TP.HCM:
Thâm nhập chợ “mua người chán, bán người cần” giữa lòng Sài Gòn
(Dân trí) - Không hợp đồng mua bán, cũng chẳng cần hóa đơn chứng từ hay quảng cáo rầm rộ. Nhiều cửa hàng bán đồ cũ trên đường Phạm Văn Bạch (phường 15, quận Tân Bình) được nhiều người biết đến như phiên chợ “mua của người chán, bán cho người cần”.
Hơn 10 năm trước, đường Phạm Văn Bạch nổi lên vài điểm bán đồ cũ. Với tiêu chí “mua của người chán, bán cho người cần” nên bất cứ ai, đặc là những người khó khăn về kinh tế khi đến với những cửa hàng đồ cũ này sẽ tùy ý lựa chọn cho mình được những sản phẩm thiết yếu nhất trong sinh hoạt hàng ngày mà giá cả rất hợp túi tiền.
Từ ti vi, tủ lạnh, quạt máy đến bàn ghế tủ quần áo, xe đẩy, xe bánh mỳ, xong nồi ấm chén…đều có đủ. Cả những loại máy móc như phocopy, máy may công nghiệp, mô tơ, máy bơm nước cũng có đủ.
Theo nhiều người buôn bán đồ cũ tại tuyến đường này, ban đầu chỉ có vài người kinh doanh. Thời gian gần đây thì “nở rộ”, đồ cũ được chuyển về chất đầy kho và tràn cả ra lề đường. Để có được những mặt hàng phong phú “hút khách”, các chủ mua bán đồ cũ cần có “mạng lưới” thông tin dầy đặc. Hễ nơi đâu có nhà chuyển đi, đến, các hàng quán buôn bán ế ẩm muốn bán tháo đồ là phải có mặt ngay để “nhập hàng”. Lực lượng cung cấp thông tin chủ yếu là những người mua bán ve chai.
Vừa tấp xe vào một cửa hàng chợ đồ cũ, người bán hàng đã đon đả tiếp đón, kèm theo đó là lời giới thiệu sản phẩm nghe “mát tai”: “Ở chỗ chị cái gì cũng có, hàng gần như mới 100% nhưng giá cực mềm. Em muốn mở văn phòng, quán cà phê sân vườn hay quán ăn chị đều cung cấp được hết. Cần máy in hay máy photo chị cũng có nguồn hàng rất rẻ”.
Qua tìm hiểu, lượng khách chủ yếu tìm đến chợ đồ cũ này là công nhân và lao động nghèo. Anh Vũ Quang Phương (27 tuổi, quê Bắc Giang, tạm trú phường 15, quận Tân Bình) chi sẽ: “Tụi em làm công nhân, đi ở trọ nên chẳng muốn mua sắm gì có giá trị. Khi cần thì chạy ào ra mua vào thứ cần cho sinh hoạt hàng ngày là được, giá cả cũng hợp lý. Nhiều khi may mắn chộp được những thứ của nhà giàu bỏ ra thì mình dùng ngon lành”.
Lý giải về sự hình thành của khu chợ đồ cũ này, ông Tạ Quang Trúc (chủ một cửa hàng tại đây) cho biết; do khu vực này tập trung dân từ nhiều tỉnh thành đến làm ăn nên kinh tế còn khó khăn. Cộng với việc những nhà gốc ở thành phố giàu lên nhờ các dự án bất động sản nên họ thay đổi đồ liên tục. “Chúng tôi buôn bản chủ yếu nhắm vào túi tiền của người mua và nhu cầu tiện lợi của người bán. Nhiều khi họ dọn nhà gọi mình đến bán rẻ hoặc bán ve chai, thấy đồ còn tốt nên tôi mang về tích lũy, sửa sang lại chút rồi bán cho người khác” – Ông Trúc chia sẻ.
Khi “ăn ra làm nên”, những cửa hàng kinh doanh đồ cũ đang tự nâng cấp nguồn hàng bằng cách tìm đến các công ty, quán xá cần giải thể để thanh lý hàng rồi bán lại cho những người cần mở tiệm, mở văn phòng. Cũng theo ông Trúc, vào giai đoạn năm 2010 trở về trước muốn tìm được một mối kiểu như trên thì coi như “trúng số” và phải trích lại “hoa hồng” cho người báo tin. Tuy nhiên, 2 năm lại đây thì hàng này vô số, đôi lúc không đủ tiền để đi mua, hàng đưa về chất kín mọi lối đi trong nhà.
“Thời buổi này khá khó khăn, nên nhiều doanh nghiệp nhỏ phá sản phải gọi mình đến bán nhằm vớt vát chút vốn. Dù mua được hàng tốt, giá rẻ nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy buồn khi chứng kiến cảnh người chủ lầm lũi dọn dẹp trả mặt bằng. Hầu như ai cũng thua lỗ nặng, thậm chí phá sản rơi vào cảnh nợ nần chồng chất” – Ông Trúc kể.
Sau lời của ông Trúc, chúng tôi đưa mắt quan sát, quả nhiên khá nhiều loại đồ dù mang danh nghĩa là đồ cũ nhưng vẫn còn chưa bóc tem, giá cả so với các cửa hàng chính thống luôn luôn thấp hơn 30%. Ghi nhận dọc tuyến đường Phạm Văn Bạch, hầu hết các cửa hàng đã chất đầy đổ cũ. Dù không có tổ chức, hiệp hội nhưng mọi người kinh doanh nơi đây đều tuân thủ một quy luật “bất thành văn” là: rẻ, bền và đẹp, “mua của người chán, bán cho người cần”.
Trung Kiên