1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thaco dừng mua thêm cổ phiếu, HAGL Agrico còn nợ BIDV bao nhiêu?

Vân Khánh

(Dân trí) - Thaco dừng việc mua thêm cổ phiếu HAGL Agrico vì chưa nhận được giấy tờ do các giấy tờ đất đang bị giữ ở BIDV. Vậy HAGL Agrico đang còn nợ BIDV bao nhiêu tiền?

Thaco dừng mua thêm cổ phiếu, HAGL Agrico còn nợ BIDV bao nhiêu? - 1

Thaco vừa công bố dừng việc mua thêm cổ phiếu HAGL Agrico.

Thaco dừng mua thêm cổ phiếu HAGL Agrico

Mới đây, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã chứng khoán: HNG), đã công bố Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco), đại diện là Công ty Cổ phần Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) sẽ dừng việc đầu tư sở hữu 741,5 triệu cổ phiếu HNG như đã thông qua tại họp ĐHĐCĐ bất thường trước đó.

Thagrico đưa ra các nguyên nhân như sau: 

Đầu tiên, nhằm hỗ trợ HAGL Agrico có tiền để trả nợ trung hạn cho BIDV và các ngân hàng khác, năm 2019, Thagrico đã nhận chuyển nhượng của HNG 3 công ty con gồm Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương, Công TNHH Đông Pênh và Công ty TNHH MTV Cao su Trung Nguyên với tổng diện tích 22.462 ha tại Campuchia và Gia Lai, tổng số tiền 7.623 tỷ đồng.

Việc thanh toán đã hoàn tất nhưng đến nay đã quá 2 năm Thagrico vẫn chưa nhận được giấy tờ đất của các công ty này, do các giấy tờ đất đang bị giữ ở BIDV.

Đến cuối năm 2020 và đầu năm 2021, HAGL Agrico tiếp tục chuyển nhượng 4 công ty con là Công ty TNHH MTV An Đông Mia, Công ty TNHH Cao su Hoàng Anh Quang Minh, CTCP Hoàng Anh Đắk Lắk và Công ty TNHH MTV Bò sữa Tây Nguyên với tổng diện tích 20.744 ha tại Koun Mon (Campuchia) và tại Đắk Lắk, Gia Lai. Tuy nhiên giấy tờ các công ty này cũng đang thế chấp cho các khoản nợ của CTCP Hoàng Anh Gia Lai tại BIDV.

Trong khi đó, Thagrico đã đầu tư xây dựng hạ tầng, trồng mới cây ăn trái trên diện tích đất của các công ty đã chuyển nhượng. Nhưng đến nay, do không có giấy tờ đất, Thagrico không huy động được nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cho dự án này.

Thứ hai, trong điều kiện khó khăn của HAGL Agrico và phương án phát hành cổ phiếu chưa được thực hiện, thì từ đầu năm 2021 đến nay, phía CTCP Hoàng Anh Gia Lai liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu HNG. Qua đó, đã giảm tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông Hoàng Anh Gia Lai tại HAGL Agrico xuống còn 16,34% và sẽ còn giảm xuống 11,43% như thông tin HAG đã công bố. Trong khi đó, theo phương án phát hành đã được ĐHĐCĐ thông qua, sau khi thực hiện, nhóm cổ đông của CTCP Hoàng Anh Gia Lai phải duy trì tỷ lệ sở hữu tại  HAGL Agrico là 25,24%. Việc này đã làm giảm giá trị cổ phiếu HNG xuống dưới mệnh giá.

Thứ ba, những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đang gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Thagrico, ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng vật tư nông nghiệp cho các nông trường tại Lào, Campuchia và xuất khẩu trái cây đến thị trường nước khác. Khó khăn này buộc Thagrico phải điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư và phát triển kinh doanh trong điều kiện mới.

"Cuộc giải cứu" bế tắc

Thông tin nói trên gây xôn xao dư luận vì trước đó, việc Thaco rót vốn vào HAGL Agrico được xem là "cuộc giải cứu" của các đại gia.

Ở đó, ông Trần Bá Dương, một trong những người giàu nhất Việt Nam do Forbes công nhận, đã giúp đỡ ông Đoàn Nguyên Đức ("bầu" Đức), người từng có thời kỳ là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Thaco dừng mua thêm cổ phiếu, HAGL Agrico còn nợ BIDV bao nhiêu? - 2

Việc Thaco rót vốn vào HAGL Agrico được xem là "cuộc giải cứu" của các đại gia.

Cụ thể, cách đây cả thập kỷ, sau khi gặt hái được rất nhiều thành công với bất động sản, CTCP Hoàng Anh Gia Lai do "bầu" Đức giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị quyết định lấn sân sang nông nghiệp. Bầu Đức tự tin rằng nông nghiệp mới chính là tương lai của Hoàng Anh Gia Lai.

Tuy nhiên, giá cao su sụt giảm sâu, thời tiết khắc nghiệt… đã khiến ngành nông nghiệp, từ vị thế tiềm năng đã trở thành gánh nặng với Hoàng Anh Gia Lai, một "ông lớn" vốn đã kiệt quệ. Bản thân "bầu" Đức từng thừa nhận Hoàng Anh Gia Lai đã đứng trên bờ vực phá sản dù tài sản rất lớn.

Trong lúc bế tắc, vào một ngày đầu năm 2018, bầu Đức đã gọi điện mời ông Trần Bá Dương mua cổ phiếu nhưng ông Dương không quan tâm. Chưa từ bỏ, bầu Đức còn viết một bức thư tay với mong muốn Thaco "vực dậy" HAGL Agrico. Chính vì bức thư tay này, ông Dương đồng ý khảo sát và giải ngân ngay 2.100 tỷ đồng để tạo thanh khoản tạm thời cho HAGL Agrico.

Tối 8/8/2018, Thaco và Hoàng Anh Gia Lai chính thức ký kết hợp tác chiến lược. Chỉ 2 ngày sau đó, bầu Đức tuyên bố Thaco đã rót 7.800 tỷ đồng vào HAGL Agrico và sẽ rót thêm 14.000 tỷ đồng. Thời gian đầu, Thaco và nhóm cổ đông liên quan sở hữu 35% HAGL Agrico.

Đến tháng 9/2018, người của Hoàng Anh Gia Lai rời khỏi HAGL Agrico. Thay vào đó, người của Thaco vào ghế lãnh đạo HAGL Agrico. Cũng trong tháng 9, Hoàng Anh Gia Lai bất ngờ mua vào 24 triệu cổ phiếu HNG.

Kể từ đó đến nay, Hoàng Anh Gia Lai, "bầu" Đức và Thaco thường xuyên thay đổi tỷ lệ sở hữu tại HAGL Agrico.

Cho tới cuối năm, Thaco vẫn là cổ đông lớn nhất tại HAGL Agrico khi nắm giữ 27,63% vốn công ty. Đứng sau là Hoàng Anh Gia Lai với 16,07%, Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Trân Oanh (4,96%), ông Trần Bá Dương (4,58%),…

Tuy nhiên, hiện tại, tỷ lệ này có thể xáo trộn khi Hoàng Anh Gia Lai dự kiến bán 51,5 triệu cổ phiếu HNG, tương đương giảm tỷ lệ sở hữu từ mức 16,07% xuống còn 11,43%. Giao dịch dự kiến thực hiện thông qua phương thức bán thỏa thuận, thời gian thực hiện từ ngày 7/7-5/8.

Có thể thấy Thaco đã rất quyết tâm và quyết liệt khi "giải cứu" HAGL Agrico. Tuy nhiên "cuộc giải cứu" đang mắc kẹt ở giấy tờ tại BIDV. Vậy quan hệ tín dụng giữa HAGL Agrico và BIDV như thế nào?

Nỗ lực trả nợ, nợ vẫn rất lớn

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được đánh giá là một trong những ngân hàng bị "mắc kẹt" nặng nhất khi cho Hoàng Anh Gia Lai vay nợ. Dù vậy, BIDV vẫn rót tiền vào HAGL Agrico.

Tại thời điểm cuối năm 2018, về vay dài hạn, BIDV là chủ nợ nhất tại HAGL Agrico với tổng khoản vay lên đến 1.888 tỷ đồng. Số tiền này dùng tài trợ dự án cao su, dầu cọ và bổ sung vốn lưu động cho HAGL Agrico.

Sang năm 2019, khoản nợ này giảm nhẹ xuống còn 1.877 tỷ đồng.

Trong năm 2020, nhờ dòng tiền của Thaco, HAGL Agrico đã rất nỗ lực thanh toán nợ nần. Tại thời điểm cuối năm 2020, khoản nợ tại BIDV giảm sâu xuống 723 tỷ đồng. Và tới ngày 31/3, con số này là 722 tỷ đồng.

Có thể thấy, trong thời gian qua, khoản nợ tại BIDV của HAGL Agrico đã giảm 1.155 tỷ đồng, tương đương 61,5%. Đây là nỗ lực rất lớn. Nhưng có lẽ với dư nợ không hề nhỏ lên đến 722 tỷ đồng, HAGL Agrico vẫn chưa rút được giấy tờ thế chấp nên thương vụ đầu tư thêm vào HAGL Agrico của Thaco đã "bể kèo" vào phút chót.

Lỗ chồng lỗ, cổ phiếu chìm sâu

Dù đã nhận được "bầu sữa" từ Thaco, HAGL Agrico vẫn chưa thực sự bước ra ánh sáng. Công ty này vẫn chìm trong thua lỗ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I, trong kỳ, HAGL Agrico thua lỗ tới 161 tỷ đồng khi doanh thu giảm từ 491 tỷ đồng xuống 320 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý I, HAGL Agrico gánh chịu lỗ lũy kế 256 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh yếu kém đã khiến cổ phiếu HNG đánh mất "trợ lực" hữu hiệu từ thị trường chứng khoán. Trong năm 2020 và đầu năm 2021, bất chấp đại dịch Covid-19 hoành hành, chỉ số VN-Index vẫn đi lên mạnh mẽ, liên tục lập các kỷ lục mới. Cổ phiếu HNG nhờ đó cũng được "thơm lây".

HNG lập đỉnh 17.200 đồng/cổ phiếu vào ngày 7/1. Thế nhưng, kể từ đó, HNG liên tục đi xuống. Thậm chí vào ngày 7/7, HNG còn chính thức đánh mất mệnh giá (về dưới 10.000 đồng/cổ phiếu - PV).

Đóng cửa phiên giao dịch 23/7, HNG dừng ở mức 8.250 đồng/cổ phiếu. So với đỉnh thì giá này đã giảm 8.950 đồng/cổ phiếu, tương đương 52%. Như vậy, vốn hóa thị trường HAGL Agrico đã "bốc hơi" 9.922 tỷ đồng.

Và khi Thaco dừng mua thêm cổ phiếu HNG, nhiều khả năng, mức giá 8.250 đồng/cổ phiếu vẫn chưa phải "đáy" của HNG.