức, giữ vai trò quyết định.

Ông Phạm Thanh Bình còn bổ nhiệm con trai và em ruột làm đại diện phần vốn của Nhà nước, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trái quy định của Đảng và Nhà nước.

Dưới thời ông Bình, Vinashin gánh những khoản nợ rất lớn, mất khả năng thanh toán; nợ quá hạn và đến hạn không có khả năng thanh toán lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng, hơn 5.000 lao động không có việc làm; các khoản nợ lương và bảo hiểm xã hội lên đến 234 tỷ đồng.

Khi được nói lời cuối cùng, cực Chủ tịch Vinashin đã chịu tất cả trách nhiệm hành vi trong các dự án, xin lỗi Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân vì không thực hiện đúng chức danh, nhiệm vụ được giao; đồng thời xin lỗi tất cả nhân viên Tập đoàn Vinashin vì không đưa được con tàu Vinashin đến bến bờ phát triển.

4. Lý Xuân Hải (Ất Tỵ - 1965)  
Nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)
Thăng - trầm doanh nhân tuổi Tỵ (P1)

Ông Lý Xuân Hải sinh tại Hà Nội, có học vị rất cao với bằng Thạc sĩ Kinh tế tại Đại học Paris Dauphine (Pháp) và Tiến sĩ Toán - Lý Đại học Tổng hợp quốc gia Belarus.

Về ACB từ năm 1996 với cương vị Phó Giám đốc Chi nhanh Hải Phòng, và chỉ 2 năm sau đó, ông đã được cất nhắc lên vị trí Giám đốc Chi nhánh này. Bốn năm sau đó, ông được điều động về Hội sở giữ chức Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính (CFO) của ngân hàng.

Năm 2002, ông được giao giữ trọng trách làm Tổng giám đốc Chứng khoán ACB (ACBS) vào thời điểm thị trường chứng khoán trong nước mới hình thành. Đến tháng 6/2005, ông Lý Xuân Hải chính thức trở thành Tổng Giám đốc ACB - ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam tính theo tổng tài sản.

Nhìn lại chặng đường thăng tiến của ông Hải, có thể đánh giá, đó là một chặng đường đầy thuận lợi và suôn sẻ. Thế nhưng, "cuộc vui ngắn chẳng tày gang", sau 7 năm trên ghế nóng điều hành, chiều 23/8, ông Lý Xuân Hải bị bắt tạm giam và khởi tố bị can ở độ tuổi 47 với hành vi "Cố ý làm trái quy
định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng". Trước đó đúng 3 ngày, ông Nguyễn Đức Kiên, người từng nằm trong Hội đồng sáng lập ngân hàng này cũng đã bị bắt với cáo buộc tương tự.

Ngay sau đó, 4 lãnh đạo khác của ACB bao gồm ông Trần Xuân Giá, nguyên chủ tịch ACB, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, nguyên phó chủ tịch HĐQT cũng chính thức từ nhiệm và dính vào vòng lao lý. Đến nửa cuối tháng 9, các nhân vật này đều bị khởi tố bị can.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, các nhân vật này, trong đó có ông Lý Xuân Hải đã cố ý làm trái, ra chủ trương để ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền VNĐ và USD vào 29 ngân hàng để hưởng lãi suất cao hơn trần lãi suất do NHNN quy định. Trong đó, việc gửi tiền vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TPHCM để hưởng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,7 – 8%/năm đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 718,908 tỷ đồng.

Hậu quả để lại được cho là "đặc biệt lớn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh tiền tệ, gây bất ổn đến chính sách tiền tệ của Chính phủ và trực tiếp gây thiệt hại cho ACB 718,908 tỷ đồng". Đây chỉ là một phần trong 4.000 tỷ đồng mà Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt, theo xác định của cơ quan điều tra.

Cũng theo cơ quan điều tra, hành vi của ông Lý Xuân Hải và các bị can khác đều có liên quan đến vụ kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội, Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu, Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B (các công ty của Nguyễn Đức Kiên) và ACB.

Vụ án đang được điều tra và đã để lại một dấu ấn buồn cho nền tài chính và kinh tế Việt Nam 2012, khi chỉ sau "tích tắc", thị trường chứng khoán bị đánh sập, hàng nghìn tỷ đồng "bốc hơi" nhanh chóng.

(Còn nữa)

Mai Chi
Tổng hợp