1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thận trọng khi giao dịch khớp lệnh liên tục

5 phiên chính thức áp dụng phương thức giao dịch khớp lệnh liên tục (KLLT) vừa qua chưa đủ để giúp các nhà đầu tư (NĐT) quen với cách khớp lệnh mới này. Đó là lý do mà nhiều NĐT đã chọn cách tạm ngừng giao dịch để quan sát thị trường diễn biến thế nào với phương thức giao dịch mới này.

KLLT vẫn có thể “làm giá”

Theo dõi diễn biến trên bảng giá điện tử từ khi thị trường mở cửa đến khi kết thúc phiên KLLT trong ngày 1/8, chị Thanh - một NĐT tại sàn BVSC - mới đặt lệnh mua cổ phiếu (CP) VSH trong đợt khớp lệnh định kỳ cuối cùng.

Chị cho biết mặc dù mình cũng đã nắm được cách thức giao dịch KLLT nhưng vẫn chưa dám tham gia, lý do là: “Đặt lệnh trong phiên định kỳ cho chắc ăn. KLLT thấy cũng dễ nhưng cứ để theo dõi một thời gian nữa rồi mới tham gia”. Những NĐT đang có tâm lý giống chị Thanh hiện nay khá nhiều.

Theo các chuyên gia chứng khoán, những NĐT khi tham gia vào KLLT thì phải chú ý đến những yếu tố kỹ thuật của nó. Đó là loại lệnh ATO (là lệnh đặt mua hay bán chứng khoán tại mức giá mở cửa) sẽ được ưu tiên thực hiện trước lệnh giới hạn (LO - lệnh mua hoặc bán tại mức giá xác định).

Hơn nữa, lệnh ATO sẽ tự động bị hủy khi thị trường chuyển từ việc khớp lệnh định kỳ sang KLLT. Nếu NĐT đặt lệnh ATO mà chưa được khớp thì phải đặt lệnh lại trong phiên giao dịch KLLT.

Trong khi đó, lệnh LO lại vẫn nằm trên sổ chờ cho đến khi hết ngày giao dịch. Do vậy, NĐT nếu không muốn thực hiện tiếp lệnh LO trong các phiên giao dịch sau thì phải làm lệnh hủy như trong khớp lệnh định kỳ từ trước đến nay.

Một vấn đề quan trọng là dù phương thức KLLT rất khó để một số NĐT “làm giá” nhưng vẫn có thể xảy ra. NĐT muốn “làm giá” để bán (sử dụng 2 tài khoản trở lên nhờ được ủy quyền) có thể sẽ đặt lệnh bán với giá cao, khối lượng nhỏ ở đầu phiên và sau đó đặt mua lại với giá thấp, khối lượng lớn và làm ngược lại nếu muốn mua.

Kỹ thuật này có thể thực hiện được trong thời gian đầu thực hiện KLLT khi một số NĐT chưa nắm vững phương thức giao dịch và vẫn quen theo kiểu đặt mua giá trần và bán giá sàn như trong khớp lệnh định kỳ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tươi - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đà Nẵng - các mức giá không thể hiện kịp trên bảng điện tử trong phiên KLLT, do đó NĐT cần xác định cho mình một mức giá mua bán tốt nhất để đặt lệnh chứ không chỉ căn cứ vào mức giá còn lại trên bảng điện tử.

Ví dụ trong phiên KLLT ngày 1/8, giá cổ phiếu (CP) FPT liên tục được khớp ở mức 240.000 đồng/CP trong khi mức giá còn lại thể hiện trên bảng ở các mức 242.000 đồng, 243.000 đồng và 245.000 đồng/CP.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Kế toán-Tài chính-Ngân hàng, Trường ĐH Mở TPHCM, cho rằng: “Thậm chí việc giá CP đã được đẩy lên ở mức cao trong phiên khớp lệnh định kỳ trước đó để đến phiên 2 KLLT thì tiếp tục bán ra với giá kịch trần. Tuy nhiên hiện nay, những NĐT muốn làm giá phải dựa trên những cơ sở tốt về một loại CP nào đó chứ không dễ như trước đây”.

Có nên KLLT hoàn toàn?

Theo giám đốc một công ty chứng khoán tại TPHCM, trong ngày đầu tiên thực hiện KLLT, kết quả xử lý sau đợt 1 khớp lệnh định kỳ của TTGDCK TPHCM trả về cho công ty vẫn còn khá chậm. Điều này sẽ khiến việc trả lại tiền vào tài khoản cho NĐT để họ tiếp tục đặt lệnh cho phiên KLLT không kịp ngay từ đầu.

Tuy nhiên, đến phiên giao dịch ngày 1/8 thì gói lệnh được trả về đã nhanh hơn. Ông hy vọng trong thời gian tiếp theo, việc trả gói lệnh đó sẽ nhanh hơn nữa. Cũng theo vị tổng giám đốc này, việc không có thời gian nghỉ giữa đợt khớp lệnh định kỳ và KLLT khiến các công ty chứng khoán không xử lý kịp những việc sau khi khớp lệnh.

Nếu như TTGDCK TPHCM cho áp dụng luôn việc KLLT như sàn Hà Nội thì sẽ không có gì trục trặc nữa. Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận lại cho rằng việc áp dụng KLLT xen kẽ với hai phiên khớp lệnh định kỳ của TTGDCK TPHCM hiện nay đang có ưu điểm riêng của nó.

“Trong KLLT, sẽ có nhiều mức giá được thực hiện khác nhau khiến NĐT không biết giá nào là giá tốt để mua bán, đặc biệt là những NĐT chưa có kinh nghiệm lại càng lúng túng hơn.

Mức giá trong KLLT không phản ánh đúng cung cầu của thị trường vì số lượng thực hiện ở mỗi bước giá không nhiều. Trong khi đó, khớp lệnh định kỳ sẽ tập hợp được một số lượng lớn cung cầu và khớp ở mức giá tốt nhất. Vì vậy theo tôi không nên bỏ khớp lệnh định kỳ”, TS Thuận nói.

TTGDCK TPHCM cho biết đã xây dựng phương án dự phòng với những phương án cụ thể cho từng tình huống xảy ra như tăng thêm máy chủ, tăng đường truyền... trước khi thực hiện KLLT.

Trong đó, thời gian thông báo việc khớp lệnh từ trung tâm về đến công ty chứng khoán chỉ từ 2 - 3 giây nhưng đôi khi phụ thuộc vào thời điểm giao dịch và lưu lượng của đường truyền nên có thể chậm hơn.

Bản thân TTGDCK TPHCM đến giờ phút này vẫn chưa thể đánh giá hết được kết quả thực hiện của phương thức KLLT đang được áp dụng. Vì vậy NĐT cũng phải cập nhật các kiến thức cho mình cũng như các công ty chứng khoán đều phải chuẩn bị mọi công tác để cho việc giao dịch trên thị trường luôn diễn ra suôn sẻ.

Theo Mai Phương
Báo Thanh niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm